'Chao đảo' vì bê bối tài chính: Củng cố tiêu chuẩn đạo đức để lấy lại niềm tin

TS. Phạm Anh Khôi - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính Bất động sản Tulip (FINA) - 15/12/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Ngành dịch vụ tư vấn tài chính tại Việt Nam đã từng phải đối mặt với khủng hoảng niềm tin bởi những vụ bê bối trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, trái phiếu. Hậu quả này một phần tới từ các hành vi phi đạo đức của các tư vấn viên tài chính cá nhân. Sự thiếu sót các văn bản luật và quy tắc ứng xử đạo đức dành cho những người hoạt động tư vấn tài chính cá nhân, đã dẫn đến các hành vi sai trái gây thiệt hại cho khách hàng, xã hội và nhà nước.

VNF

Nghề Hoạch định tài chính là một ngành nghề mới nổi tại Việt Nam nhưng đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với các cá nhân mà còn đối với tổng thể nền kinh tế - xã hội. 

Đạo đức và niềm tin trong lĩnh vực hoạch định tài chính

Để ngành nghề Hoạch định tài chính trở nên chuyên nghiệp và phát triển tại Việt Nam, ngành này cần chú trọng vai trò cốt yếu của đạo đức trong quá trình tác nghiệp. Một nghiên cứu bởi Bigel (1998) với các nhà hoạch định tài chính hành nghề tại Hoa Kỳ cho thấy rằng các nhà hành nghề tư vấn tài chính có chứng chỉ CFP (Certified Financial Planner), chứng chỉ Nhà hành nghề Hoạch định tài chính đã nhận được đánh giá đạo đức cao hơn so với những người không có bằng cấp này. Điều này cho thấy rằng việc thực hành các quy tắc đạo đức ảnh hưởng đến việc ra quyết định có đạo đức của những người hành nghề hoạch định tài chính.

Cull và Bowyer (2017) cũng đã chỉ ra rằng khi xếp hạng tầm quan trọng của các khía cạnh khác nhau trong tư vấn tài chính, khách hàng đã xếp hạng các kỹ năng đạo đức trên các kỹ năng chuyên môn.

Khái niệm niềm tin cũng gắn liền với yếu tố đạo đức và có liên quan đến việc thiết lập kế hoạch tài chính (Bruhn và Asher, 2020) vì niềm tin là yếu tố quan trọng quyết định việc tìm kiếm các tư vấn tài chính (Burke và Hung, 2019; Lachance và Tang, 2012; Monti và cộng sự, 2014). Cull và Sloan (2016) phát hiện ra rằng sự tin tưởng là rất cần thiết trong mối quan hệ giữa người lập kế hoạch tài chính và khách hàng. Sự tin tưởng của khách hàng đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính đã giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (Ahmed và cộng sự, 2020).

Sự suy giảm lòng tin cũng đang là một vấn đề tại Việt Nam thể hiện qua hàng loạt các sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu, bảo hiểm và thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Sự suy giảm lòng tin không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư cá nhân mà còn dẫn đến các thiệt hại lâu dài về mặt vĩ mô cho nhà nước và các doanh nghiệp.

Chính vì vậy việc xây dựng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân đang là một vấn đề cấp bách cần được quan tâm từ tất cả mọi phía đặc biệt là từ những người hành nghề tư vấn tài chính chân chính và chuyên nghiệp.

Trong đó, việc củng cố đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề hoạch định tài chính cá nhân rất quan trọng. Hành vi có đạo đức là điều cần thiết để xây dựng niềm tin với khách hàng cũng như duy trì tính chuyên nghiệp của nghề. Bởi ngành hoạch định tài chính được xây dựng dựa trên sự tin tưởng và tín nhiệm mà khách hàng đặt vào các nhà hoạch định tài chính của họ. Nếu các nhà hoạch định tài chính hành xử phi đạo đức, họ có nguy cơ làm tổn hại danh tiếng của ngành và làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng, gây mất niềm tin.

Quy tắc đạo đức ngành hoạch định tài chính trên thế giới

Quy tắc đạo đức, đôi khi được gọi là quy tắc ứng xử, được tạo ra để đảm bảo mức độ tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu của những người hành nghề chuyên nghiệp. Abbott (1983) đã xác định rằng việc tạo ra các quy tắc đạo đức và ứng dụng của chúng là điều cần thiết trong sự phát triển của một nghề nghiệp.

Mục đích của quy tắc đạo đức là tạo niềm tin vào nghề nghiệp vì nó được xem như một tuyên bố sứ mệnh, chiến lược quản lý đảm bảo chất lượng, lời hứa về dịch vụ và bao gồm các hướng dẫn hành động hợp lý cho khách hàng và công chúng (Bonvin và Dembinski, 2002; Mackay, 2011). Điều này rất cần thiết cho nghề hoạch định tài chính, một nghề mới nổi tại Việt Nam, nơi mà sự tin tưởng của khách hàng vào người hoạch định tài chính của họ là vô cùng quan trọng (Bruhn, 2019a, 2019b; Calcagno và cộng sự, 2017).

Các thị trường tài chính phát triển như Anh, Úc, Mỹ hay Singapore đều đã ban hành các Bộ Quy tắc đạo đức cho người hành nghề Hoạch định tài chính. Tại Úc, các cơ quan quản lý nhà nước lẫn hiệp hội hành nghề đã xây dựng các bộ Quy tắc đạo đức cho ngành hoạch định tài chính, bao gồm: Ủy ban Chuẩn mực Đạo đức & Chuyên môn Kế toán (APESB), 2013; Hiệp hội Cố vấn Tài chính (AFA), 2018; Hiệp hội Lập kế hoạch Tài chính Úc (FPA), 2013; Hiệp hội các Cố vấn Tài chính được sở hữu độc lập (AIOFP), 2017. Các Bộ quy tắc ứng xử tương ứng cũng được ban hành tại Hoa Kỳ bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Hoạch định tài chính (CFP Board), 2019, tại Anh Quốc bởi Viện tiêu chuẩn Anh (BIS), 2006 và tại Singapore bởi Hiệp hội Hoạch định tài chính Singapore (FPAS). Tại Trung Quốc, Hội đồng Tiêu chuẩn Hoạch định tài chính Trung Quốc (FPSC) cũng đã được thành lập để tư vấn, ban hành và giám sát bộ Tiêu chuẩn Hành nghề và tiêu chuẩn đạo đức của các nhà hành nghề Hoạch định tài chính.

Tại Việt Nam, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đang là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tham vấn và phát triển ngành Hoạch định tài chính tại Việt Nam. Trong đó, hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn các cơ quan ban ngành có liên quan, như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các trường đại học, để sớm đưa ra các bộ Tiêu chuẩn hành nghề, Tiêu chuẩn giáo dục và đặc biệt là Bộ Tiêu chuẩn Đạo đức cho các nhà hành nghề Hoạch định tài chính tại Việt Nam.

TS. Phạm Anh Khôi

Các vấn đề đạo đức thường gặp trong tư vấn tài chính

Có một số vấn đề đạo đức mà các nhà hoạch định tài chính có thể phải đối mặt. Một số vấn đề đạo đức phổ biến nhất trong lập kế hoạch tài chính hiện nay tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới bao gồm:

Xung đột lợi ích

Các nhà hoạch định tài chính có thể có xung đột lợi ích khi họ có lợi ích cạnh tranh hoặc lòng trung thành có thể ảnh hưởng đến lời khuyên của họ. Ví dụ, một nhà hoạch định tài chính có thể đề xuất một sản phẩm tài chính mang lại lợi ích cho cá nhân họ chứ không phải cho khách hàng.

Hành vi lừa đảo

Các nhà hoạch định tài chính có thể tham gia vào hành vi gây hiểu lầm hoặc lừa đảo khi họ cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho khách hàng. Điều này có thể bao gồm việc đưa ra những tuyên bố phóng đại về hiệu suất của một khoản đầu tư hoặc giữ lại thông tin có liên quan đến quá trình ra quyết định của khách hàng.

Vi phạm bảo mật

Các nhà hoạch định tài chính có nhiệm vụ duy trì tính bảo mật của thông tin khách hàng. Vi phạm bảo mật có thể xảy ra khi các nhà lập kế hoạch tài chính chia sẻ thông tin khách hàng với bên thứ ba mà không có sự đồng ý của khách hàng.

Các nguyên tắc đạo đức cơ bản của nghề hoạch định tài chính

Để đảm bảo hành vi đạo đức trong quá trình hành nghề, các nhà hoạch định tài chính nên tuân theo các nguyên tắc đạo đức cơ bản sau:

Lợi ích tốt nhất của khách hàng

Hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng của bạn trong việc tìm cách mở rộng và đảm bảo an sinh tài chính của họ.

Trung thực

Các nhà hoạch định tài chính nên trung thực và minh bạch với khách hàng của họ. Điều này bao gồm tiết lộ tất cả các khoản phí và hoa hồng liên quan đến các sản phẩm tài chính và cung cấp thông tin chính xác và trung thực cho khách hàng.

Tuân thủ pháp luật và quy tắc

Tuân thủ pháp luật, quy tắc ứng xử và quy định có liên quan và tránh bất kỳ hành vi nào làm mất uy tín nghề nghiệp.

Chính trực

Các nhà hoạch định tài chính nên hành động chính trực và tránh xung đột lợi ích. Họ nên hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng và tránh những hành động có thể gây hại cho khách hàng của họ.

Cần mẫn

Chăm sóc chu đáo; thực hiện các cam kết nghề nghiệp kịp thời, triệt để; hành động với nhân phẩm, sự tôn trọng và lịch sự khi giao dịch với tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khách hàng và đồng nghiệp.

Khách quan

Không cho phép sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc ảnh hưởng quá mức của người khác lấn át các phán đoán chuyên môn hoặc kinh doanh.

Bảo mật

Các nhà hoạch định tài chính có nhiệm vụ duy trì tính bảo mật của thông tin khách hàng. Họ chỉ nên chia sẻ thông tin khách hàng với bên thứ ba khi có sự đồng ý của khách hàng.

Chuyên nghiệp

Các nhà hoạch định tài chính nên luôn luôn hành động một cách chuyên nghiệp. Điều này bao gồm việc duy trì trình độ chuyên môn cần thiết và các tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng như cập nhật những phát triển của ngành.

Năng lực

Các nhà hoạch định tài chính cần có kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa ra lời khuyên hợp lý cho khách hàng của họ. Họ nên cập nhật những phát triển của ngành và liên tục phát triển kiến thức và kỹ năng của mình.

Kết luận

Tóm lại, đạo đức trong tư vấn tài chính là điều cần thiết để duy trì niềm tin và sự tự tin trong nghề hoạch định tài chính. Các nhà hoạch định tài chính nên tuân theo các nguyên tắc đạo đức như trung thực, liêm chính, bảo mật, chuyên nghiệp và năng lực để đảm bảo cung cấp cho khách hàng của mình những lời khuyên và hướng dẫn đúng đắn. Bằng cách đó, các nhà hoạch định tài chính có thể xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng của họ và duy trì tính toàn vẹn của ngành nghề này.

Ngành dịch vụ tư vấn tài chính tại Việt Nam đã từng phải đối mặt với khủng hoảng niềm tin bởi những vụ bê bối, là hậu quả một phần từ các hành vi phi đạo đức của các tư vấn viên tài chính cá nhân. Sự thiếu sót các văn bản luật và quy tắc ứng xử đạo đức dành cho những người hoạt động tư vấn tài chính cá nhân, dẫn đến các hành vi sai trái gây thiệt hại cho khách hàng, xã hội và nhà nước.

Qua việc tổng hợp các kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, có thể kết luận rằng các quy tắc đạo đức đóng vai trò là nền tảng trong việc phát triển ngành Tư vấn tài chính cá nhân trở thành một nghề nghiệp được xã hội và nhà nước công nhận và bảo vệ. Ngoài ra, nó còn là một tuyên bố sứ mệnh về việc đảm bảo chất lượng và những lời hứa về dịch vụ, đồng thời làm tăng lòng tin của khách hàng đối với nghề Hoạch địch tài chính cá nhân.

Tuy nhiên, việc tạo ra một bộ quy tắc đạo đức là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để tạo ra sự tin tưởng tuyệt đối của xã hội về nghề nghiệp này. Một văn hóa đạo đức phải được nuôi dưỡng trong từng cá nhân người hành nghề. Bên cạnh các quy tắc đạo đức, cần truyền tải thông tin và quá trình thẩm thấu đến các cá nhân hành nghề về ý nghĩa và tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp để quy tắc đạo đức có hiệu quả trong lĩnh vực Hoạch định tài chính cá nhân.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.