Đề xuất bổ sung thư tín dụng L/C vào dư nợ tín dụng: Ngân hàng nào chịu tác động nhiều nhất?

Minh Tâm - 12/04/2019 18:04 (GMT+7)

(VNF) - Tính đến hết ngày 31/12/2018, 3 ngân hàng có lượng cam kết trong nghiệp vụ L/C lớn nhất là BIDV với 61.876 tỷ đồng, Vietcombank với 57.703 tỷ đồng và VietinBank với 52.940 tỷ đồng. Xếp sau đó là MB với 24.623 tỷ đồng, VPBank với 14.799 tỷ đồng, SHB với 14.117 tỷ đồng và Techcombank với 12.163 tỷ đồng.

VNF
Đề xuất bổ sung thư tín dụng L/C vào dư nợ tín dụng: Ngân hàng nào chịu tác động nhiều nhất?

Trong dự thảo Thông tư Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa công bố, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều đề xuất rất đáng chú ý, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung khái niệm “Cấp tín dụng” và “Dư nợ cấp tín dụng” (khoản 12 và khoản 13 Điều 3) theo hướng bổ sung hình thức cam kết phát hành dưới hình thức tín dụng chứng từ L/C.

Cụ thể, bổ sung "cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C)" vào định nghĩa hoạt động Cấp tín dụng.

Theo đó, cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, phát hành thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C) và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả việc cấp tín dụng từ nguồn vốn của pháp nhân khác mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro theo quy định của pháp luật.

Kéo theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung "số dư thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng; số dư cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (sau khi trừ đi số tiền ký quỹ)" vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng.

Cụ thể, tổng mức dư nợ cấp tín dụng bao gồm tổng số dư nợ cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, tổng mức mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp,các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả dư nợ cấp tín dụng từ nguồn vốn của pháp nhân khác mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro theo quy định của pháp luật; số dư thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng; số dư cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (sau khi trừ đi số tiền ký quỹ) và các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cấp tín dụng.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù thư tín dụng (L/C) là một hình thức thanh toán nhưng trong quản trị rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì xét về bản chất, phát hành L/C là một hình thức cấp tín dụng nên số dư phát hành L/C (sau khi trừ đi số tiền ký quỹ) được tính vào dư nợ cấp tín dụng và tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng.

Điều này đồng nghĩa, sau khi áp dụng định nghĩa mới này, ngân hàng nào có càng nhiều cam kết thư tín dụng L/C thì dư nợ cấp tín dụng càng "phình to" và hạn mức cấp tín dụng theo đó có thể bị thu hẹp lại so với trước khi áp dụng định nghĩa mới.

Theo thống kê của VietnamFinance, tính đến hết ngày 31/12/2018, 3 ngân hàng có lượng cam kết trong nghiệp vụ L/C lớn nhất là BIDV với 61.876 tỷ đồng, Vietcombank với 57.703 tỷ đồng và VietinBank với 52.940 tỷ đồng.

Xếp sau đó là MB với 24.623 tỷ đồng, VPBank với 14.799 tỷ đồng, SHB với 14.117 tỷ đồng, Techcombank với 12.163 tỷ đồng. Các ngân hàng còn lại, cam kết L/C không đáng kể so với quy mô ngân hàng.

Tạm tính cho thấy, lượng cam kết nghiệp vụ L/C đang bằng khoảng 6,2% dư nợ tín dụng của BIDV; 9% dư nợ tín dụng của Vietcombank; 6% dư nợ tín dụng của VietinBank; 11% dư nợ tín dụng của MB; 6,4% dư nợ tín dụng của VPBank; 6,1% dư nợ tín dụng của SHB; 5,6% dư nợ tín dụng Techcombank.

Như vậy, nhiều khả năng khi áp dụng định nghĩa mới, dư nợ tín dụng của 2 ngân hàng là MB và Vietcombank sẽ tăng nhiều nhất xét theo giá trị tương đối. Theo sau là nhóm VPBank, BIDV, VietinBank, SHB và Techcombank với mức tăng tương đương nhau.

Cùng chuyên mục
Tin khác