Đề xuất phát hành chứng chỉ vàng, lập sàn giao dịch 'hút' nguồn lực trong dân
(VNF) - Các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép phát hành chứng chỉ vàng và dùng để giao dịch trên sở giao dịch vàng quốc gia, thay vì cách giao dịch vàng vật chất kém hiệu quả.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa đưa ra bản kiến nghị quý II/2024, trong đó đề cập một số giải pháp phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững.
Theo đó, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất NHNN cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng không can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng bằng các biện pháp hành chính, chỉ quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cho rằng liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới NHNN cần có các biện pháp nhằm loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là giá vàng SJC, tiến tới tự do hóa xuất, nhập khẩu vàng; xem xét cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu; đưa ngành sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu vàng trang sức ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện; đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% như cũ, thay vì tăng lên 1% như ban hành mới đây.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn.
Hiện nay, thị trường vàng Việt Nam là thị trường hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất, còn vàng kỳ hạn thì không được phép thực hiện do không có quy định.
Để phát triển thị trường vàng, Việt Nam cần sớm chuyển đổi sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu kiến nghị, cần cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng. Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây.
Để đảm bảo tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do NHNN phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ được phép thực hiện với những quy định chặt chẽ của NHNN và là những giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Người sở hữu chứng chỉ chứng nhận vàng cũng có quyền chuyển đổi chứng chỉ chứng nhận vàng thành vàng vật chất sau thời hạn ghi trên chứng chỉ.
Trong dài hạn, Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia.
Cùng với đó, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như đảm bảo khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả hơn.
Nhóm nghiên cứu còn kiến nghị thay đổi tư duy quản lý nhằm tăng cường huy động nguồn lực vàng trong dân cư. Chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh...) trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ và NHNN cần tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, nhiều tiềm năng để thu hút tài sản đầu tư của người dân chảy qua các tài sản và kênh đầu tư có lợi hơn.
"Chỉ khi người dân thấy hành động để vốn “chôn” trong vàng không có lợi bằng đem tiền ra đầu tư vào nền kinh tế, nhưng thứ “ít nằm chết” hơn, sẽ thôi thúc lượng vàng trong dân chảy ra nền kinh tế", nhóm nghiên cứu cho hay.
Ngoài ra, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng (căn cứ theo đặc tả hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vàng do Sở Giao dịch hàng hóa ban hành).
Đồng thời, cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETFExchange Traded Fund) như một công cụ tài chính quốc tế. Chứng chỉ quỹ cũng có thể được mua bán trên Sở Giao dịch hàng hóa, sẽ khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng. ETF nếu được mua bán, tham gia các sản phẩm hợp đồng tương lai, quyền chọn trên sàn thế giới, được xuất nhập khẩu vàng thì dự trữ vàng của ETF sẽ có một vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực cho NHNN khi xảy ra sốt giá, giúp tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Trong cuộc tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” được tổ chức đầu năm nay, có ý kiến cho hay, việc phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng đã thông dụng ở một số nước. Thay vì giữ vàng vật chất thì chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ giúp người dân chỉ cần giữ “vàng giấy” đó và có thể trao đổi trên sàn giao dịch.
Tuy nhiên, việc mua bán chứng chỉ chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ. Chứng chỉ vàng cần do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng đã bàn với NHNN về việc này từ lâu, nhưng làm phải có bài bản, phải nghiên cứu và đây là vấn đề lâu dài.
Ủng hộ giải pháp phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, giải pháp này sẽ giúp huy động số vàng hàng trăm tấn đang nằm trong dân để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế.
Gần đây, NHNN đã có nhiều động thái để bình ổn thị trường vàng. Theo NHNN, khi thực hiện bán vàng theo hình thức mới tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), hiện giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/ lượng, thu hẹp đáng kể so với mức gần 20 triệu đồng thời gian trước. Giá bán ra của vàng SJC đứng yên ở mức 76,98 triệu đồng/lượng nhiều ngày qua.
Đầu cơ đẩy giá vàng lên kỷ lục: Lý do không nên đầu tư vàng lúc này
- Kho bạc không còn tiền mặt và sự thật thời điểm Việt Nam nhập khẩu vàng 16/06/2024 10:30
- NHNN yêu cầu báo cáo các giao dịch vàng có giá trị lớn, đáng ngờ 14/06/2024 05:31
- Chỉ được mua - bán vàng miếng SJC tại các tổ chức được cấp phép 14/06/2024 10:34
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.