Đầu tư Trung Quốc vào Mỹ giảm từ 46 tỷ USD còn 5 tỷ USD chỉ trong 2 năm
Chu La -
23/07/2019 16:27 (GMT+7)
(VNF) - Theo dữ liệu của viện nghiên cứu Rhodium Group, FDI của Trung Quốc vào Mỹ đạt đỉnh 46,5 tỷ USD vào năm 2016, nhưng đã giảm xuống chỉ còn 5,4 tỷ USD vào năm 2018, mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua.
Tính tổng thể, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 88% kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Sự lao dốc này bắt nguồn từ sự gia tăng giám sát của Mỹ, các biện pháp kiểm soát dòng vốn chặt chẽ của Trung Quốc, cũng có thể là một hình thức trả đũa phi thuế quan của Bắc Kinh đối với đòn thuế quan của ông Trump.
Nguồn FDI của Trung Quốc tăng trưởng đều đặn từ năm 2010 cho đến lúc đỉnh điểm vào năm 2016. Tiền đồng loạt được đổ vào các lĩnh vực ô tô, công nghệ, năng lượng, nông nghiệp, thúc đẩy việc làm mới ở Michigan, Nam Carolina, Missouri, Texas và các tiểu bang khác.
Nhưng từ khi ông Trump lên nắm quyền, đặc biệt là sau chiến tranh thương mại hai nước nổ ra, xu hướng này bị đảo ngược.
Tổng thống Trump hồi tháng 8/2018 đã ký một đạo luật nhằm tăng cường sự kiểm soát, giám sát của chính phủ Mỹ đối với các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như việc xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm.
Đạo luật này đã được Quốc hội Mỹ thông qua với sự nhất trí hiếm thấy của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận mục đích của nó là nhằm vào Bắc Kinh.
Kể từ khi đạo luật này được thông qua, các nhà đầu tư Trung Quốc tỏ ra “kém hào hứng” với các giao dịch làm ăn tại Mỹ.
Số lượng giao dịch và mức đầu tư tổng thể bắt đầu giảm từ 46,5 tỷ USD còn 29,7 tỷ USD vào năm 2017, trước khi giảm xuống 5,4 tỷ USD vào năm 2018.
Một loạt các ngành công nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề do xu hướng thoái trào này, bao gồm các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, thị trường bất động sản Manhattan và chính quyền các bang từng dành nhiều năm gọi vốn đầu tư Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, về tổng thể, FDI từ Trung Quốc giảm có thể không ảnh hưởng đáng kể với Mỹ, nhưng các ngành công nghiệp và các bang đang hưởng vốn đầu tư lớn có thể chịu thiệt hại vì đang phụ thuộc và dòng tiền từ quốc gia châu Á.
Theo một báo cáo của Cushman & Wakefield, trên thị trường bất động sản, nhà đầu tư Trung Quốc đang bán tháo các tài sản thương mại. Năm 2018, các thương vụ bất động sản thương mại được sang tay trị giá tới 3,1 tỷ USD
Tờ New York Times cũng dẫn báo cáo của Hiệp hội các Nhà bất động sản Quốc gia cho biết lượng giao dịch mua nhà tại Mỹ của người Trung Quốc giảm tới 65% trong 12 tháng tính tới tháng 3/2019.
Ở động thái liên quan mới nhất, Trung Quốc ngày 20/7 đã quyết định dỡ bỏ một số hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính của nước này trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm lại và một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đăng tải một tuyên bố của Ủy ban Phát triển và bình ổn tài chính (FSDC) cho biết Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế về cổ đông đối với các chủ doanh nghiệp là người nước ngoài của các công ty quản lý quỹ, bảo hiểm và chứng khoán vào năm 2020, tức là sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được khuyến khích thành lập các công ty quản lý tài sản, các công ty môi giới tiền tệ và các công ty quản lý lương hưu.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.