Đại dự án 14 tỷ USD, động lực tăng trưởng mới của nhóm dầu khí

Hải Đường - 04/06/2024 09:45 (GMT+7)

(VNF) - Dự án Lô B với vốn xây dựng cơ bản 14 tỷ USD, vòng đời 23 năm, sẽ mang đến khối lượng công việc bền vững cho hàng loạt doanh nghiệp dầu khí như PVS, PVD, PVB, GAS,…

“Giải khát” nhu cầu điện cho khu vực Tây Nam Việt Nam

Lô B được đánh giá là 1 đại dự án với vốn xây dựng cơ bản đạt 14 tỷ USD, vòng đời 23 năm bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn xây dựng từ năm 2024-2027, giai đoạn khai thác và mở rộng từ năm 2028-2050.

Tổng trữ lượng ước tính của các mỏ khí Lô B đạt 107 tỷ m3 khí và 12,65 triệu thùng condensate. Sản lượng khí đạt 5-7 tỷ m3/năm trong vòng đời 23 năm của dự án. Mục đích của dự án Lô B là đáp ứng nhu cầu điện cho khu vực Tây Nam Việt Nam khi trữ lượng khí của mỏ khí PM3 hiện tại ngày càng cạn kiệt.

Lô B bao gồm 3 phân khúc: thượng nguồn (phát triển mỏ khí), trung nguồn (vận chuyển khí) và hạ nguồn (phát điện).

Đối với phân khúc thượng nguồn, vốn xây dựng cơ bản ước tính đạt 7,9 tỷ USD từ 4 nhà đầu tư, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) (42,9%), Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP, 26,8%), Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí Mitsui (MOECO, 22,6%) và Công ty dầu khí thượng nguồn quốc gia Thái Lan PTTEP (7,7%). Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC), công ty con của PVN, là đơn vị vận hành phân khúc thượng nguồn của dự án Lô B.

Vốn xây dựng cơ bản ước tính cho phân khúc trung nguồn đạt 1,3 tỷ USD và được tài trợ bởi Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) (51%), PVN (28,7%) và MOECO & PTTEP (20,3%). Đơn vị vận hành đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn là 1 công ty con khác của PVN, Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC).

Các khách hàng tiêu thụ khí chính của các mỏ khí Lô B là 4 nhà máy nhiệt điện ở Cần Thơ (tổng vốn xây dựng cơ bản đạt 4,6 tỷ USD) — Ô Môn I (công suất 660MW), Ô Môn II (công suất 1.050MW), Ô Môn III (công suất 1.050MW) và Ô Môn IV (công suất 1.050MW).

Nhà máy điện Ô Môn I của EVNGENCO2 chạy bằng dầu và dự kiến chuyển sang chạy khí từ Lô B. 3 nhà máy điện Ô Môn còn lại chưa được khởi công xây dựng. Nhà máy điện Ô Môn II do Marubeni (Nhật Bản) và Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Việt Nam) hợp tác phát triển.

Ngày 9/10/2023, UBND TP. Cần Thơ chấp thuận việc chuyển quyền sở hữu nhà máy điện Ô Môn III & IV từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho PVN.

Đến ngày 28/3/2024, Mitsui & Co., Ltd. (Mitsui) thông qua công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn là Công ty TNHH Thăm dò Dầu Mitsui (“MOECO”) đã đạt được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án tổ hợp khí điện Lô B tại Việt Nam. Tổng mức đầu tư đạt mức 740 triệu USD bao gồm cả phân khúc thượng nguồn và trung nguồn.

Cùng ngày, PVN đã ký hàng loạt thỏa thuận nhằm giải quyết các điểm mấu chốt của dự án điện khí Lô B - Ô Môn bao gồm giá khí và sản lượng hợp đồng từ Ô Môn 1, 3 & 4 nhà máy điện và sự tham gia của EVNGENCO2.

Chính phủ mới đây cũng đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII ngày 2/4, kèm mốc thời gian vận hành thương mại cho các nhà máy điện Lô B. Theo đó, kế hoạch thực hiện đặt mục tiêu thời gian vận hành thương mại của Ô Môn II, III & IV lần lượt vào năm 2027/2030/2028 để sử dụng nguyên liệu khí Lô B.

Công ty Chứng khoán Vietcap dự báo, dự án Lô B sẽ khởi công chính thức trong nửa đầu năm 2024. Theo đó, việc ký kết đầy đủ hợp đồng EPCI (tư vấn, thiết kế – mua sắm thiết bị – xây dựng, lắp đặt trên biển) số 1,2,3 dự kiến diễn ra trước ngày 30/06 để chính thức vận hành dự án Lô B.

Dẫn dắt chu kỳ tăng trưởng mới

Theo Vietcap, dự án Lô B sẽ mang đến khối lượng công việc bền vững cho hàng loạt doanh nghiệp dầu khí như Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD), Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB), GAS,…

Theo đó, PVS là sẽ doanh nghiệp được hưởng lợi sớm nhất từ dự án Lô B vì chúng tôi kỳ vọng công ty này sẽ giành được 5,8 tỷ USD từ các hợp đồng M&C bắt đầu từ năm 2024 và 1 hợp đồng cho thuê kho nổi chứa dầu bắt đầu từ năm 2028. Ngoài ra, sẽ có nhu cầu về các tàu dịch vụ dầu khí và các dịch vụ vận hành & bảo dưỡng (O&M) cho kho nổi chứa dầu, đây sẽ là nguồn lợi nhuận tiềm năng khác cho PVS trong suốt vòng đời của dự án.

(Ảnh minh hoạ)

Với PVD, doanh nghiệp này có tiềm năng thuê 2 giàn khoan và có các hợp đồng dịch vụ giếng khoan cho dự án Lô B (tổng giá trị hợp đồng ước tính đạt 2 tỷ USD). Vietcap cho biết có khoảng 944 giếng ở dự án Lô B và các giếng này sẽ được khoan bởi 2 giàn khoan trong giai đoạn 2026-2050.

Hiện PVD chưa cung cấp kế hoạch chi tiết về giàn khoan sử dụng cho dự án Lô B, Vietcap dự báo 2 kịch bản để PVD tiến hành khoan cho các mỏ khí Lô B, kỳ vọng doanh thu tiềm năng từ các dịch vụ liên quan đến giếng khoan của PVD sẽ như nhau trong cả 2 kịch bản trong giai đoạn 2026-2050. Lợi nhuận trung bình từ hoạt động khoan và các dịch vụ liên quan đến giếng khoan của 2 kịch bản là 267 triệu USD trong giai đoạn 2026-2050.

Với GAS, Vietcap ước tính doanh nghiệp này sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tiềm năng đạt lần lượt 3,6 tỷ USD và 2,1 tỷ USD từ hoạt động vận chuyển khí cho dự án Lô B. Theo Vietcap, cước phí vận chuyển khí cho Lô B là 1,9 USD/triệu BTU vào năm 2027.

Cước phí này tăng 2% mỗi năm. Ngoài ra, sản lượng khí có khả năng đạt 5-7 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2027-2050. Trong khi đó, GAS đang sở hữu 51% cổ phần trong đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn.

Về PVB, Vietcap dự báo dự án Lô B sẽ dẫn dắt 1 chu kỳ tăng trưởng mới cho doanh nghiệp này. Theo đó, PVB sẽ có lợi nhuận tăng mạnh trong giai đoạn 2025-2027 từ hợp đồng bọc ống dẫn khí tiềm năng trị giá 100-130 triệu USD cho Lô B.

PVB là công ty con của GAS, cũng là công ty Việt Nam duy nhất đang hoạt động trong thị trường bọc phủ đường ống. Vietcap cho rằng PVB sẽ ghi nhận lợi nhuận khả quan trong giai đoạn 2025-2027 nếu các dự án dầu khí mới như Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2B và mỏ khí Lô B bắt đầu triển khai vào năm 2024.

Theo Vietcap, trong những năm PVB không có việc làm đáng kể, lợi nhuận ở mức thấp (khoảng 30 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi PVB có khối lượng công việc lớn trong năm 2014, lợi nhuận của PVB đạt mức cao kỷ lục gần 150 tỷ đồng.

Vietcap kỳ vọng PVB có khả năng giành được các hợp đồng bọc đường ống trị giá 130 triệu USD cho dự án Lô B, tương ứng lợi nhuận của công ty có thể tăng trong giai đoạn 2025-2027 và tiến gần đến mức đỉnh. Ngoài ra, PVB có bảng cân đối kế toán không nợ vay và ghi nhận chi phí khấu hao ở mức thấp vì hầu hết máy móc của công ty đã khấu hao gần hết.

Tập đoàn Dầu khí muốn đầu tư 2,5 tỷ USD làm tổ hợp điện khí LNG tại Hà Tĩnh

Tập đoàn Dầu khí muốn đầu tư 2,5 tỷ USD làm tổ hợp điện khí LNG tại Hà Tĩnh

Đầu tư
(VNF) - Trong tổng số vốn 2,5 tỷ USD , Tập đoàn Dầu khí Việt Nam muốn sử dụng 1,5 tỷ USD xây Nhà máy điện khí LNG và 1 tỷ USD xây dựng Trung tâm kho cảng LNG tại KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.