Dịch bệnh làm chậm tiến độ lên sàn của ngân hàng

Vân Linh - 24/02/2020 15:56 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, chưa có ngân hàng nào niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo quy định và khả năng thực hiện trong quý đầu năm cũng không được đánh giá cao, phần lớn do ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19.

VNF
Ngân hàng được cho là sẽ khó niêm yết cổ phiếu trong quý đầu năm nay.

 

OCB đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE) từ nhiều năm qua, song vì nhiều nguyên nhân đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Trước đó, Chủ tịch HÐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cho hay, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên HoSE vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

Thế nhưng, do thị trường chứng khoán cuối năm qua không mấy thuận lợi nên OCB lại hoãn lên sàn.

Thêm vào đó, khi tình hình dịch bệnh chưa kết thúc, thị trường chứng khoán và ngành ngân hàng khó tránh ảnh hưởng, nên khả năng niêm yết trong quý đầu năm 2020 của OCB cũng khó thực hiện.

Mặt khác, trước khi niêm yết, OCB còn muốn chốt tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Hiện room dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại OCB còn khá lớn, khi mới có một quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn VinaCapital nắm 5% vốn tại nhà băng này.

Mới đây, thị trường xuất hiện thông tin Ngân hàng Aozora của Nhật Bản sẽ mua 15% vốn cổ phần của OCB trước tháng 4/2020, giá trị thương vụ dự kiến khoảng 15 tỷ yên Nhật, tương đương 139 triệu USD, sau đó OCB mới niêm yết.

“Việc niêm yết phải chọn thời điểm thích hợp để khi lên sàn giá cổ phiếu tăng, qua đó đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông, nhà đầu tư”, lãnh đạo OCB nói. 

Tương tự, kế hoạch niêm yết trên HoSE trong năm 2020 sẽ được Nam A Bank triển khai sau khi bán cổ phần cho các đối tác trong và ngoài nước, tỷ lệ chào bán khoảng 20% vốn.

Nam A Bank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng năm nay.

Theo một lãnh đạo cấp cao của Nam A Bank, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đàm phán với Ngân hàng, mong muốn sở hữu cổ phần Nam A Bank.

Chủ trương của Nam A Bank trong việc thu hút cổ đông chiến lược là phải tìm được nhà đầu tư có tầm nhìn và chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của Ngân hàng. Nam A Bank là một trong những ngân hàng còn nguyên room ngoại.

Cuối năm qua, HoSE đã nhận hồ sơ niêm yết gần 1,175 tỷ cổ phiếu của MSB. Hiện sàn này có 10 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết là VCB, CTG, BID, TCB, MBB, HDB, TPB, EIB, STB, VPB. Trên sàn HNX có 3 ngân hàng là ACB, SHB, NVB và trên UPCoM là 4 ngân hàng LPB, VIB, BAB, VBB.

Theo Ðề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, tất cả các ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chậm nhất vào năm 2020.

Tuy nhiên, việc đưa cổ phiếu lên sàn được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Chẳng hạn, việc niêm yết phải được Ðại hội đồng cổ đông thông qua, mà mùa đại hội ngân hàng năm nay dự kiến diễn ra muộn hơn so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19, vào giữa tháng 3 và tháng 4/2020, bên cạnh mục tiêu kinh doanh.

Với Viet Capital Bank, ngân hàng này đã hoàn tất thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM.

Ngày 16/9/2019, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã có thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho Viet Capital Bank, mã chứng khoán BVB với vốn điều lệ 3.171 tỷ đồng, tương ứng 317.1 triệu cổ phiếu đăng ký, nhưng ngày giao dịch chính thức đến nay vẫn để ngỏ. 

Báo cáo xây dựng chiến lược đầu tư 2020 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố cho thấy, công ty chứng khoán này đã giảm kỳ vọng đối với nhóm ngân hàng, trong khi đánh giá cao hơn đối với nhóm sản xuất, chế biến, chế tạo.

“Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm tốc và thiếu yếu tố đột biến trong năm nay. Một trong những lý do suy giảm đến từ sự chậm lại của thị trường bất động sản.

Ngoài ra, hoạt động cho vay của ngân hàng cũng phải cạnh tranh nhiều hơn với kênh trái phiếu doanh nghiệp và nguồn vốn giá rẻ từ bên ngoài, trong khi môi trường lãi suất thấp cũng khiến cho hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ bị giảm sút”, báo cáo nhận định.

Thế nhưng, mục tiêu kinh doanh được các ngân hàng đặt ra vẫn khá tham vọng. Trong đó, không ít nhà băng xây dựng kế hoạch lợi nhuận 10.000-20.000 tỷ đồng trước thuế.

Thực tế, nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đã đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong năm qua và tiếp tục duy trì mục tiêu này trong năm nay, trong khi chỉ số ít dự kiến đạt mức lợi nhuận vài trăm tỷ đồng.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác