ĐBQH Trần Văn Lâm: 'Ngân hàng báo lãi lớn vẫn được giảm thuế VAT là vô lý'

Kỳ Thư - 23/05/2023 16:42 (GMT+7)

(VNF) - Đồng tình với việc loại trừ một số ngành nghề ra khỏi phạm vi được giảm thuế VAT, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nói rằng: "Vừa rồi một loạt ngân hàng báo lãi lớn, do đó giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là vô lý".

VNF
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Chính phủ đã trình Quốc hội phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% nhưng trừ một số nhóm hàng hóa như: Viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Động thái này được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh quý I/2023, GDP tăng 3,32%, thấp hơn nhiều mục tiêu và kịch bản đề ra (5,6%). Tăng trưởng chủ yếu ở khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản, còn công nghiệp vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng lại suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc lượng lớn công nhân do bị giảm hoặc không có đơn hàng, đời sống lao động khó khăn. Ước tính, ngân sách hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi giảm thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm nay, tức giảm 9.000 tỷ đồng so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ.

Tán đồng việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% nhưng trừ một số nhóm hàng hóa, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, khẳng định: "Không nên giảm thuế một cách đồng đều các mặt hàng như nhau, cân nhắc để cân đối tiêu dùng. Trong đề xuất lần đầu, Chính phủ yêu cầu giảm hết từ 10% xuống 8% nhưng Nghị quyết 43/2022 đã cân nhắc tới một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 như dịch vụ y tế, thuốc men, thương mại online…”.

Ông Lâm cho rằng các như ngành ngân hàng, vừa rồi một loạt ngân hàng báo lãi lớn, do đó giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là vô lý. “Còn chứng khoán, bất động sản dù còn khó khăn, song việc giảm thuế VAT cũng chưa đủ thuyết phục”, ông Lâm nói.

Về hạn chế của việc chỉ cho phép giảm thuế VAT 2% đối với một số ngành nghề, lĩnh vực xuống 8% thay vì toàn bộ, ông Lâm đồng tình việc này có thể khiến điều hành chính sách mang tính giật cục.

"Ngay cả việc giảm thuế 10% xuống 8% đối với doanh nghiệp cũng khiến họ khó khăn. Bên cạnh đó cơ quan quản lý cũng thấy khá phức tạp", đại biểu Lâm phân tích.

Cũng theo ông Lâm, trong trường việc giảm thuế VAT kéo dài trên 6 tháng sẽ phải tính đến sức chịu đựng của ngân sách.

"Nếu giảm VAT lâu hơn, quá 6 tháng thì phải đánh giá tác động xem ngân sách khó khăn hay không, giảm dài hơn ngân sách Nhà nước có chịu được không? Trong thời điểm này, chúng ta phải làm hai nhiệm vụ vừa phải giảm khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo ổn định các cân đối lớn của vĩ mô. Do đó, việc giảm thuế VAT cũng phải cân đối về mặt thời gian", ông Lâm nhấn mạnh.

Theo ông Lâm, chính sách tài khoá tung ra nhưng chính sách tiền tệ không có nhiều thay đổi. "Khi tung ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đáng lẽ ra doanh nghiệp phải hưởng ứng, ngân hàng phải thực thi, nhưng không rõ nguyên nhân tại sao kết quả rất hạn chế. Vấn đề linh hoạt trong room tín dụng còn thấp, lãi suất tín dụng cao làm doanh nghiệp khó khăn", ông Lâm nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.