Đề xuất TP. HCM thu phí carbon, lấy tiền hỗ trợ xuất khẩu qua EU

Hải Đường - 29/02/2024 22:48 (GMT+7)

(VNF) - Nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) đề xuất 3 kịch bản về chính sách cho thành phố, trong đó đề xuất chính quyền thành phố ban hành một loại phí mới là phí carbon, sử dụng số thu từ nguồn này hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu.

VNF
(Ảnh minh hoạ)

TP. HCM cần tham gia tích cực vào thị trường carbon

Thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu, được chia thành 2 loại là thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) cho biết, thị trường carbon bắt buộc đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính, đơn cử như Hệ thống Thương mại khí thải Liên minh châu Âu (EU-ETS) là thị trường carbon bắt buộc lâu đời và thành công nhất thế giới, giúp giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực EU hơn 40% kể từ năm 2005.

Theo Quyết định 3273/QĐ-UBND, TP. HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế - tương đương khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới.

Nhóm chuyên gia của UEH cho rằng mục tiêu này sẽ là thách thức lớn đối với TP. HCM nếu như chỉ dựa vào thị trường carbon bắt buộc.

TP. HCM hiện chỉ có 140 doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon bắt buộc, trong khi đó, thành phố có tới hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại địa phương này lại lớn nhất cả nước chiếm 23,3%, tương đương 57,6 triệu tấn.

Nhóm chuyên gia của UEH cho rằng TP. HCM cần tham gia tích cực hơn vào thị trường carbon tự nguyện.

Theo đó, quy mô về nhu cầu tín chỉ carbon ở TP. HCM là rất tiềm năng khi địa phương này có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước, cùng với đó là lượng doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao, nhận thức về bảo vệ môi trường của cá nhân và tổ chức ở mức cao (theo báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022).

Ở thị trường carbon tự nguyện, TP. HCM có thể đóng 3 vai trò: bên bán, bên mua, hay vai trò trung gian hỗ trợ thị trường. Với những hạn chế của TP. HCM về tài nguyên rừng, về nông nghiệp – những nguồn có thể cung cấp tín chỉ carbon tiềm năng trong tương lai, nhóm chuyên gia của UEH đã đề xuất một nguồn cung tín chỉ carbon mà thành phố có thể đẩy mạnh là từ giao thông.

Đề xuất ban hành phí carbon đối với doanh nghiệp

Tháng 10/2023, EU đã ban hành cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (CBAM) nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính. CBAM sẽ áp dụng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên lượng khí thải nhà kính (trực tiếp và gián tiếp) phát thải trong quá trình sản xuất. Nhóm chuyên gia của UEH cho rằng điều này sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU trong ngắn hạn.

Với việc Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM được thông qua, nhóm chuyên gia của UEH cho rằng TP. HCM có thể chủ động phát triển các giải pháp, sáng kiến hỗ trợ các doanh nghiệp để có thể thích ứng tốt với quy định thuế carbon xuyên biên giới hiện hành của EU.

Nhóm nghiên cứu của UEH đã đề xuất 3 kịch bản chính sách cho TP. HCM để ứng phó với tác động của CBAM.

Thứ nhất, chính quyền thành phố hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh tốc đồ đầu tư vào công nghệ tiên tiến, giảm phát thải carbon.

Thứ 2, chính quyền thành phố chủ động đẩy mạnh đầu tư vào các tài sản công trên địa bàn thành phố để giảm thiểu phát thải từ việc sử dụng điện, hướng đến lộ trình trở thành một nhà cung cấp tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện.

Thứ 3, chính quyền thành phố ban hành một loại phí mới là phí carbon, sử dụng số thu từ nguồn này hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu. 

Theo đó, cơ chế CBAM cho phép doanh nghiệp khi tính toán lượng tín chỉ carbon cần mua để xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu được phép kê khai trừ lại những phần mà doanh nghiệp này đã trả cho thuế carbon hoặc các khoản tương tự ở quốc gia khác nếu xác thực được chính xác nghĩa vụ doanh nghiệp đã thực hiện. Cơ chế CBAM không hướng tới việc tối ưu nguồn thu cho EU mà chỉ ưu tiên cho các mục tiêu về môi trường. 

Kịch bản ban hành phí carbon được xem là giải pháp hoàn toàn mới và có khả năng ban hành nhanh hơn so với với sự ra đời của Luật Thuế carbon, góp phần gia tăng nguồn thu tự chủ cho TP. HCM.

Cùng chuyên mục
Tin khác