Cựu Bí thư tỉnh ủy đứng ra tố cáo sai phạm của Chủ tịch Bình Thuận
(VNF) - Liên quan đến vụ án 'vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí' xảy ra tại dự án Khu đô thị biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), một cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã tố cáo hành vi vi phạm pháp luật liên quan việc triển khai, thực hiện dự án này.
- Đường thâu tóm dự án sân golf Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông 03/03/2023 01:39
Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Lê Tiến Phương, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cùng 16 bị can khác về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Cùng với ông Phương còn các các cựu quan chức khác như: Nguyễn Ngọc (cựu Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận); Lê Quang Vinh (cựu Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận); Nguyễn Văn Phong (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính, nguyên Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận); Xà Dương Thắng (cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận); Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Bình Thuận); Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Bình Thuận); Đỗ Ngọc Điệp (cựu Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết)... bị truy tố về tội 'vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí'.
Chuyển từ sân golf sang đất ở đô thị
Theo cáo trạng, Công ty Regent International OverSeas Corp (Hồng Kông) được Chính phủ đồng ý cho đầu tư dự án Ocean Dunes Golf Club (sân golf Phan Thiết), với quy mô 62 ha.
Năm 2013, Công ty Rạng Đông mua lại toàn bộ cổ phần của Regent International OverSeas Corp tại Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết với giá 2,5 triệu USD. Từ đây, Công ty Rạng Đông được tiếp tục thực hiện dự án rồi nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Tháng 11 cùng năm, Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh, cấp giấy chứng nhận, cho Công ty Rạng Đông kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, quyền và lợi ích của chủ đầu tư cũ.
Có giấy phép, Công ty Rạng Đông đề nghị chính quyền tỉnh xin chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị tại dự án Ocean Dunes Golf Club.
Trên cơ sở các văn bản đề nghị của Công ty Rạng Đông và ý kiến tham mưu của các sở, ngành, ngày 13/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương ký công văn báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị.
Tháng 5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức họp và thống nhất kết luận đồng ý để UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích 62 ha đất sân golf sang xây dựng khu đô thị tại dự án Ocean Dunes Golf Club của Công ty Rạng Đông.
Tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND tỉnh Bình Thuận về việc điều chỉnh sân golf Phan Thiết, nội dung đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng
Được sự đồng ý của Thủ tướng, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo xin chủ trương, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý. Sau đó chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Phan Thiết, cấp giấy phép quy hoạch khu đô thị tại khu vực dự án sân golf Phan Thiết; hướng dẫn Công ty Rạng Đông lập quy hoạch chi tiết; cập nhật vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của TP. Phan Thiết và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP. Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận.
Tháng 3/2015, theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương ký giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần thứ sáu) điều chỉnh nội dung đầu tư từ dự án Ocean Dunes Golf Club (dự án sân golf Phan Thiết) thành dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Quyết định này cũng đồng thời điều chỉnh ngành nghề kinh doanh thành: Kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới đấu giá bất động sản, dịch vụ lưu trú ngắn ngày...
Tiếp đến, cựu Chủ tịch Bình Thuận ký ban hành quyết định về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỷ lệ 1/500 đối với khu đất sân golf. Trong đó, cơ cấu sử dụng đất gồm 363.534 m2 đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, còn lại là diện tích đất công cộng, công trình giao thông, công viên, cây xanh... và không bố trí 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.
Sau đó, Lê Tiến Phương và các bị can tại các sở, ngành, đơn vị liên quan đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc xây dựng, thẩm định phương án giá đất và phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất của dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tới tài sản Nhà nước.
Giám định thể hiện hành vi phê duyệt giá với hơn 10 ha đất ở quy hoạch nhà cao tầng tại dự án trái quy định, gây thiệt hại hơn 154 tỷ đồng. Việc định giá với hơn 25 ha nhà thấp tầng cũng trái pháp luật, gây thêm thiệt hại 154 tỷ đồng. Cơ quan điều tra do vậy xác định các bị can trong vụ án gây thiệt hại tổng cộng hơn 308 tỷ đồng.
Cáo trạng thể hiện liên quan đến vụ án này, trước đó cựu một Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật liên quan việc triển khai, thực hiện dự án Khu du lịch biển Phan Thiết. Việc này được Cơ quan điều tra xem xét trong vụ án; các nội dung khác không liên quan được chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Rạng Đông thâu tóm dự án sân golf Phan Thiết từ tay ‘đại gia’ ngoại ra sao?
- Truy tố cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương 26/11/2024 11:00
- Tập đoàn Nhựa Bình Thuận công bố báo cáo phát triển bền vững ESG 13/11/2024 02:06
- Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Bình Thuận Lê Tiến Phương 01/11/2024 01:15
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.