Lễ công bố Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân
(VNF) - Sáng 11/10, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã chính thức công bố ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024) và 25 năm ra đời Luật Doanh nghiệp (1999 – 2024).
Lễ công bố có sự tham dự của các chuyên gia danh tiếng: TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam; ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); nhà văn Nguyễn Thành Phong, nguyên Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội; luật sư Ngô Quốc Kỳ; nhà thơ Mai Nam Thắng; nhà báo Phan Thế Hải; nhà báo Đỗ Ngọc Quang, Phó trưởng đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Về phía Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam - đơn vị chủ quản của Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, có sự hiện diện của: TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội; PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội.
Ấn phẩm đặc sắc về kinh tế tư nhân Việt Nam
“Toàn cảnh kinh tế tư nhân” là đặc san thứ 3 được Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance xuất bản trong năm 2024, sau thành công của các ấn phẩm: Đặc san Toàn cảnh tài chính số (tháng 5/2024) và Đặc san Toàn cảnh Đầu tư tài chính (tháng 8/2024).
Ra mắt vào thời điểm kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam và 25 năm Luật Doanh nghiệp, Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân mang đến bức tranh tổng quát về sự phát triển của kinh tế tư nhân trong gần 40 năm qua, từ những chuyển động về chủ trương, chính sách, pháp luật đến sự hình thành và lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Thông qua đó, Đặc san nêu bật vai trò và đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tư nhân đối với đất nước, nhất là trong bối cảnh thông điệp của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước gần đây đã nhấn mạnh đến một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Với quy mô 300 trang nội dung, Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân bao gồm 3 phần lớn. Phần I là báo cáo chuyên khảo về sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam, từ sơ khởi đến đương đại. Phần II là diễn đàn của giới chuyên gia và nhà quản lý, thảo luận về những vấn đề nổi bật và tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân. Phần III là tập hợp của những bài viết giàu cảm xúc về các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, đang góp phần định hình nên diện mạo của nền kinh tế Việt Nam.
Không chỉ cung cấp những thống kê chi tiết, những cột mốc đáng nhớ, Đặc san còn khắc họa những chân dung điển hình, những con người đã làm nên lịch sử, những câu chuyện về đời kinh doanh vinh quang nhưng cũng nhọc nhằn, cay đắng của các thế hệ doanh nhân Việt Nam, phản ánh bức tranh muôn màu của đời sống kinh tế - xã hội.
Xuyên suốt Đặc san là tinh thần cởi mở và tiến bộ, cổ vũ cho khát vọng và hoạt động đầu tư, kinh doanh của mọi tầng lớp nhân dân, vì mục tiêu tới năm 2030 nước ta có 2 triệu doanh nghiệp, trong đó có ít nhất 70 doanh nghiệp sở hữu quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 1 tỷ USD, 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD, 10 tỷ phú USD… và trên hết là vì một Việt Nam hùng cường.
Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, cho biết kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển và những thành tựu rất quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Nhưng lịch sử đã có những khúc quanh khiến cho kinh tế tư nhân đã gần như trở về con số 0 trong khoảng thời gian đầu thập niên 80, khi đất nước lâm vào khó khăn, khủng hoảng.
Và rồi, chính tình trạng khó khăn khi đó đã thôi thúc, mở ra quá trình Đổi Mới mà trong đó, kinh tế tư nhân dần tìm lại được vị thế, vai trò và tiếng nói của mình. Giờ đây, kinh tế tư nhân đã hiện diện trên hầu khắp các ngành, lĩnh vực kinh tế và đóng góp vô cùng to lớn cho nền kinh tế quốc dân, nhất là trên các phương diện như đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm, ổn định đời sống người dân.
"Giờ đây chúng ta có thể thấy dấu ấn của kinh tế tư nhân ở khắp nơi: nhà chúng ta ở, xe chúng ta đi, trường học và bệnh viện, thậm chí cả những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước. Có những lĩnh vực tưởng như chỉ có doanh nghiệp nhà nước có thể đảm trách, thì khi chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân lại càng hiệu quả hơn, chẳng hạn như hàng không, thương mại, xuất nhập khẩu… Có những con người rời khỏi khu vực nhà nước, khi bước ra thương trường lại trở thành những doanh nhân xuất sắc", ông Hoàng Anh Minh nói.
Tháng 6/2017, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành. Đây là một bước chuyển biến rất lớn trong đánh giá và nhận thức về vai trò và động lực của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, trong đó đề ra nhiều mục tiêu quan trọng như phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2030 đạt khoảng 60 - 65% GDP.
Gần đây nhất, ngày 09/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 66/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, giai đoạn từ 2024 – 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD; có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD, 05 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
"Không chỉ là chủ trương chính sách chung chung, các mục tiêu định lượng là rất cụ thể và ấn tượng, và qua đó cho thấy quan điểm, tư tưởng đối với kinh tế tư nhân đã thay đổi hoàn toàn do với thời điểm Đổi Mới, và ngay cả với thời điểm 20 năm trước", ông Hoàng Anh Minh nhấn mạnh.
Ông cho hay lễ kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các thông điệp chính sách của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước gần đây đã nhấn mạnh đến một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại hành trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó khối kinh tế tư nhân đang ngày càng phát huy hiệu quả vai trò quan trọng của mình. Đồng thời, cũng là thời điểm để các doanh nghiệp, doanh nhân nhận thức lại vai trò và cơ hội của mình trong dòng chảy phát triển chung của đất nước, trước một “kỷ nguyên mới”.
"Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance hân hạnh được công bố ấn phẩm Toàn cảnh Kinh tế tư nhân với mong muốn đưa lại cái nhìn toàn cảnh về lĩnh vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục cổ vũ, đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân và chúng tôi cũng đã khởi động một chương trình nghiên cứu về lịch sử kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
"Xin trân trọng cảm ơn các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nhân, nhà văn, nhà báo đã tham gia viết bài, cảm ơn đội ngũ cán bộ phóng viên của Tạp chí đã nỗ lực hoàn thành ấn phẩm, và trân trọng cảm ơn các anh chị em đồng nghiệp, đối tác gần xa đã hỗ trợ cho quá trình sản xuất, xuất bản ấn phẩm này. Chúng tôi tin rằng, như một điều tất yếu, cộng đồng kinh tế tư nhân sẽ ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam", ông Hoàng Anh Minh chia sẻ.
TS Võ Trí Thành: "Chúng ta hoàn toàn có thể như hoặc là hơn Hàn Quốc"
Phát biểu tại tọa đàm, TS Võ Trí Thành cho biết câu chuyện về kinh tế tư nhân, doanh nhân tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1986. Đó cũng là giai đoạn "xanh cỏ và đỏ rực", gắn liền với những cải cách và đổi mới trong khu vực kinh tế tư nhân.
Theo TS Võ Trí Thành, khác với nhiều quốc gia, cải cách trong kinh tế tư nhân của Việt Nam theo hướng “bottom-up”, tức phát triển từ dưới lên. Doanh nghiệp tư nhân "vượt rào" rồi từ đó tạo ra những thay đổi trong chính sách của Nhà nước.
“Tinh thần và khát vọng của khối kinh tế tư nhân thời kỳ đầu có thể mới chỉ ‘vượt rào’ một chút nếu như ta xét về tư duy và pháp lý, nhưng đằng sau đấy là sự máu lửa, là cái chất của con người Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân chỉ là một cách nói, một cách phân loại để nghiên cứu, thống kê. Với tôi, hai chữ tư nhân chính xác hơn là về chúng ta, về người Việt và về dân tộc này”, ông Thành nói.
Bên cạnh việc đánh giá cao về sự phát triển của khối kinh tế tư nhân thời gian qua, TS Võ Trí Thành cũng đã đưa ra một số nhận định và khuyến nghị để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Theo ông, muốn tạo ra được một lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp giỏi thì kinh tế tư nhân phải làm được hai điều: một là phải xây nhà từ móng và hai là phải có được thương hiệu toàn cầu.
“Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta phải ‘xây nhà từ móng’, tức là tập trung, hỗ trợ cho các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này có thể không có quy mô lơn nhưng lại là ‘linh hồn’ của một nền kinh tế thị trường. Nếu không có những doanh nghiệp này thì sẽ không có nền kinh tế thị trường”, ông nói.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn, được đo bằng số lượng lao động, đóng góp vào ngân sách… nhưng vẫn cần những doanh nghiệp vừa lớn vừa mạnh. Theo TS Võ Trí Thành, để có được những doanh nghiệp lớn mạnh, Việt Nam cần phải có thương hiệu toàn cầu, làm chủ công nghệ, xây dựng được hệ sinh thái sản xuất theo xu hướng phát triển chung của thế giới.
“Chúng ta hoàn toàn có thể như hoặc là hơn Hàn Quốc. Để làm được điều đó, Việt Nam phải có những sự kiện mà thế giới phải nhớ đến. Nếu như Hàn Quốc có Kpop, có nữ nhà văn đạt giải Nobel, tổ chức World Cup,… thì Việt Nam có thể được những dấu ấn đó từ nay đến năm 2045 không? Tôi nghĩ rằng với những khát vọng của khối tư nhân, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này”, TS Võ Trí Thành nói.
Ông Đậu Anh Tuấn: Thương hiệu của doanh nghiệp tư nhân tạo ra hình ảnh quốc gia
Nói tại lễ công bố Đặc san, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó tổng thư ký Đậu Anh Tuấn cho biết ông có cảm giác rất đặc biệt vì kinh tế tư nhân là một chủ đề rất lớn và khó, nhưng Tạp chí Đầu tư Tài chính đã lựa chọn làm và làm rất công phu, tổ chức lễ ra mắt cho thấy sự trân trọng và nghiêm túc với những ấn phẩm của mình.
Chia sẻ về nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam, ông Tuấn cho biết ông đã làm việc liên quan tới khu vực này trong gần 25 năm. Đặc biệt, công việc đầu tiên của ông tại Phòng Thương mại giai đoạn năm 2000-2001 là thời điểm đấu tranh về kinh tế tư nhân vẫn rất dữ dội. “Thời điểm đó có quan điểm là tại sao doanh nghiệp tư nhân hoạt động dễ dàng vậy?”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết và nói thêm rằng khi đó còn phải dùng cụm từ “kinh tế dân doanh” để tránh nhạy cảm. Quá trình này đã kéo dài tơi 5-6 năm. Đến nay về mặt đường lối, Đảng đã có những chủ trương, về mặt pháp luật đã được thể chế hoá, nhờ vậy bộ mặt khu vực tư nhân đã thay đổi.
Về vai trò của kinh tế tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ lại kinh nghiệm từ một cuộc công tác nước ngoài năm 2013, khi ông nhận thấy vai trò và tầm vóc thực sự của doanh nghiệp được đo lường bằng 2 tiêu chí: số việc làm tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp.
“Với triết lý này tôi thấy kinh tế tư nhân rất phát triển. Doanh nghiệp tạo ra nhiều đóng góp trong xã hội thì vai vế của họ rất lớn. Chúng ta hiện không như thế, chúng ta vẫn có sự phân biệt, còn biển xanh, biển trắng dù đã có thay đổi. Với kinh tế tư nhân, tôi thấy đơn giản thế này, đi địa phương mà ở nhà khách nhà nước quản lý mùi nó khác, nhưng ra khách sạn tư nhân thì khác, chất lượng rất khác, điều đó thể hiện đặc trưng của 2 khu vực rất rõ. Nên ta thấy tư nhân thổi không khí mới và chất lượng quản trị khác".
Theo ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp tư nhân không chỉ đóng góp ngân sách mà còn đóng góp vào sự phát triển tích cực của xã hội. "Chính các thương hiệu tạo ra hình ảnh quốc gia, tôi cho điều này rất quan trọng. Cái đó sẽ giúp giữ hình ảnh quốc gia tốt”.
Chia sẻ thêm về một số vấn đề mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt, ông Đậu Anh Tuấn cho biết khu vực này phát triển tương đối thiệt thòi, đặc biệt tư nhân nhỏ vừa còn phải vượt qua nhiều định kiến và chưa có nhiều thể chế hỗ trợ.
Theo ông Tuấn, với các quốc gia khác, không thiếu việc các đại sứ ngoại giao chủ động tới hỏi về một số thủ tục dù chỉ ảnh hưởng một vài doanh nghiệp nhỏ. Nhưng tại Việt Nam, sự hỗ trợ vẫn còn ít.
“Chúng ta dường như vẫn hướng tới các tập đoàn lớn, tập đoàn nước ngoài, cái đấy không sai nhưng có chút chạnh lòng cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta hành động theo bối cảnh nhưng sự quan tâm cho doanh nghiệp tư nhân vẫn còn ít và chưa hiệu quả”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Một điều trăn trở khác là tại sao doanh nghiệp tư nhân “không lớn được”. Ông Tuấn cho rằng vì ở Việt Nam càng lớn càng rủi ro. Doanh nghiệp càng lớn càng đón thanh tra, kiểm tra nhiều. Có lợi thế về quy mô nhưng càng lớn thì chi phí tuân thủ, hành chính càng cao. “Trong 1 bài viết trước đây, có doanh nghiệp kể lại câu chuyện của mình rằng chỉ vì làm biển to nên bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều. Ở Việt Nam có tâm lý rất đau lòng: Khôn thì dựng trại, dại thì dựng nhà. Đó là lý do có nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn nhưng không 'lớn'”.
Theo ông Tuấn, một rào cản khác là chất lương quản trị. “Tôi đánh giá Luật Doanh nghiệp làm được nhiều nhưng chủ yếu là khâu gia nhập thị trường, còn chất lượng quản trị chưa theo đúng chuẩn mực. Đó là thách thức cho thời gian tới”.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Hãy gọi kinh tế tư nhân là "kinh tế nhân dân"
Chia sẻ tại tọa đàm, nhà văn Nguyễn Thành Phong đánh giá cao ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh Kinh tế tư nhân của Tạp chí Đầu tư Tài chính. “Ấn phẩm này mang đến sự nhận diện về sự phát triển của đội ngũ doanh nhân ngoài nhà nước thông qua những góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp tư nhân…”, ông cho hay.
Nói thêm về kinh tế tư nhân, ông Phong cho biết xuyên suốt chiều dài lịch sử, sự phồn thịnh của đất nước luôn gắn liền với hình ảnh của đội ngũ doanh nhân tư nhân. “Thương nhân – những doanh nhân thời kỳ đầu, xuất hiện đông đảo nhất vào thời Lý với sự mở rộng của các làng nghề, thương cảng. Dưới thời Trần, đất nước phồn thịnh, các thương nhân khi đó trở thành nhân tố quan trọng trong giao thương với các nước láng giềng. Đến thời nhà Nguyễn, dù đất nước không còn cường thịnh nhưng vẫn có những nhà tư sản dân tộc có tiếng tăm. Cho đến bây giờ, đội ngũ doanh nhân đã trở thành một lực lượng đông đảo và lớn mạnh, để lại nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế quốc gia”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Phong, cái tên “kinh tế tư nhân” vẫn thiên về “cá nhân” và chưa đúng với bản chất kinh tế tư nhân bởi kinh tế tư nhân có thể xuất phát từ một vài cá nhân nhưng sau đó phát triển mạnh mẽ và có sự tham gia của nhiều thành phần.
“Thay vì ‘kinh tế tư nhân’, chúng ta nên gọi là nền ‘kinh tế nhân dân’. Dường như ‘kinh tế tư nhân’ chỉ còn là cái tên của một thời và đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi để làm sao đánh thức được khát vọng, khơi dậy được lòng tự hào của dân tộc, để làm sao mà bất kỳ thành phần nào trong đó cũng đều tự hào”, ông nói.
Nhà báo Phan Thế Hải: Việt Nam càng hội nhập, kinh tế tư nhân càng phát triển
Nhà báo Phan Thế Hải đánh giá cao Đặc san của Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance. Ông Hải cũng cho rằng nếu có những khát vọng lớn và làm theo dạng báo cáo thường niên, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance có thể trở thành một Forbes của Việt Nam và có thể vươn tầm khu vực.
Theo ông Hải, kinh tế tư nhân là sức mạnh được nhân loại thừa nhận. Việt Nam càng hội nhập thì tư nhân càng có lợi thế. Lấy ví dụ về tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, ông Hải nói về việc ông Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, được Thủ tướng Phạm Minh Chính mời về. Ông Schwab trước là tiến sĩ, sau đó thành lập Diễn đàn và cho ra báo cáo thường niên, đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia nên rất có uy tín. “Nói vậy để mình thấy tư nhân làm được rất nhiều việc, họ có thể là những nhân vật số 1 thế giới”, ông Hải nói.
TS Lê Duy Bình: Cần giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế tư nhân
Đóng góp ý kiến thảo luận về kinh tế tư nhân, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, trăn trở các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Qua quá trình làm việc tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, Đức, châu Âu, tôi nhận thấy rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các doanh nghiệp ở nền kinh tế khác. Không chỉ là những khó khăn về kinh doanh, quy mô hay sở hữu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam còn phải chịu nhiều phân biệt đối xử do nằm trong khối kinh tế tư nhân", ông nói.
Theo ông Bình, kinh tế tư nhân của Việt Nam cần phải có cái nhìn toàn diện hơn nữa. “Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam là những gì không thuộc nhà nước nhưng chúng ta vẫn cần phải xem lại những ‘giằng xé’ đang hiện hữu trong việc đối xử với khu vực này, chẳng hạn như chúng ta nên đặt trọng tâm vào các doanh nghiệp FDI hay vào doanh nghiệp dân tộc”, ông Bình nói.
Giải thích thêm về điều này, ông Bình cho hay, Việt Nam hiện có ba nền kinh tế nhỏ nằm trong một nền kinh tế lớn. “Khu vực kinh tế FDI, kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân đang tồn tại giống như các ốc đảo riêng biệt và chưa có sự giao thoa với nhau. Để kinh tế tư nhân nói riêng và kinh tế của đất nước nói chung phát triển, chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ để làm sao phát triển hài hòa các nền kinh tế với nhau”, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Về đặc san Toàn cảnh Kinh tế tư nhân, ông Bình nhận định đây là một ấn phẩm độc đáo, cung cấp những khía cạnh, góc nhìn hấp dẫn, thực tế về sự phát triển của khối kinh tế tư nhân và các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước.
TS Lê Minh Nghĩa: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển đất nước
Phát biểu kết thúc cuộc thảo luận, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, nhìn nhận kinh tế tư nhân đã phải trải qua rất nhiều “cơn đau” mới có thể tồn tại và có được dáng dấp như hôm nay.
Nói về quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam trong hơn 40 năm qua, TS Lê Minh Nghĩa cho rằng chúng ta đã có nhiều bước chuyển quan trọng, từ sản xuất hiện vật sang hiện trường; từ đơn sở hữu sang đa sở hữu; từ phân phối bình quân sang phân phối theo lao động… Những bước tiến đó song hành cùng với sự phát triển qua từng giai đoạn của nền kinh tế trong nước.
Kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng quan trọng hơn và sự tồn tại của kinh tế tư nhân gắn liền với kinh tế đất nước. “Kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng để phát triển đất nước, là lực lượng góp phần vào xây dựng nền kinh tế tự chủ của đất nước. Trong hai đại hội gần đây, Đảng cũng đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho đất nước phồn vinh”, ông Nghĩa nói.
Mặc dù nói kinh tế tư nhân quan trọng song TS Lê Minh Nghĩa trăn trở việc giáo dục về kiến thức tài chính, đặc biệt là tài chính cá nhân lại chưa được đề cao.
“Từ trước đến nay, chúng ta chỉ dạy về tài chính công, quản trị doanh nghiệp… nhưng điều vô cùng quan trọng và cần thiết là tài chính cá nhân, quản lý tài chính cá nhân hay hoạch định tài chính cá nhân lại chưa được quan tâm đúng mức. Nền kinh tế nhà nước là nền kinh tế 3 chân kiềng, nhưng có hai chân (tài chính vĩ mô và tài chính doanh nghiệp) thì được cả hệ thống chính trị tự giác tạo lập, vận hành, còn chân kiềng thứ ba là tài chính cá nhân thì cho đến nay cơ bản vẫn tự phát vận hành. Khi mà cá nhân chưa hiểu được rõ về tài chính cá nhân thì sẽ khó có những doanh nhân xuất sắc trong khối kinh tế tư nhân”, ông nói.
Đánh giá về Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân, TS Lê Minh Nghĩa nhận định đặc san đã thể hiện thành công bức tranh về khối kinh tế tư nhân, trong đó có tiếng nói của cơ quan quản lý, của các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân. “Ấn phẩm Toàn cảnh Kinh tế tư nhân có thể được xem là tài liệu tham khảo tin cậy, có thể góp phần vào xây dựng đường lối chính sách, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khối kinh tế tư nhân nước nhà”, ông nói.
Kết thúc chương trình, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã trao tặng hoa cho các chuyên gia đã có những tác phẩm xuất sắc trong Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân
Cách nào để có 2 triệu doanh nghiệp và 10 tỷ phú USD?
- Bối cảnh mới khởi động cuộc chơi mới trên thị trường BĐS 11/10/2024 08:15
- Lo ngại quy mô doanh nghiệp tư nhân đang giảm dần 11/10/2024 07:00
- Hoàn thành thanh tra 2 tổ chức tín dụng, 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng 10/10/2024 08:07
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.