Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2020 đã được xây dựng với mục tiêu hết sức tham vọng vào cuối năm 2019 với mức tăng lợi nhuận 29% so với năm 2019, tương đương lợi nhuận trên dưới 14.000 tỷ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng Covid-19, ban lãnh đạo ngân hàng nhận thức rằng bảo toàn lực lượng, bảo toàn vốn, bảo đảm thanh khoản… là mục tiêu quan trọng nhất.
"Chúng tôi đã lựa chọn kịch bản A - kịch bản tương đối lạc quan - là Việt Nam có thể kiểm soát được Covid-19 trước thời điểm cuối tháng 6 và thực tế đã diễn ra tốt hơn. Rất may kịch bản A đã và đang trở thành hiện thực. Tuy nhiên vẫn hết sức phải cảnh giác, các kịch bản xấu hơn vẫn nằm ở trên bàn và sẽ được kích hoạt khi tình hình xấu đi. Dù vậy, ban lãnh đạo vẫn tin tưởng Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch", ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.
Kịch bản A, theo ông Vinh, tương đương với tăng trưởng GDP khoảng 2%.
Người đứng đầu ban điều hành VPBank cho biết ngân hàng đã áp dụng các chính sách thắt chặt tín dụng như giảm tín dụng ở phân khúc rủi ro, tăng cường bán chéo, giảm thu nhập nhân viên, cắt giảm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.
"Chúng tôi cũng nỗ lực phát triển những hoạt động ít chịu ảnh hưởng bởi dịch như đầu tư công nghệ, tăng năng suất, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới ở nhóm khách hàng ít chịu ảnh hưởng như xây dựng hạ tầng, công nghệ", ông Vinh cho hay.
Tổng giám đốc VPBank cho biết mục tiêu năm 2020 với lợi nhuận giảm 1,1% (ở mức khoảng 10.200 tỷ đồng) là mục tiêu thận trọng, trong đó tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng mẹ dự kiến khoảng 15%, còn FE Credit thì phải tăng dự phòng trong bối cảnh dịch bệnh.
"Nếu tình hình tiếp tục diễn biến tích cực thì ban lãnh đạo đặt ra quyết tâm cao hơn, khoảng từ 10 đến 20% so với mục tiêu hiện tại tùy vào diễn biến của dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới", ông Nguyễn Đức Vinh nói.
Vị lãnh đạo này tiết lộ đến hết tháng 4, lợi nhuận trước thuế của VPBank ở mức khoảng 4.000 tỷ đồng. Hết tháng 5 ước tính khoảng 5.100 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng dự kiến khoảng trên dưới 6.000 tỷ đồng.
Tại phiên thảo luận, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank đã có những chia sẻ đáng chú ý về tiến trình IPO "gà đẻ trứng vàng" FE Credit.
Theo ông Dũng, trong nhiều năm vừa qua, HĐQT ngân hàng đã liên tục kêu gọi bán một phần FE Credit và có tín hiệu tích cực. "Tuy nhiên, vừa rồi có gián đoạn, tạm dừng do dịch bệnh. Chúng tôi tin rằng quá trình này sẽ tiếp diễn trong tương lai gần", ông Dũng nói.
Do đang trong quá trình đàm phán nên ban lãnh đạo VPBank chưa thể nói rõ hơn.
Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết thêm FE Credit là công ty tài chính nên có thể bán tới 49% cho nước ngoài thay vì chỉ 30% như ngân hàng.
"Nếu bán 49% thì quyền lợi ngân hàng mẹ sẽ giảm đi, nhưng việc họ tham gia vào công ty thì họ sẽ đem theo công nghệ, nguồn vốn…, chắc chắn tốt đẹp cho FE Credit", ông Dũng nhấn mạnh.
Đối với nguồn vốn thu được từ việc bán cổ phần FE Credit, ông Dũng cho biết HĐQT VPBank sẽ có phương án sử dụng phù hợp. "Trong trường hợp bán được vốn thì ngân hàng mẹ cũng có cơ hội tốt tập trung phát triển phân khúc bán lẻ và SME", lãnh đạo VPBank cho hay.
Tại đại hội lần này, VPBank vẫn kiên định với chiến lược không chia cổ tức. Điều này tiếp tục khiến các cổ đông thắc mắc.
Một cổ đông trên 80 tuổi, đầu tư vào VPBank từ thời ngân hàng vẫn có tên là "Ngân hàng ngoài quốc doanh" đặt câu hỏi: "Chúng ta ở đây đều kinh doanh đồng tiền nhưng không được chia cổ tức. Tiền là phải sinh ra tiền chứ? Chúng tôi là cổ đông, phải có cổ tức, lợi nhuận của chúng tôi bỏ đi đâu?".
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo VPBank cho hay: "Có thể hôm nay chưa có cổ tức nhưng ngân hàng theo quan điểm là phải giữ lại lợi nhuận để phát triển ngân hàng. Vì mục tiêu chung nên chúng ta không thể thực hiện chia cổ tức bằng tiền. Đó là sự đánh đổi và chúng tôi nói điều này hàng năm, mong các cổ đông thấu hiểu và ủng hộ".
Chia sẻ thêm về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh thông tin rằng ngân hàng đã xác định một số nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng mức độ ảnh hưởng thế nào thì "không ai có thể xác định rõ".
Nhóm khách hàng đầu tiên chịu ảnh hưởng là trong các ngành liên quan đến đi lại, du lịch, khách sạn, xuất nhập khẩu… "Có những ngành sẽ chịu ảnh hưởng từ từ nên ban lãnh đạo sẽ hết sức theo dõi", ông Vinh nói.
Thứ hai là các doanh nghiệp nhỏ, có sức chống chịu kém nên dòng tiền bị ảnh hưởng.
Thứ ba là hộ tiểu thương. "Khi giãn cách xã hội, 90% khách hàng VPBank phải dừng hoạt động. Cũng may Nhà nước kiểm soát tốt và dừng giãn cách sau 2 tuần (70% khách hàng quay trở lại), đấy là điều đáng mừng. Đến thời điểm này khoảng 90% quay lại", ông Vinh thông tin.
Thứ tư là khách hàng cá nhân. Nhóm có thu nhập trung bình – cao ít bị ảnh hưởng.
Nhóm ảnh hưởng lớn nhất là tài chính tiêu dùng của FE Credit. Ban lãnh đạo VPBank cho biết đã áp dụng các biện pháp thận trọng hơn rất nhiều, thậm chí tạm dừng tăng trưởng, tìm cách kiểm soát rủi ro của FE Credit. "Trong kế hoạch kinh doanh 2020, thu nhập của FE thập chí giảm cả nghìn tỷ nhưng trong thực tế chúng tôi cũng có các biện pháp để giải tỏa khó khăn", theo Tổng giám đốc VPBank.
Dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ VPBank đạt được hơn 12% từ đầu năm đến nay nhờ chuyển hướng sang nhóm khách hàng ít chịu ảnh hưởng.
Nguồn thu bị ảnh hưởng khi tham gia vào chương trình hỗ trợ lãi suất, lên đến hàng trăm tỷ nhưng để bù đắp lại, ban lãnh ddạo VPBank tìm cách giảm chi phí vốn, tiết kiệm chi phí (5 tháng tiết kiệm khoảng trên 400 tỷ)…
Dự phòng trong năm nay dự kiến tăng khoảng 1.400 tỷ so với năm ngoái.
"Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá ảnh hưởng của dịch thấp hơn so với dự kiến, tuy nhiên sẽ vẫn ảnh hưởng trong tháng 6 và quý III. Ngành ngân hàng thường đi sau các ngành khác", lãnh đạo VPBank lưu ý.
Về vấn đề mua cổ phiếu quỹ, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết nguồn vốn mua cổ phiếu quỹ là từ nguồn lợi nhuận để lại, quyết định mua trên cơ sở đảm bảo tuân thủ tất cả các quy định của NHNN và sẽ mua trong năm nay vào thời điểm thuận lợi.
"Mua cổ phiếu quỹ cũng là một cơ hội kinh doanh của ngân hàng. Khi cổ phiếu ở mức rất hấp dẫn, chúng ta mua và bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ tạo ra thặng dư lớn cho cổ đông", ông Dũng nhấn mạnh.
* * *
Báo cáo của Ban điều hành VPBank gửi đến cổ đông cho hay năm 2020, theo dự báo của các tổ chức thế giới, nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế Mỹ - Trung cùng với sự bất ổn trong việc điều chỉnh chiến lược và chính sách của các cường quốc thế giới tiếp tục ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, dưới tác động của dịch bệnh với những diễn biến tiêu cực và ảnh hưởng toàn diện ở phạm vi toàn cầu, các kịch bản với mức tăng trưởng thấp hơn đang được đưa ra nhằm bám sát với tình hình kinh tế với những yếu tố bất lợi liên tục thay đổi.
Ban điều hành VPBank nhận định ngành ngân hàng cũng sẽ chịu những tác động trực diện từ những yếu tố trên. Dự báo mức trần tăng trưởng tín dụng sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều tiết ở mức 14% cùng với việc đưa ra chính sách tiền tệ thận trọng nhưng vẫn đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tỷ lệ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng thắt chặt theo lộ trình để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.
Năm 2020, VPBank cho biết sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ở tất cả các khối kinh doanh, đặc biệt là các phân khúc chiến lược.
"Tăng trưởng về quy mô (cho vay, huy động, doanh thu..) phải đi đôi với nâng cao hiệu quả (năng suất bán, hiệu suất vận hành, quản trị rủi ro…). Trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cần duy trì các hoạt động kinh doanh cốt lõi và đảm bảo sự hỗ trợ cho khách hàng", Ban điều hành VPBank cho hay.
Phía VPBank thông tin rằng tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù có bị ảnh hưởng ban đầu bởi Covid-19 nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực về tăng trưởng tín dụng, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất. Hiện nay các kịch bản ứng phó cho các tình huống khống chế dịch bệnh được xây dựng để có phương án ứng xử kinh doanh, vận hành hiệu quả nhất.
"VPBank hy vọng kịch bản lạc quan với sự ổn định của tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và các nước vào cuối quý II/2020, các hoạt động phục hồi cuộc sống và kinh tế sẽ diễn ra sau đó. Đây sẽ là cơ hội để sản xuất kinh doanh phục hồi và từ đó ngân hàng lấy lại đà tăng trưởng", Ban điều hành ngân hàng này nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 10.214 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để thực hiện kế hoạch này, ngân hàng dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng năm nay ở mức 12,3%, đạt 304.744 tỷ đồng; trong đó, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ dự kiến dưới 3%. Tăng trưởng tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến ở mức 10,4%, đạt 299.728 tỷ đồng.
Tổng tài sản cuối năm 2020 dự kiến ở mức 425.132 tỷ đồng, tăng 12,7% sau một năm.
Về cổ tức, HĐQT VPBank quyết định trình cổ đông kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
HĐQT VPBank cũng trình kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP) từ nguồn cổ phiếu quỹ với số lượng 17 triệu cổ phiếu, giá bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng với mức giải tỏa tối đa 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm, 35% sau 3 năm.
Tại đại hội tới, VPBank cũng dự kiến bầu mới HĐQT và Ban kiểm soát. Ông Ngô Chí Dũng, ông Bùi Hải Quân, ông Lô Bằng Giang, ông Nguyễn Đức Vinh, ông Nguyễn Văn Phúc là các ứng viên đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, trong đó ông Nguyễn Văn Phúc là ứng viên Thành viên HĐQT độc lập.
Ông Nguyễn Văn Phúc từng là đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội.
Ban kiểm soát dự kiến gồm bà Nguyễn Thị Mai Trinh, bà Trịnh Thị Thanh Hằng, bà Kim Ly Huyền và ông Vũ Hồng Cao.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.