Ngân hàng

Đằng sau lợi nhuận 'khủng' của VPBank thời Covid-19

(VNF) - Chuyển hướng tín dụng sang cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó là tiết giảm chi phí hoạt động và chi phí trích lập dự phòng đã giúp lợi nhuận nửa đầu năm 2020 của VPBank tăng tới 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đằng sau lợi nhuận 'khủng' của VPBank thời Covid-19

VPBank đạt tăng trưởng lợi nhuận "khủng" bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) gần đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với lợi nhuận trước thuế cực kỳ ấn tượng: 3.673 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này cao hơn tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt 6.584 tỷ đồng, tăng tới 52% so với nửa đầu năm ngoái.

Điều gì giúp VPBank đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận "khủng" này bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19?

Đầu tiên, nguồn thu chính từ hoạt động tín dụng vẫn tăng trưởng ở mức khá. Cụ thể, thu nhập lãi thuần nửa đầu năm của VPBank vẫn tăng 8,8% lên trên 15.700 tỷ đồng (trong đó thu nhập lãi thuần trong quý II - quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh giãn cách xã hội - vẫn tăng 3,7%).

Sở dĩ VPBank duy trì được mức tăng trưởng khá như vậy trong bối cảnh nhu cầu vốn tín dụng toàn xã hội yếu đi rõ rệt là bởi ngân hàng này đã chuyển hướng tín dụng: đẩy mạnh cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay của VPBank tăng gần 13.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5%) thì có tới 7.600 tỷ đồng tăng thêm là dư nợ cho vay bất động sản, qua đó nâng tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ cho vay từ mức 9,48% hồi đầu năm lên mức 11,84%.

Trong khi đó, khoản mục "chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành" (thông thường đa phần là trái phiếu doanh nghiệp) của VPBank đã tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm, từ hơn 14.200 tỷ đồng lên hơn 27.800 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 13.600 tỷ đồng, tức tăng 96%.

Việc chuyển hướng sang cho vay bất động sản và mua trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh tiết lộ trong đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng 5 vừa qua.

Ông Vinh cho rằng mặc dù có nhiều cảnh báo về rủi ro khi cho vay bất động sản nhưng trên thực tế, bất động sản là ngành có khả năng thu hồi vốn cao nhất trong và sau các cuộc khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, việc chuyển hướng sang mua trái phiếu doanh nghiệp là bước đi tạm thời giúp VPBank cân đối nguồn thu tài chính trong bối cảnh tín dụng đầu ra "èo uột".

Song song với việc chuyển hướng trong hoạt động tín dụng, yếu tố nâng đỡ lợi nhuận cho VPBank trong 6 tháng đầu năm nay còn có thu nhập đột biến từ hai mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư, lần lượt tăng gấp hơn 4 lần và hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 235 tỷ đồng và trên 610 tỷ đồng.

Tiết giảm chi phí hoạt động, cùng với đó là cơ cấu nợ theo Thông tư 01 - qua đó giảm áp lực trích lập dự phòng, cũng là cách giúp VPBank đạt được tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong thời gian qua.

Cụ thể, chốt kỳ 6 tháng, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt gần 18.900 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm ngoái. Nhờ tiết giảm chi phí hoạt động nên lợi nhuận thuần sau khi trừ chi phí này đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng 20%.

Chi phí trích lập dự phòng cũng được khống chế ở mức ngang bằng cùng kỳ năm ngoái dù dư nợ cho vay tăng 5%, là yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của VPBank tăng tới 52% dù lợi nhuận thuần "chỉ" tăng 20%.

Xét riêng quý II/2020, trong bối cảnh nguồn thu tăng rất chậm, VPBank đã cắt giảm mạnh chi phí hoạt động (giảm 16%) và chi phí trích lập dự phòng (giảm 17%).

Tin mới lên