Đề xuất nới lỏng 'room' tín dụng cho các ngân hàng, hạn chế thấp nhất việc xin điều chỉnh hạn mức

Minh Tâm - 13/07/2021 10:49 (GMT+7)

(VNF) - Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét việc nới lỏng "room" tín dụng để các ngân hàng có kế hoạch ngay từ đầu năm, hạn chế thấp nhất việc xin điều chỉnh hạn mức, giúp các ngân hàng có cơ sở pháp lý để triển khai tốt các hoạt động hỗ trợ, đẩy mạnh tín dụng phục vụ nền kinh tế.

VNF
Đề xuất nới lỏng 'room' tín dụng cho các ngân hàng, hạn chế thấp nhất việc xin điều chỉnh hạn mức

Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tổ chức tín dụng (TCTD) về việc triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo 16 ngân hàng thương mại là tổ chức hội viên của VNBA, Ủy ban Chính sách, Câu lạc bộ Pháp chế thuộc VNBA, đại diện lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước.

Cuộc họp diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước giao VNBA vận động sự đồng thuận của các TCTD để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 để hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, đại diện các tổ chức hội viên, đặc biệt là 16 ngân hàng thương mại, đã đồng thuận về việc giảm lãi suất. 16 ngân hàng thương mại này gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB và HDBank.

Trao đổi xung quanh vấn đề làm thế nào để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng trước hết, cần xem xét đối tượng vay vốn cụ thể để việc hỗ trợ vốn vay, lãi suất đúng địa chỉ, đúng khách hàng đang có khó khăn thực sự.

"Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khách hàng này nhưng mang lại cơ hội cho khách hàng khác, không thể cào bằng việc hỗ trợ; cần có tiêu chí đánh giá khách hàng, đảm bảo ưu tiên các đối tượng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp có đơn hàng lớn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh", phía VNBA cho hay.

Hiệp hội này cũng cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết, không thể chần chừ, nhưng cần tính toán thực lực nguồn vốn, chính sách tín dụng của từng ngân hàng để triển khai giải pháp cụ thể, trên tinh thần tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ sẽ được triển khai từ nay đến hết năm 2021.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, chia sẻ hoạt động kinh doanh của ngân hàng là đi vay để cho vay, theo luật định, đồng vốn vay dân, ngân hàng không thể cho vay ra toàn bộ; đã cho vay ra rồi còn phải tính chuyện trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận hằng năm được tích tụ từ nhiều năm trước mới có đủ để đầu tư đổi mới công nghệ, vì thế ngân hàng cũng khó khăn không kém gì doanh nghiệp.

"Song không vì thế mà ngân hàng đứng ngoài cuộc khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong thời Covid-19 cũng vậy, ngân hàng cũng phải thắt lưng, buộc bụng để đồng hành cùng doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Vì thế, việc phân loại đối tượng hỗ trợ chính xác là việc làm cần thiết, vừa cho vay đúng đối tượng, vừa đảm bảo an toàn hệ thống", ông Hùng cho biết.

Tổng Thư ký VNBA cũng đề xuất cơ quan tham mưu chính sách, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng đồng bộ hóa các văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay của TCTD, hoạt động thanh toán, các hướng dẫn về giao dịch bảo đảm, sử dụng dữ liệu điện tử cá nhân, xem xét việc nới lỏng "room" tín dụng để các ngân hàng, TCTD có kế hoạch ngay từ đầu năm, hạn chế thấp nhất việc xin điều chỉnh hạn mức, bởi đây cũng chính là điều kiện tiên quyết giúp các ngân hàng, TCTD có cơ sở pháp lý để triển khai tốt các hoạt động hỗ trợ, đẩy mạnh tín dụng phục vụ nền kinh tế.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.