Đà Nẵng: Hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm tài chính

Xuân Đương - Khánh Hồng - 11/02/2024 11:06 (GMT+7)

(VNF) - Với những lợi thế của mình, cùng cơ chế đặc thù được Trung ương trao, Đà Nẵng tự tin có thể vượt qua những hạn chế để hiện thực hóa giấc mơ trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng về vấn đề này.

VNF
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng

- Vừa qua, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, trong đó ông là ủy viên Ban Chỉ đạo. Xin ông cho biết, Đà Nẵng đã chuẩn bị những gì cho việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực?

Ông Hồ Kỳ Minh: Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là kết quả bước đầu của quá trình nghiên cứu, chuẩn bị của các Bộ, ngành trung ương có liên quan và các địa phương, trong đó có TP. Đà Nẵng.

Để làm được điều này, TP. Đà Nẵng đã tích cực tìm kiếm, trao đổi, làm việc với các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế để nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của các trung tâm tài chính trên thế giới, phân tích tình hình và khung pháp lý trong nước để có thể xác định được mô hình và lộ trình phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Từ đó, đề xuất các cơ chế, chính sách theo quan điểm tương thích với thông lệ quốc tế nhưng phải đúng với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Dự thảo Đề án “Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực” đã được Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng thông qua. Đồng thời, dự thảo cũng đã được gửi xin ý kiến các Ban, Bộ, ngành trung ương có liên quan và được các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng và luật tham gia góp ý.

TP. Đà Nẵng cũng đã đưa định hướng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế vào nội dung Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, quy hoạch quỹ đất 6,17ha để thiết lập khu phức hợp Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng tại quận Sơn Trà. Đây là khu vực phù hợp để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích.

Trong tầm nhìn đến năm 2050, thành phố dự kiến phương án chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích hơn 62ha thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Bên cạnh đó, xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng cũng đã được xác định trong nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các phương án về phát triển hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và các hạ tầng xã hội khác cũng đang được đẩy mạnh quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển đồng bộ theo tiêu chí của một đô thị hiện đại, thông minh.

Về nguồn nhân lực, từ niên khóa 2022 - 2023, Đại học Đà Nẵng và một số trường đại học trên địa bàn thành phố đã bắt đầu tuyển sinh đối với các chuyên ngành công nghệ tài chính (fintech), quản trị tài chính số đồng thời tăng cường hợp tác, điều chỉnh các chương trình học chất lượng cao đối với các chuyên ngành ngân hàng, quản trị tài chính, tài chính doanh nghiệp để phục vụ cho mục tiêu phát triển Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

- Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực nhưng Đà Nẵng chưa có một định chế tài chính hay một ngân hàng nào, liệu việc này có khả thi không, thưa ông?

Đó cũng là một trong những hạn chế đặt ra làm giảm vị thế và năng lực cạnh tranh của TP. Đà Nẵng khi thực hiện chủ trương xây dựng trung tâm tài chính quốc tế nhưng không phải là điều kiện tiên quyết, bất khả thi trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ hiện nay.

Đã có 37 ngân hàng thương mại với hơn 60 chi nhánh hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Bên cạnh đó, 2/4 “kỳ lân” Fintech Việt Nam là Momo và VNG, cũng như các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu như Công ty Ubisoft, Tập đoàn công nghệ CMC đã chọn Đà Nẵng là nơi phát triển thị trường. Đây là kết quả rất tích cực khi các định chế tài chính đã xem Đà Nẵng là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển ở Việt Nam.

Thêm một điểm nữa, mô hình trung tâm tài chính quốc tế mà Đà Nẵng đang đề xuất xây dựng có cấu phần chính của một trung tâm tài chính offshore. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mô hình có thể áp dụng ngay để tận dụng lợi thế hiện tại của Việt Nam, vừa có thể triển khai vừa nghiên cứu để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính, qua đó dần hướng đến xây dựng một trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế. Với những lợi thế, thuận lợi của Đà Nẵng, cùng cơ chế đặc thù của Trung ương thì Đà Nẵng có thể vượt qua hạn chế này để tiếp tục tiến bước.

- Ông có thể phác thảo diện mạo Trung tâm tài chính khu vực mà Đà Nẵng xây dựng?

Thế giới có hai cách tiếp cận về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, xây dựng thành phố thành một trung tâm tài chính hay xây dựng một trung tâm tài chính trong thành phố. Đà Nẵng có những lợi thế cạnh tranh như: vị trí địa lý và khả năng kết nối thuận lợi; sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản; được định hướng trở thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng đủ để hình thành một trung tâm công nghệ tài chính (fintech). Đề án Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở đó thì dự thảo Đề án đang lựa chọn cách tiếp cận thứ hai.

Theo đó, mô hình Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng gồm 3 cấu phần: Trung tâm tài chính offshore; Trung tâm Fintech; các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích. Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng không chỉ bao gồm các khu văn phòng phức hợp mà còn có các dự án đầu tư bất động sản, dịch vụ tiện ích, vui chơi giải trí trong trung tâm tài chính. Đây là nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đề án đã đề xuất các chính sách ưu đãi và đặc thù như: cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng; ưu đãi dành cho tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính; ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, còn có cơ chế huy động vốn của các tổ chức trong nước thông qua trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh riêng tại trung tâm tài chính; cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại các Trung tâm tài chính khác; chính sách về ngoại hối; phát triển công nghệ tài chính (Fintech). Ngoài ra còn có chính sách xuất nhập cảnh và chính sách về giải quyết tranh chấp.

- Thời gian vừa qua, Đà Nẵng đã đi học hỏi kinh nghiệm ở một số nước để xây dựng Trung tâm tài chính. Vậy, sau những chuyến đi ấy, Đà Nẵng đã học hỏi được gì, thưa ông?

Trong năm 2023, TP. Đà Nẵng đã tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo thành phố thực hiện xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu môi trường đầu tư của thành phố, kết nối với đối tác hoạt động trong lĩnh vực tiềm năng. Đây cũng là dịp để lãnh đạo TP. Đà Nẵng giới thiệu Đề án Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng cho các đối tác quốc tế và trao đổi, thảo luận với các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Trong mỗi chuyến đi, đoàn công tác của TP. Đà Nẵng đều đặt tinh thần cầu thị rất cao, vừa trao đổi, làm rõ cơ hội đầu tư vào các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố, vừa thảo luận thẳng thắn đối với các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế. Đối với TP. Đà Nẵng, các khuyến nghị về sự cần thiết của khung pháp lý minh bạch, linh hoạt, những yêu cầu cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư hay kinh nghiệm quản lý vận hành để khi trung tâm tài chính đi vào hoạt động sẽ đảm bảo quyền và lợi ích phù hợp giữa các bên đều là những bài học đáng quý mà thành phố đã học hỏi được. Tuy nhiên, càng quan trọng hơn là sau mỗi chuyến công tác, Đà Nẵng đã kết nối được với các nhóm chuyên gia, kiều bào trí thức và các tổ chức quốc tế cùng nghiên cứu, hình thành các chương trình, dự án tư vấn, nghiên cứu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng nói chung, trong hoạt động tài chính quốc tế nói riêng.

Đến nay, Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục duy trì quan hệ kết nối và đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, lời mời hỗ trợ nguồn lực và chuyên gia giúp Đà Nẵng trong việc tư vấn, quản trị đô thi, ứng phó với thiên tai và phát triển hoạt động tài chính từ các đối tác quốc tế.

- Được biết, Đề án xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương tài trợ lập đề án. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về sự hợp tác này không?

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã có nhiều nỗ lực kết nối các đối tác quốc tế làm việc, trao đổi thành phố về chủ trương Xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực. Từ kết quả của các buổi làm việc tích cực, UBND TP. Đà Nẵng đã ký Bản thỏa thuận với IPPG về việc tài trợ lập “Đề án xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực”.

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận một số tài liệu nghiên cứu được xây dựng công phu, bài bản, có ý nghĩa định hướng và mở rộng tầm nhìn về mô hình trung tâm tài chính quốc tế hiện nay. Vì việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề mới, có tính phức tạp cao do đó để việc nghiên cứu Đề án được hiệu quả, thành phố cũng đã thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Tổ trưởng; mời đại diện các Ban, Bộ, ngành trung ương có liên quan và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ Đà Nẵng lập Đề án.

Trên cơ sở sản phẩm do IPPG tài trợ, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng phối hợp với Tổ công tác và các bên liên quan nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện dự thảo báo cáo Đề án làm cơ sở xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng và các Ban, Bộ, ngành trung ương có liên quan. Trên cơ sở đó, UBND TP. Đà Nẵng đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực”.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Cùng chuyên mục
Tin khác