'Đề nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho tất cả loại hình báo chí'
Theo chuyên gia, báo chí là cơ quan sự nghiệp công lập, không kinh doanh theo lợi nhuận như doanh nghiệp, không thể bị áp thuế cao. Ngoài ra, cần có mức công bằng về thuế giữa các loại hình báo chí.
- 'Luật Thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời, sẽ sửa đổi vào năm 2025' 18/03/2024 04:16
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi. Theo Bộ này, trong giai đoạn hơn 15 năm triển khai thực hiện, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2014 và 2020.
Tại Điều 10 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định mức thuế suất phổ thông với các cơ quan báo chí là 20% (trừ hoạt động báo in được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi ở mức 10%).
Tại dự thảo sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung hoạt động báo chí, bao gồm cả quảng cáo trên báo nói chung thay vì chỉ hoạt động báo in như hiện nay thuộc ngành, nghề được áp dụng thuế ưu đãi thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế được Bộ này đề xuất là 15%, giảm 5% so với hiện hành. Riêng với báo in, mức thuế tiếp tục được đề xuất áp dụng là 10%.
Bộ dẫn kiến nghị của các cơ quan báo chí và Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh hoạt động báo in, cơ quan báo chí có nhiều hoạt động báo chí khác (báo nói, báo hình, báo điện tử) để phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu.
Ngoài ra, nguồn thu của báo chí còn dựa vào quảng cáo, nhưng cùng với sự phát triển công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển bùng nổ dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo của báo chí sụt giảm mạnh.
Cơ quan soạn thảo cho rằng trước tình hình nguồn thu của hoạt động báo chí không còn nhiều (do suy giảm nguồn thu từ hoạt động báo in cũng như nguồn thu từ hoạt động quảng cáo nói chung), việc hạch toán riêng các nguồn thu để kê khai, nộp thuế… ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí.
"Theo đó, cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng chính sách thuế ưu đãi thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí", Bộ Tài chính nêu.
Báo chí không chạy theo lợi nhuận như doanh nghiệp, không thể bị áp thuế như doanh nghiệp
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia về thuế Nguyễn Ngọc Tú, đồng thời là cựu Tổng biên tập Tạp chí Thuế, nhận định báo chí là cơ quan sự nghiệp công lập, không phải tư nhân nên không thể kinh doanh theo lợi nhuận như một doanh nghiệp.
"Báo chí chủ yếu thực hiện nhiệm vụ truyền thông xã hội. Đề xuất của Bộ Tài chính cần phải cân nhắc với tính đặc thù này", ông Tú nói. Ông nêu, trước khi có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ quan báo chí được hưởng chính sách ưu đãi thuế rất lớn khi không phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng lại sau đó đều được Nhà nước cấp lại để tái đầu tư, duy trì hoạt động.
Những năm gần đây, cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn do doanh thu quảng cáo sụt giảm và phải cạnh tranh với các nền tảng khác. Song song đó, khi thì báo chí được nhìn nhận như doanh nghiệp, khi lại như cơ quan hành chính sự nghiệp.
Điều này dẫn đến chính sách thuế hiện tại chưa hoàn thiện do các đơn vị mang tính chất phục vụ mục tiêu chính trị như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu… đều được áp dụng thuế suất doanh nghiệp ưu đãi là 10%, bằng một nửa so với mức doanh nghiệp phải đóng là 20%. Song với ngành báo chí, Bộ Tài chính chỉ áp dụng mức thuế ưu đãi 10% đối với báo in còn với các loại hình báo chí khác vẫn là 20%.
"Báo điện tử hay truyền hình có một số đặc thù riêng, lợi thế hơn so với báo in nhưng các chi phí duy trì khác cũng không kém và mục tiêu chính trị như nhau", ông Tú nói.
Chưa kể, ông Tú nói các mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành vốn không có mức 15%. Việc áp dụng thêm như vậy gây phức tạp.
Ông đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho tất cả loại hình báo chí. Đề xuất này cũng giống đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi tới Bộ Tài chính từ cuối năm ngoái. Điều này sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.
Khi báo chí khó khăn, việc miễn giảm thuế "càng nhiều càng tốt"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho biết ủng hộ đề xuất giảm thuế cho báo chí. Trong bối cảnh các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn, việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nếu được thực thi thì "càng nhiều càng tốt".
Ông Ngân ủng hộ việc ngành báo chí được gỡ khó, từ đó giảm căng thẳng trong bối cảnh doanh thu sụt giảm và có thêm nguồn lực đầu tư cho công nghệ, nội dung… Theo đại biểu Ngân, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính này giúp báo chí phát triển phù hợp xu hướng truyền thông hiện đại mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
TS Lê Văn Hỷ, Tổng Biên tập Tạp chí Vietnam Logistics Review, nhận định các cơ quan báo chí đang vừa làm nhiệm vụ chính trị, xã hội, tuyên truyền để đóng góp cho đời sống kinh tế xã hội nhưng đồng thời lại phải giống doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng thuế. "Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, thiệt thòi cho các cơ quan báo chí", ông Hỷ nói.
Ông Hỷ nhắc lại việc cơ quan báo chí còn đang phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, khiến vô hình trung nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ, xuất bản, phát hành... gặp thách thức. Điều này không chỉ diễn ra ở các cơ quan báo chí nhỏ mà còn ở cả các cơ quan lớn.
"Do vậy, đề xuất giảm thuế đối với các cơ quan báo chí giống như một tin vui, tạo cơ hội, động lực cho các cơ quan báo chí và nhà báo, phóng viên duy trì các hoạt động về báo chí, truyền thông", ông Hỷ nói. Theo ông, đây là chính sách hài hòa, phù hợp, tạo thêm cơ hội cho các cơ quan báo chí có nguồn lực duy trì.
Ông hy vọng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí sớm được thông qua để ngành có điều kiện phát triển thuận lợi.
Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023 đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí, trong đó có ý kiến về chính sách thuế.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng hiện nay các cơ quan báo chí in đã được Nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan báo chí có 2 loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử). Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.
Phát biểu với báo chí nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định cơ quan báo chí vừa là một đơn vị sự nghiệp lại vừa là doanh nghiệp. Là đơn vị sự nghiệp vì thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, cung cấp dịch vụ thông tin như là dịch vụ công, bởi vậy cần được Đảng và Nhà nước đầu tư, giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Nhưng cơ quan báo chí bây giờ phải cạnh tranh với các nền tảng số, phải thu hút được lực lượng làm báo, làm truyền thông có chất lượng trên thị trường, phải chấp nhận các cơ thế của thị trường. Vì vậy, cơ quan báo chí cũng phải hoạt động như doanh nghiệp.
Cải cách có tính đột phá về cơ chế cho báo chí là chấp nhận cho các cơ quan báo chí có 2 cơ chế hoạt động song song: vừa như đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp. Nhưng báo chí kinh doanh là để làm báo, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Đánh thuế giao dịch vàng: Ưu tiên tích trữ, đánh nặng đầu cơ?
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.