Đại biểu Cần Thơ: 1 tỷ USD Thủ tướng hứa đầu tư vào ĐB sông Cửu Long vẫn chưa thấy

Thụy Khanh - 01/06/2019 01:38 (GMT+7)

(VNF) – “Vấn đề quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa xong. Thủ tướng cam kết đầu tư 1 tỷ USD vẫn chưa thấy”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) nói tại hội trường Quốc hội.

VNF
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ)

Phát biểu trong phiên thảo luận hôm 31/5, ông Nguyễn Thanh Xuân đã đề cập tới vấn đề phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cho rằng Chính phủ đang chậm thực hiện các quyết sách của mình.

Cụ thể, hội nghị đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tháng 09/2017. Rất nhanh sau đó, tháng 11/2017, Chính phủ ra Nghị quyết số 120 rồi ra Quyết định số 47 và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 120.

“Đến tháng 4/2019 là gần một năm rưỡi, không biết đến khi nào nội dung các chương trình hành động sẽ thực sự được thực thi”, ông Xuân nói.

Về quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long, ông Xuân cho hay việc này vẫn chưa xong. Thủ tướng cam kết đầu tư 1 tỷ USD vẫn chưa thấy.

“Trong khi đó, biến đổi khí hậu không thể chờ để chúng ta thích ứng. Việc triển khai chậm hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bộc lộ rõ, cản trở phát triển vùng. Tuyến đường khoảng 180 km từ Cần Thơ đến TP. HCM phải mất gần 4 giờ trong thời điểm bình thường”, ông Xuân dẫn chứng.

Đề cập chuyện kẹt xe trong những dịp lễ tết, ông Xuân nhấn mạnh đây là vấn đề rất nặng nề. Vận chuyển 1 tấn hàng hóa nông, thủy sản, chi phí tăng thêm gần 20 USD. Điều này tác động quá lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

“Đây là ví dụ điển hình về sự yếu kém của giao thông đồng bằng sông Cửu Long. Xin kiến nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo, triển khai với quyết tâm cao nhất để hoàn thành tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đúng kế hoạch, kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn”, ông Xuân nói.

Vị đại biểu của Cần Thơ nhấn mạnh: “Không phải chúng tôi ở Cần Thơ mà yêu cầu cho Cần Thơ, cho Đồng bằng sông Cửu Long mà đây là vấn đề lớn của quốc gia, vùng có gần 20 triệu dân, sản xuất hơn 50% lúa và gần 70% thủy sản của cả nước nhưng bị tác động lớn của biến đổi khí hậu. Nếu vùng này phát triển chậm thì sẽ ảnh hưởng lớn, nhất là an ninh lương thực quốc gia”.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung

Cùng chung chủ đề với đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đã nhắc sự yếu kém của hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách gay gắt.

“Dự án cầu Rạch Miễu 2 có thể hoàn thành trong 4-5 năm tới. Còn dự án dài hơi khác như dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ phải chờ đợi tới 5 - 10 năm sau hoặc hơn nữa.

“Cứ cho rằng các dự án cầu, đường cao tốc nói trên sẽ hoàn thành trong 3 - 5 năm nữa, khi ấy sẽ không còn kẹt xe hoặc giảm nhiều ở cầu Rạch Miễu trên Quốc lộ 60 và Quốc lộ 1 đoạn qua Tiền Giang, nhưng lúc đó các tuyến đường từ miền Tây đi TP. HCM và ngược lại qua địa bàn tỉnh Long An sẽ kẹt xe khủng khiếp. Mức độ kẹt xe có thể tăng gấp đôi so với hiện nay.

“Nói cách khác, nút thắt giao thông từ TP. HCM về miền Tây không mất đi mà chỉ rời từ các nơi về địa bàn tỉnh Long An”.

Bà Dung đề nghị Quốc hội, Chính phủ và trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải ngoài các giải pháp đã lên kế hoạch thì cần có giải pháp “chữa cháy”.

Cụ thể, bà Dung yêu cầu Chính phủ nhanh chóng mở rộng và nâng cấp tuyến N2 qua Long An, Tiền Giang đến Đồng Tháp để tuyến đường này giải quyết hầu hết nhu cầu đi lại của vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên đến TP. HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Hoặc, Chính phủ có thể mở rộng đoạn quốc lộ 50 qua địa phận TP. HCM.

“Hiện Quốc lộ 50 đoạn qua Long An, Tiền Giang đã được nâng cấp mở rộng, đoạn qua TP. HCM vẫn nhỏ, hẹp xuống cấp tạo thành nút thắt cổ chai. Đề xuất có thể mở một con đường khác song song với quốc lộ 50 hiện hữu cùng kết nối với đường Nguyễn Văn Linh, TP. HCM”, bà Dung nói.

Theo bà Dung, về lâu dài, bên cạnh các dự án giao thông đường bộ, đường sắt kết nối TP. HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ cần có giải pháp khai thác giao thông thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc này nhằm chia sẻ áp lực giao thông đường bộ của các tỉnh miền Tây, giải quyết được vấn đề căn bản là vận chuyển nông sản (thủy sản, lúa gạo) làm tăng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa khi chi phí logistic giảm (hiện, chi phí logistic của gạo chiếm 20 % giá trị sản phẩm).

Bà Dung cũng chỉ ra rằng tiềm năng du lịch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn nhưng khó khăn hiện nay là các luồng sông chưa đủ độ sâu để đón các tàu có trọng tải lớn.

“Hiện nay luồng sông Xoài Rạp đến cảng quốc tế Long An dài 19km có độ sâu từ 8-9m, không thể đón các tàu du lịch quốc tế 5 sao cũng như tàu có trọng tải trên 20.000 tấn.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ngoài việc nạo vét nâng cấp kênh Chợ Gạo thì sớm có đầu tư nạo vét luồng sông Xoài Rạp đến cảng quốc tế Long An để đồng bộ tương xứng với năng lực khai thác của cảng quốc tế Long An”, bà Dung nêu đề xuất.

Phát biểu trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay: trong những năm vừa qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ cũng đã bố trí hơn 2.500 tỷ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm và nguồn dự phòng chung của cả nước.

Ông Dũng cũng khẳng định các bộ, các ngành đã bố trí đầu tư rất nhiều cho đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy vậy, ông Dũng thừa nhận “vấn đề giao thông đang là vấn đề lớn nhất, đang là điểm nghẽn của Đồng bằng sông Cửu Long”.

“Chúng tôi đồng tình là trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục quan tâm và đồng hành với Đồng bằng sông Cửu Long để có đầu tư thích đáng, tạo điều kiện cho vùng bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Các vấn đề đại biểu nêu tôi xin tiếp thu đầy đủ và có tham mưu với Chính phủ để có giải pháp kịp thời, hiệu quả đẻ thực hiện hoàn thành thắng lợi năm 2019 cũng như giai đoạn 2016 – 2020”, ông Dũng nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.