Đầu mối xăng dầu: ‘Chúng tôi phải có lãi mới có thể chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ’

Kỳ Thư - 14/02/2023 17:29 (GMT+7)

(VNF) - Bày tỏ sự đồng cảm với các doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối về việc kinh doanh lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhấn mạnh rằng họ cũng bị lỗ nên “không đủ nguồn lực chia sẻ lại với các doanh nghiệp bán lẻ”.

VNF
Nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhấn mạnh rằng họ cũng bị lỗ nên “không đủ nguồn lực chia sẻ lại" với các doanh nghiệp bán lẻ.

Tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu”, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro, cho biết vừa qua công ty cũng phải chịu lỗ trong 6 tháng cuối năm. 

Theo ông Phạm Văn Thoại, mặc dù có 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng số doanh nghiệp thực sự nhập hàng về trong thời gian qua chỉ khoảng 15 doanh nghiệp do khó khăn về tài chính. Nếu nhập khẩu theo đúng quy định thì doanh nghiệp phải đi vay mượn trong khi việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn. 

“Các doanh nghiệp bán lẻ ý kiến việc chiết khấu thấp hoặc không có chiết khấu thì cũng nên hiểu cho chúng tôi. Chúng tôi cũng phải chịu lỗ trong 6 tháng cuối năm 2022 và phải có trách nhiệm nhập khẩu với cái giá trên trời, rất khó để nhập. Ngoài ra, nhập khẩu về bằng tiền USD trong khi đồng tiền này thời gian qua liên tục tăng”, ông Thoại cho biết. 

“Tôi rất chia sẻ với doanh nghiệp bán lẻ khi thời gian qua khó khăn và mong muốn chiết khấu cao hơn. Thế nhưng chúng tôi phải có lãi thì mới chia được; bản thân chúng tôi cũng lỗ”, ông Thoại nói. 

Ngoài ra, ông Thoại cũng kiến nghị cơ quan chức năng đánh giá lại hiệu quả của quỹ bình ổn giá. “Nên xem lại quỹ bình ổn giá còn phù hợp hay không, còn nếu đưa về theo giá thị trường thì không phải một sớm một chiều mà cần có sự điều tiết dần dần”, ông Thoại nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia. Điều hành giá xăng dầu là khó khăn. Giá cao có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngược lại nếu giá sát với chi phí hay thấp hơn thì sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh.

Nhấn mạnh quan điểm nhất quán trong sửa đổi dự thảo phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng việc áp dụng mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế.

Đơn cử như vừa qua cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm trước tình trạng cây xăng đóng cửa chỉ là giải pháp tình thế. “Thể chế cần phải tạo động lực cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh. Do đó, việc xây dựng nghị định cần đáp ứng nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.

Đại diện VCCI nhấn mạnh không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Do vậy, ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và 83 lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.

Cùng chuyên mục
Tin khác