Đại hội Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam: Chặng đường mới, khát vọng mới
Vân Anh -
25/03/2024 13:38 (GMT+7)
(VNF) - Liên Chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) tổ chức đại hội lần thứ I nhiệm kỳ 2024 – 2029 vào ngày 25/3 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, tổ chức… cùng các thành viên của Liên Chi hội.
Đại hội lần thứ I nhiệm kỳ 2024 – 2029 của Liên Chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam diễn ra vào ngày 25/3 tại trung tâm hội nghị quốc gia, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sự kiện được tổ chức nhằm mục đích kiện toàn tổ chức, nhân sự cơ quan, phân định các chức năng, nhiệm vụ của ban chuyên môn để từ đó ổn định hoạt động của Liên chi hội.
Trong khuôn khổ của đại hội, FAIP sẽ bầu ra ban chấp hành, ban thường vụ, ban thường trực (chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký), ban kiểm tra nhiệm kỳ I (2024 – 2029), đồng thời thông qua nghị quyết đại hội.
Thực tế phát triển thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng của các khu công nghiệp (KCN) trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp đã bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế cần được khắc phục. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, việc đổi mới, tái cấu trúc và hoàn thiện mô hình KCN nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích lâu dài, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làm mục tiêu cao nhất, đang đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá toàn diện và đồng bộ.
Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến năm 2030 diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000ha khu công nghiệp, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000ha.
Hiện đơn giá đền bù đất, giải phóng mặt bằng và định mức xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã được điều chỉnh tăng so với giai đoạn trước. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), ước tính chi phí đầu tư phát triển một ha đất khu công nghiệp bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD.
Nhu cầu thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp rất lớn. Nếu tính suất đầu tư bình quân 6,5 triệu USD/ha đất công nghiệp thì nhu cầu thu hút vốn đầu tư lấp đầy diện tích còn lại của các khu công nghiệp của Việt Nam đã được quy hoạch khoảng 600 - 650 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư cần để phát triển hạ tầng khu công nghiệp và lấp đầy các khu công nghiệp đã được quy hoạch khoảng 670 - 720 tỷ USD. Để huy động được nguồn vốn to lớn đầu tư vào các khu công nghiệp trong những năm tới đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản trong việc khai thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư.
Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) đã quyết định thành lập Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam nhằm tạo lập một sân chơi chung cho các doanh nghiệp khu công nghiệp trên cả nước chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh doanh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và trên toàn cầu.
TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, cho biết hơn 30 năm phát triển đã chứng minh vai trò quan trọng của các KCN đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước ta. Song thực tiễn cũng cho thấy, còn rất nhiều khó khăn, hạn chế về tài chính cần phải được tháo gỡ, để các KCN có thể tiếp tục phát triển, tương xứng với tiềm năng to lớn của mô hình này. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam là rất cần thiết, nhằm kết nối các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh tế tài chính KCN trên cả nước, hướng tới bảo vệ lợi ích hợp pháp và hỗ trợ các doanh nghiệp KCN triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh một cách hiệu quả; định hướng huy động vốn đầu tư, kinh doanh trong KCN một cách chuyên nghiệp, phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Liên chi hội, Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam thuộc Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam sẽ là một nhân tố quan trọng đồng hành cũng các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam theo đúng định hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Liên Chi hội ra đời với mục tiêu trở thành tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến khu công nghiệp.
“Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam sẽ là đầu mối tin cậy của các nhà đầu tư, các đối tác nhằm kết nối cung – cầu về đầu tư, tài chính cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động trong khu công nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, dòng chảy tài chính vào các khu công nghiệp đã và đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Không chỉ tạo ra các không gian mới để phát triển công nghiệp, chính các bất động sản công nghiệp cũng liên tục tăng giá và đem lại rất nhiều lợi ích cho các nhà phát triển. “Một dòng chảy tài chính khu công nghiệp đã được định hình và càng ngày càng lớn mạnh hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn”, ông Minh nói. Trong thời gian tới, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance sẽ xuất bản các ấn phẩm liên quan đến lĩnh vực này.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu kinh tế, khu công nghiệp chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Số liệu thống kê cho thấy, trên cả nước đã thành lập 414 khu công nghiệp, với tổng diện tích đất tự nhiên 128.688ha, tổng diện tích đất công nghiệp 89.126ha.
Trong đó, 121 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản có tổng diện tích tự nhiên 39.517ha. Hiện có 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút đầu tư, với tổng diện tích đất tự nhiên 89.171ha (diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.116ha). Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của 293 khu công nghiệp đang hoạt động là 46.551ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 74%. Đây thực sự là động lực để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.