Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống dưới 30%, bổ sung LC vào dư nợ tín dụng
Minh Tâm -
11/04/2019 15:39 (GMT+7)
(VNF) - Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn xuống 30% (từ mức 40% hiện nay); bổ sung thư tín dụng LC vào tổng dư nợ cấp tín dụng. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đưa ra các đề xuất nhằm "siết" hoạt động đầu tư trái phiếu vào công ty con; "siết" hoạt động cho vay mua nhà có giá trị lớn...
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành dự thảo Thông tư Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư 36. Dự thảo lần này đưa ra nhiều đề xuất rất đáng chú ý, trong đó phải kể đến 5 đề xuất có thể tạo tác động lớn.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung "số dư thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng; số dư cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (sau khi trừ đi số tiền ký quỹ)" vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng.
Cụ thể, tổng mức dư nợ cấp tín dụng bao gồm tổng số dư nợ cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, tổng mức mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp,các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả dư nợ cấp tín dụng từ nguồn vốn của pháp nhân khác mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro theo quy định của pháp luật; số dư thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng; số dư cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (sau khi trừ đi số tiền ký quỹ) và các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cấp tín dụng.
Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù thư tín dụng (LC) là một hình thức thanh toán nhưng trong quản trị rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì xét về bản chất, phát hành LC là một hình thức cấp tín dụng nên số dư phát hành LC (sau khi trừ đi số tiền ký quỹ) được tính vào dư nợ cấp tín dụng và tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho phép khách hàng sử dụng tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành; trái phiếu của doanh nghiệp phát hành mà khách hàng vay để mua trái phiếu của doanh nghiệp đó.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc khách hàng sử dụng trái phiếu của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng hoặc chính trái phiếu doanh nghiệp hình thành từ vốn vay là tài sản bảo đảm sẽ cho phép ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thu hồi được phần vốn cho vay từ phát mại tài sản bảo đảm trong trường hợp khách hàng không trả được nợ.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung thư tín dụng LC vào tổng dư nợ cấp tín dụng
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung nội dung quy định về việc ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để khách hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp: "Để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp là công ty con của chính ngân hàng đó".
Giải thích thêm, cơ quan quản lý ngành ngân hàng cho hay theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, công ty tài chính không được huy động tiền gửi của cá nhân, nguồn vốn huy động chủ yếu của công ty tài chính là từ vốn vay của tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, ngân hàng mẹ), phát hành giấy tờ có giá (bao gồm cả trái phiếu) cho các tổ chức, nhận tiền gửi của tổ chức.
Tuy nhiên hiện nay, một số doanh nghiệp là công ty con của ngân hàng thương mại đang thực hiện huy động vốn thông qua việc ngân hàng mẹ cho vay đối với một tổ chức khác (là "sân sau" của ngân hàng và công ty con của ngân hàng) để tổ chức này mua trái phiếu của doanh nghiệp.
"Vì vậy, dự thảo Thông tư bổ sung quy định này nhằm hạn chế việc sử dụng dòng tiền vay của ngân hàng thương mại, lòng vòng để mua trái phiếu doanh nghiệp do công ty con của ngân hàng thương mại phát hành", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị điều chỉnh lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn. Theo đó, phương án 1 là duy trì mức 40% đến ngày 30/6/2020; sau đó giảm xuống 35% từ 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021; từ ngày 1/7/2021 giảm còn 30%.
Với phương án 2, duy trì mức 40% đến ngày 30/6/2020; sau đó giảm xuống 37% từ 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021; từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 giảm còn 34%; từ ngày 1/7/2022 giảm xuống mức 30%.
Hiện nay, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn là 40%.
Ngân hàng Nhà nước cho hay việc điều chỉnh này là nhằm phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những thay đổi của các yếu tố từ trong và ngoài nước, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, theo tính toán của cơ quan này, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như: Phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...
Tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn được đề xuất giảm từ 40% hiện nay xuống 30%
Một nội dung rất lớn khác trong dự thảo là việc điều chỉnh hệ số rủi ro.
Hiện nay, các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay có hệ số rủi ro 50%.
Theo đề xuất mới, các khoản đòi này phải đáp ứng một trong các điều kiện: Là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ; Là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hệ số rủi ro tăng lên 150% đối với khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên.
Việc điều chỉnh này, theo Ngân hàng Nhà nước, xuất phát từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng: thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản...
Bên cạnh đó, quy định này cũng là thông điệp của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp, gián tiếp yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro.
"Quy định này ít ảnh hưởng đến các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có năng lực tài chính tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao", Ngân hàng Nhà nước trấn an.
Quy đinh này cũng không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án của Chính phủ, nhà ở có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng/căn, cũng như nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của khách hàng (hệ số rủi ro không thay đổi).
Đồng thời, theo Ngân hàng Nhà nước, quy định về tăng hệ số rủi ro này là một thông điệp để tạo động lực cho các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sớm chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuân thủ Thông tư 41 kể từ ngày 1/1/2020.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.