ĐHCĐ VPBank: Từ năm sau sẽ chia cổ tức tiền mặt, nghiên cứu nhận chuyển giao bắt buộc 1 TCTD
Minh Tâm -
29/04/2022 16:33 (GMT+7)
(VNF) - Theo chia sẻ của Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng, VPBank đang nghiên cứu tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD). Bên cạnh đó, ông Dũng còn cho biết với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay, từ năm sau HĐQT VPBank sẽ trình đại hội đồng cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.
Chiều 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Chia sẻ tại đại hội, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết cam kết lợi nhuận gần 30.000 tỷ đồng trong năm 2022 là dựa trên kỳ vọng rằng nhu cầu của nền kinh tế sẽ hồi phục tốt và bản thân VPBank có khả năng đáp ứng tăng trưởng cao.
Liên quan đến băn khoăn của cổ đông về tính khả thi của kế hoạch tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới 35% (kịch bản lạc quan) trong năm 2022, ông Vinh cho hay mặc dù các yếu tố tác động đến lợi nhuận có thể thay đổi so với kế hoạch nhưng ban lãnh đạo ngân hàng cam kết sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận.
Bổ sung thêm, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, nhấn mạnh việc đạt được mục tiêu lợi nhuận không hoàn toàn phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng mà còn có các nguồn thu khác như thu từ phí, hoạt động dịch vụ... Ông Dũng cho biết tăng trưởng tín dụng chủ yếu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm sau thay vì năm nay.
"Có thể khẳng định dù tăng trưởng tín dụng ở mức 23% (như kịch bản cơ sở - PV) hay cao hơn nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép, ban lãnh đạo VPBank vẫn cam kết thực hiện được mục tiêu lợi nhuận gần 30.000 tỷ đồng", ông Dũng nói.
Liên quan đến việc mua công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết việc tìm ra động lực tăng trưởng mới cho VPBank là rất quan trọng. Ngân hàng có kế hoạch mở rộng hệ sinh thái để xây dựng một định chế tài chính tầm cỡ, đây là lý do VPBank mua công ty bảo hiểm và chứng khoán. Trong đó, VPBank sẽ tập trung mạnh vào mảng ngân hàng đầu tư, bao gồm chứng khoán, quản lý quỹ, quản lý tài sản...
"Công ty chứng khoán của VPBank vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất, đạt 8.900 tỷ đồng. Nếu thuận lợi, VPBank dự kiến tăng vốn cho công ty chứng khoán lên 20.000 tỷ đồng vào cuối năm. Công ty chứng khoán chắc chắn có lãi trong năm đầu điên và trở thành động lực tăng trưởng rất lớn trong 5 năm tới, đây là một mắt xích quan trong mảng ngân hàng đầu tư của VPBank", ông Vinh thông tin.
Về tiến trình bán 15% vốn cho nước ngoài, ban lãnh đạo VPBank cho biết quá trình đàm phán đang diễn ra thuận lợi nhưng khó hoàn thành trong quý II. Ban lãnh đạo kỳ vọng quý III sẽ hoàn thành thương vụ này.
Ông Ngô Chí Dũng cho biết việc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược không bị ảnh hưởng bởi diễn biến giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Với nền tảng vốn lớn sẽ có, không loại trừ khả năng VPBank sẽ mua cổ phiếu quỹ trong năm tới.
Chia sẻ thêm về mô hình kinh doanh, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho hay sở dĩ tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VPBank thấp hơn nhiều ngân hàng khác là vì ngân hàng có lượng cho vay tín chấp lớn, do không có tài sản bảo đảm nên "nợ xấu 1 đồng phải trích lập 1 đồng", trong khi các ngân hàng khác cho vay có tài sản đảm bảo thì khi trích lập dự phòng sẽ trừ đi giá trị tài sản bảo đảm.
Bù lại, nguồn nợ đã hạch toán ngoại bảng của VPBank rất lớn và liên tục được thu hồi trở lại, tạo ra nguồn thu nhập lớn hàng năm.
Một điểm đáng chú ý là theo chia sẻ của Chủ tịch Ngô Chí Dũng, VPBank đang nghiên cứu tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD). Ngân hàng đang trong quá trình xem xét nên chưa thể công bố chi tiết và còn quá sớm để nói về ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Đặc biệt, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay, không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới mà HĐQT dự kiến từ năm sau sẽ trình đại hội đồng cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.
* * *
Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, VPBank lên kế hoạch tổng tài sản năm 2022 tăng 27% lên 697.413 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 28% lên 413.060 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 35% lên 518.440 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2022 đạt 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm 2021.
VPBank cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ "khủng". Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành dự kiến 50%, tức là mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới. Thời gian dự kiến vào quý II hoặc III/2022. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.
Ở đợt tăng vốn thứ hai, VPBank sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, từ đó nâng vốn điều lệ lên 79.334 tỷ đồng. Thương vụ dự kiến tiến hành sau khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến trong năm 2022.
Theo phía VPBank, nguồn vốn thu được từ đợt phất hành riêng lẻ dự kiến tối thiểu 22.342 tỷ đồng, sẽ được dành toàn bộ để phục vụ cho vay khách hàng VPBank.
VPBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc phần lớn (trên 90%) vốn điều lệ Công ty Cổ phần Bảo hiểm OPES. Giá mua dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của OPES.
Đặc biệt, VPank muốn góp vốn bổ sung vào công ty con là Công ty Chứng khoán ASC với tổng mức đầu tư/góp vốn tối đa lên tới 15.000 tỷ đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.