Covid-19 đẩy nhanh chuyển đổi số nhưng nâng cao năng suất lao động mới là ưu tiên số 1 của doanh nghiệp

Bạch Lan - 30/08/2021 20:51 (GMT+7)

(VNF) - Theo báo cáo "Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi" được Deloitte Private công bố, 69% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng quá trình chuyển đổi số trong thời kỳ khủng hoảng đã được tăng tốc đáng kể, số doanh nghiệp không đồng tình với ý kiến này chỉ chiếm 9%.

VNF

Từ ngày 21/1 đến ngày 9/3 vừa qua, thông qua OnResearch (công ty nghiên cứu thị trường), Deloitte đã thực hiện một cuộc khảo sát để thăm dò ý kiến của 2.750 giám đốc điều hành của các doanh nghiệp có quy mô vừa trên khắp thế giới về kỳ vọng, kinh nghiệm và kế hoạch của họ để nâng cao năng lực cạnh tranh đặc biệt trong giai đoạn thị trường nhiều biến động như hiện nay.

Trong đó, giới hạn tham gia khảo sát dừng ở cấp độ các doanh nghiệp tầm trung với doanh thu hàng năm từ 10 triệu đến 1 tỷ USD.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV - Deloitte Việt Nam tại buổi D-Coffee talk cho hay báo cáo của Delotte hướng tới đối tượng doanh nghiệp bị rung lắc mạnh và đến thời điểm này vẫn còn trụ được.

Theo bà, đối với những doanh nghiệp này, cú sốc khủng hoảng đã làm quy mô và thành tựu của họ bị ảnh hưởng nên cùng với việc ứng phó với khủng hoảng thì họ đã nghĩ ngay đến việc phục hồi để phát triển sau khi hết đại dịch.

Theo số liệu trong báo cáo của Deloitte, về các vấn đề do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tạo nên, 69% lãnh đạo của các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng quá trình chuyển đổi số trong thời kỳ khủng hoảng được tăng tốc đáng kể bởi đại dịch, và số lượng doanh nghiệp không đồng ý với ý kiến này chỉ chiếm 9%.

"Các lãnh đạo doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới đã tận dụng khủng hoảng này như một chất xúc tác, thúc đẩy sự thay đổi trên hầu hết mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống. Các doanh nghiệp tư nhân đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua việc đầu tư và triển khai công nghệ nhiều hơn. Những sáng kiến đang trong quá trình triển khai được tăng tốc để hoàn thành, còn những sáng kiến đã lên bản thảo thì đã được triển khai", báo cáo nêu rõ. 

Cũng dưới tác động của đại dịch, trên 60% lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng chuỗi cung ứng của họ cần được thiết lập lại, việc hình thành các quan hệ đối tác và liên minh mới đang được thúc đẩy và doanh nghiệp sẽ duy trì tập trung vào tính bền vững, giảm thiểu carbon.

Báo cáo chỉ ra 7 yếu tố tạo nên khả năng phục hồi của các doanh nghiệp là chiến lược, tăng trưởng, vận hành, công nghệ, lực lượng lao động, nguồn vốn và xã hội.

Trong đó, các lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng tăng trưởng và công nghệ là hai trong những yếu tố quan trọng nhất đối với các tổ chức có khả năng phục hồi cao.

Cụ thể, 45% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng họ đang trong quá trình chuyển đổi về mặt công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, 43% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng họ đang trong quá trình tăng trưởng thị trường, doanh thu, đổi mới sản phẩm.  

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private (Việt Nam) cho rằng 7 yếu tố trong lộ trình tạo nên khả năng phục hồi trên sẽ giúp doanh nghiệp định vị và giành được ưu thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh không ngừng biến động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro từ dịch bệnh Covid-19.

Phần lớn người tham gia khảo sát đều tin rằng doanh nghiệp của họ sẽ phục hồi sau đại dịch, hơn 2/3 trong số đó tự tin rằng doanh nghiệp sẽ thành công trong 12 tháng tới. Họ cũng tin rằng hầu hết các chỉ số kinh doanh chính sẽ được cải thiện.

Cụ thể, 61% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng năng suất lao động sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới; 58-59% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng; 52% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng vốn đầu tư sẽ tăng trong 12 tháng tới.

Nhìn chung, theo số liệu khảo sát, chiến lược phát triển chính của doanh nghiệp trong vòng 12 và 36 tháng tới là nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.

Báo cáo cho biết, các nhà lãnh đạo tự tin nhất về khả năng nâng cao năng suất và đó cũng là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp trong năm tới. Tuy chuyển đổi số là ưu tiên thứ hai trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, nhưng lại là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu của những nhà lãnh đạo kiên tâm.

Trong chiến lược phát triển, phần lớn doanh nghiệp ưu tiên việc phát triển tự thân thay vì mua bán và sáp nhập (M&A).

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.