Bất động sản

Đằng sau khoản lãi quý III của Vinaconex

(VNF) – Kết quý III/2023, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HoSE: VCG) báo lãi sau thuế 27 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những quý có lợi nhuận sau thuế thấp nhất lịch sử công bố thông tin của VCG, chỉ cao hơn quý II/2009, quý I/2012, quý I/2023 (loại trừ quý lỗ).

Đằng sau khoản lãi quý III của Vinaconex

Đằng sau khoản lãi quý III của Vinaconex

“Đũa thần” hoàn nhập dự phòng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VCG, quý III/2023, doanh thu thuần đạt 2.381 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Song, so với các quý trong giai đoạn 2020 - 2023, đây đã là quý có doanh thu cao thứ 3.

Dù vậy, do không quản trị tốt giá vốn, lợi nhuận gộp chỉ đạt 63 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý III/2023, VCG có thêm 44 tỷ đồng doanh thu tài chính (giảm 58%), 9 tỷ đồng lợi nhuận khác. Tuy nhiên, công ty phải chịu khoản lỗ 35 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết; 159 tỷ đồng chi phí tài chính và 31 tỷ đồng chi phí bán hàng.

Điều khác biệt chỉ được tạo ra ở chi phí quản lý doanh nghiệp, dương 201 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần cùng kỳ. Chính khoản này đã “cứu” VCG một bàn thua trông thấy.

Kết quý III/2023, VCG có lợi nhuận trước thuế 92 tỷ đồng, giảm 66%; lợi nhuận sau thuế 27 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm trước.

VCG không thuyết minh cụ thể về khoản chi phí doanh nghiệp trong quý III/2023, song thuyết minh 9 tháng cho thấy chi phí quản lý dương 49 tỷ đồng, được tạo ra từ việc hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi. Bởi vậy, nhiều khả năng, 201 tỷ đồng chi phí quản lý ở quý III/2023 cũng là chi phí dự phòng được hoàn nhập.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của VCG đạt 8.915 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu ghi nhận các mảng tăng trưởng gồm: xây lắp (5.380 tỷ đồng, tăng 21%), bất động sản (1.938 tỷ đồng, tăng 3,5 lần), giáo dục (202 tỷ đồng, tăng 41%). Các mảng suy giảm gồm: cho thuê, cung cấp dịch vụ (783 tỷ đồng, giảm 3%), sản xuất công nghiệp (610 tỷ đồng, giảm 20%).

Lợi nhuận gộp 9 tháng đạt 875 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 9,81%.

Về chi phí, điểm đáng chú ý là chi phí tài chính tăng 13%, đạt 649 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 68%, đạt 79 tỷ đồng và chi phí quản lý dương 49 tỷ đồng (đã giải thích bên trên).

Trong khi đó, doanh thu tài chính 9 tháng giảm tới 76% so với cùng kỳ, chủ yếu do không còn khoản lãi từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư tại Vinaconex – ITC như năm trước.

Cùng với việc gánh khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết tới 86 tỷ đồng, VCG đã kết thúc 9 tháng với khoản lợi nhuận trước thuế 353 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 204 tỷ đồng, giảm 79%.

Biến động tài sản

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của VCG đạt 30.032 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản cho thấy, các khoản phải thu chiếm 26,6%, đạt 8.010 tỷ đồng, giảm 13%. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 783 tỷ đồng, giảm 30% - là điều đã được ghi nhận trong kết quả kinh doanh.

Tài sản dở dang dài hạn đạt 6.717 tỷ đồng, giảm 10%, chiếm 22% tổng tài sản, chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án: khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà (5.100 tỷ đồng), dự án Kim Văn Kim Lũ (513 tỷ đồng), trung tâm thương mại Chợ Mơ (423 tỷ đồng), khu công nghệ cao Hòa Lạc (228 tỷ đồng), 93 Láng Hạ (33 tỷ đồng)…

Hàng tồn kho cũng giảm nhẹ 1,8%, đạt 6.953 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản.

Như vậy, có hơn 71% tổng tài sản của VCG nằm ở các khoản phải thu, hàng tồn kho và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Đáng chú ý, quy mô vốn bằng tiền của VCG cũng sụt giảm đáng kể so với đầu năm, giảm 20%, đạt 2.655 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền đạt 1.269 tỷ đồng, đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn) đạt 1.386 tỷ đồng.

Đáng kể khác, tài sản cố định tăng thêm 1.000 tỷ đồng trong 9 thang qua, tương đương tăng 37%, lên 3.685 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 30/9/2023 đạt 20.007 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Nợ vay chiếm 58% trong số đó, đạt 11.624 tỷ đồng, giảm 14%. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn biến động không đáng kể, đứng ở mức 2.511 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9/2023 đạt 10.025 tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,99 lần, riêng nợ vay/vốn chủ sở hữu là 1,15 lần.

Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh 9 tháng của VCG dương 2.192 tỷ đồng, do giảm các khoản phải thu, giảm hàng tồn kho, tăng các khoản phải trả.

Trong kỳ, VCG đã chi trả lãi vay 578 tỷ đồng và tiếp tục miệt mài mua sắm tài sản khi chi hơn 1.013 tỷ đồng (bằng một nửa cùng kỳ năm trước).

Đáng kể, tiền thu từ đi vay 9 tháng qua đã giảm 15% so với cùng kỳ, đạt 7.748 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền trả nợ gốc vay tăng 20% lên 9.587 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần 9 tháng âm 441 tỷ đồng, làm tiền và tương đương tiền tại ngày 30/9/2023 giảm 26% so với đầu năm, còn 1.269 tỷ đồng.

Tin mới lên