Đàm phán 'sụp đổ', thế giới chưa thể 'đồng lòng' giảm ô nhiễm rác nhựa

Thái Hà - 06/12/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc đàm về một hiệp ước toàn cầu nhằm cắt giảm rác thải nhựa đã "sụp đổ" do các quốc gia dầu mỏ chỉ sẵn sàng giải quyết vấn đề rác thải nhựa, thay vì hạn chế sản xuất như mong muốn của số đông.

Đàm phán "sụp đổ"

Cuộc họp lần thứ năm của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ thuộc Liên hợp quốc (INC-5) tại Busan (Hàn Quốc) mới đây đã kết thúc mà không đạt được thoả thuận nào về giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu. Đây đáng lẽ là cuộc họp cuối cùng, được kỳ vọng sẽ cho ra đời một thoả thuận mang tính bước ngoặt.

Có quá nhiều sự bất đồng quan điểm giữa các quốc gia về phạm vi cơ bản của hiệp ước giảm ô nhiễm nhựa

Theo Reuters, do quan điểm về phạm vi cơ bản của hiệp ước còn nhiều bất đồng, các quốc gia đã thống nhất tạm hoãn các quyết định quan trọng và nối lại đàm phán vào một thời điểm khác bằng một cuộc họp dự kiến mang tên INC 5.2.

“Rõ ràng, sự khác biệt vẫn kéo dài dai dẳng,” bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc nhận định.

Các vấn đề gây chia rẽ nhất bao gồm việc hạn chế sản xuất nhựa, quản lý các sản phẩm và hóa chất nhựa gây hại, cũng như nguồn tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện hiệp ước.

Một đề xuất từ Panama, được hơn 100 quốc gia ủng hộ, đã đặt ra lộ trình giảm sản lượng nhựa toàn cầu. Trong khi đó, một đề xuất khác lại không bao gồm các mục tiêu giới hạn sản lượng.

Những bất đồng này được thể hiện rõ trong một tài liệu sửa đổi do ông Luis Vayas Valdivieso, Chủ tịch Uỷ ban đàm phán, công bố vào ngày 1/12. Tài liệu này có thể là cơ sở cho một hiệp ước trong tương lai nhưng cũng chứa đựng nhiều lựa chọn đối lập về các vấn đề nhạy cảm nhất.

“Một hiệp ước chỉ dựa vào các biện pháp tự nguyện sẽ không được chấp nhận. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và đàm phán cho một hiệp ước phù hợp với mục đích, chứ không phải một thỏa thuận được định sẵn để thất bại”, bà Juliet Kabera, Tổng giám đốc Cơ quan Quản lý Môi trường Rwanda khẳng định.

Một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, chẳng hạn như Arab Saudi, đã phản đối mạnh mẽ những nỗ lực nhằm hạn chế sản xuất nhựa và tìm cách sử dụng các thủ tục kỹ thuật để trì hoãn các cuộc đàm phán.

“Chưa bao giờ có sự đồng thuận nào cả”, ông Abdulrahman Al Gwaiz, đại diện đoàn Arab Saudi cho hay.

“Bằng cách nào đó, có một số điều khoản vẫn được đưa vào tài liệu, mặc dù chúng tôi liên tục khẳng định rằng chúng không thuộc phạm vi”, vị này nói thêm.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Eunomia, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Arab Saudi là 5 quốc gia sản xuất nhựa hàng đầu trong năm 2023.

Trong khi hơn 100 nước muốn hạn chế sản xuất nhựa, các cường quốc dầu mỏ chỉ sẵn sàng giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Những bất đồng sâu sắc

Reuters cho rằng, nếu những bất đồng được hoá giải, hiệp ước có thể trở thành một trong những thỏa thuận quan trọng nhất về bảo vệ môi trường kể từ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Việc trì hoãn diễn ra chỉ vài ngày sau khi hội nghị COP29 kết thúc đầy sóng gió tại Baku, Azerbaijan. Tại đây, các quốc gia đã đặt mục tiêu huy động 300 tỷ USD hàng năm cho tài chính khí hậu – một con số mà các quốc đảo nhỏ và nhiều quốc gia đang phát triển cho là không đủ.

Các cuộc thảo luận về khí hậu cũng bị kéo dài do các thủ tục kỹ thuật của Saudi Arabia – quốc gia phản đối việc đưa vào các cam kết trước đó về chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Một số nhà đàm phán cho rằng một vài quốc gia đã lấy tiến trình đàm phán làm “con tin” khi tận dụng quy trình đồng thuận của Liên hợp quốc để tránh các thỏa hiệp cần thiết. Ông Cheikh Ndiaye Sylla, đại diện đoàn Senegal gọi việc loại bỏ quyền biểu quyết trong toàn bộ quá trình đàm phán là một “sai lầm lớn”.

“Kết quả này nhấn mạnh sự phức tạp trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa ở quy mô toàn cầu, cũng như sự cần thiết phải tiếp tục thảo luận để đạt được một hiệp ước hiệu quả, toàn diện và khả thi,” ông Chris Jahn, Thư ký Hội đồng Quốc tế về Hiệp hội Hóa chất (ICCA), đại diện các nhà sản xuất nhựa đánh giá.

Trong khi đó, nhóm môi trường GAIA cho rằng: “Không có gì đảm bảo rằng cuộc họp INC tiếp theo sẽ thành công, trong khi INC-5 đã thất bại,”

Sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050, trong khi vi nhựa đã được tìm thấy trong không khí, thực phẩm tươi sống và thậm chí cả sữa mẹ.

Theo báo cáo năm 2023 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, có hơn 3.200 loại hóa chất đáng lo ngại có trong nhựa. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi độc tính của chúng.

Nhiều nhà đàm phán cho rằng, các quốc gia cần nhanh chóng trở lại bàn đàm phán.

“Mỗi ngày trì hoãn là một ngày chống lại nhân loại. Việc hoãn đàm phán không thể hoãn lại cuộc khủng hoảng. Khi chúng ta nối lại đàm phán, các nguy cơ cũng sẽ lớn hơn,” ông Juan Carlos Monterrey Gomez, trưởng đoàn Panama, phát biểu vào Chủ nhật.

Theo Reuters
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là bước đi tất yếu

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là bước đi tất yếu

Đầu tư
(VNF) - Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tăng trưởng bền vững là bước đi tất yếu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, để có thể tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Cùng chuyên mục
Tin khác