ĐB Hoàng Văn Cường: ‘Hà Nội xin điều chỉnh các mức phí, lệ phí hoặc thêm những loại phí mới là đúng'

Anh Hùng - 12/06/2020 20:12 (GMT+7)

(VNF) - Thảo luận về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách cho TP. Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng việc thành phố xin được điều chỉnh các mức phí, lệ phí hoặc thêm những loại phí mới mà chưa có trong Luật Phí và lệ phí là đúng.

VNF
Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội Hoàng Văn Cường.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 12/6 về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương ủng hộ việc xem xét và bổ sung dự thảo này để đầu tư, phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho thành phố, phù hợp với thực tế phát triển.

Theo ông Cương, việc thực hiện trong 3 năm qua cho thấy nghị định này đã đạt được một số kết quả bước đầu trong việc huy động nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội.

Tuy nhiên các quy định về cơ chế tài chính, ngân sách chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; ô nhiễm môi trường, ngập úng cũng như ùn tắc giao thông cũng chưa được giải quyết một cách căn cơ, trong khi quyền hạn và nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò, trách nhiệm nặng nề của Thủ đô cũng như cả nước và các vùng lân cận.

Về một số nội dung trong dự thảo, cụ thể là về phí và lệ phí, ông Cương cho rằng việc giao cho HĐND thành phố quyết định mà không quy định mức trần như trong dự thảo trước là phù hợp.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng việc Hà Nội xin được điều chỉnh các mức phí, lệ phí hoặc thêm những loại phí mới mà chưa có trong Luật Phí và lệ phí là đúng.

Theo ông Cường, việc xác định phí, lệ phí phụ thuộc vào nhu cầu về phát triển các dịch vụ công ở đó và khả năng chi trả ở những thành phố lớn hoặc những khu đô thị hiện đại.

Ông Cường lấy ví dụ: "Ngay ở Việt Nam, những khu đô thị như Phú Mỹ Hưng hay Ciputra, Ecopark có phí dành cho các hoạt động về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cao hơn".

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng nếu Hà Nội mà có được các phí này, phù hợp với các khu vực thì hoàn toàn có thể tạo ra một dịch vụ tốt hơn ở một số những khu vực phù hợp, hoặc cơ chế xin Hà Nội được hưởng 50% giống như TP. HCM.

Cũng cho rằng việc Hà Nội xin cơ chế là đúng, tuy nhiên đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lại tỏ ra băn khoăn về việc tăng thêm một số khoản thu, đặc biệt là phí và lệ phí.

"Điều này đã đánh giá như thế nào tác động đối với các doanh nghiệp và người dân sống trên địa bàn Hà Nội. Liệu với cơ chế này các doanh nghiệp có tiếp tục coi Hà Nội là điểm đến hấp dẫn không hay người ta sẽ chạy sang các tỉnh lân cận để hưởng các ưu đãi khác?", ông Nhưỡng đặt vấn đề.

Trước Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh việc Hà Nội xin cơ chế thì phải khác với việc xin nguồn lực.

"Vấn đề này phải đánh giá rất rõ ràng, nếu không nguồn lực đổ về đây, cuối cùng những chỗ khác sẽ bị ảnh hưởng", ông Nhưỡng nói.

Theo ông Nhưỡng, vấn đề chính của Hà Nội hiện nay là phát huy vai trò cấp ủy của chính quyền, của người lãnh đạo và phát huy được sự phấn đấu của toàn bộ người dân.

Theo dự thảo Nghị quyết, Hà Nội đề nghị được thí điểm với thời gian 5 năm các chính sách (3 nội dung thu, 4 nội dung chi và 2 nội dung vay) để phát triển kinh tế xã hội.

Đáng chú ý, Hà Nội đề xuất được thu loại phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí theo Luật Phí và lệ phí, đồng thời muốn được tăng mức thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%).

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.