Dịch Covid-19 thúc đẩy hình thành các quy tắc giao dịch tài chính mới

Hà Ngọc - 11/05/2020 09:02 (GMT+7)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đẩy không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có trong nhiều năm qua, đồng thời làm thay đổi logic giao dịch trên thị trường.

VNF
Dịch Covid-19 thúc đẩy hình thành các quy tắc giao dịch tài chính mới

Từ trung tuần tháng 3/2020 trở lại đây, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đạt 26,45 triệu, vượt qua con số 22,42 triệu việc làm được tạo ra trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở Mỹ kể từ tháng 11/2009.

Ngoài ra còn có khoảng 8,9-13,9 triệu người muốn xin trợ cấp thất nghiệp, nhưng bị từ chối từ vòng ngoài. Nói cách khác, những gì diễn ra trong 5 tuần qua đã xóa bỏ toàn bộ nỗ lực tạo việc làm mới trong 11 năm qua (thời kỳ bùng nổ việc làm dài nhất trong lịch sử Mỹ).

Bên cạnh đó, do số lượng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp quá nhiều đã dẫn tới tình trạng website bị tê liệt, đường dây điện thoại bị tắc nghẽn và sự thiếu hụt về số lượng nhân viên xử lý đơn xin thất nghiệp.

Theo báo cáo mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/5, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng vừa qua đã tăng lên 14,7%, mức cao kỷ lục so với thời kỳ đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và vượt cả tỷ lệ thất nghiệp 10,8% của tháng 11/1982 - mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự đoán tăng trưởng GDP quý II/2020 của nước này có thể sẽ giảm gần 40% và ngay cả năm 2021, ước tính tỷ lệ thất nghiệp bình quân sẽ trên 10%.

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết thế giới hiện có hơn 436 triệu doanh nghiệp đối mặt với rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Vì thế, ước tính có khoảng 1,6 tỷ người lao động phi chính thức sẽ đứng trước nguy cơ thu nhập giảm sút. Số này chiếm 4/5 trong tổng số 2 tỷ lao động phi chính thức và gần 50% trong tổng số 3,3 tỷ lao động trên toàn cầu.

Báo cáo của ILO cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng (gây ra bởi đại dịch COVID-19) sẽ khiến thu nhập của những người lao động phi chính thức giảm trung bình 60%.

Trong đó, mức giảm cao nhất là ở châu Phi và châu Mỹ (81%) còn khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 21,6%, châu Âu và khu vực Trung Á giảm 70%. Nếu không có nguồn thu nhập khác, những lao động này và gia đình họ sẽ phải vật lộn để sinh tồn.

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế số một thế giới

Đại dịch Covid-19 đẩy không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng có trong nhiều năm qua, thậm chí dẫn tới làn sóng phá sản. Số liệu của tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P cho thấy trong 12 tháng (tính tới ngày 17/4/2020), tổng số nợ tới hạn mà các công ty Mỹ phải vi phạm khế ước vay nợ có lựa chọn lên tới 64,1 tỷ USD.

Dự kiến trong vài tháng tới, con số này sẽ đạt khoảng 340 tỷ USD, vượt qua mức nghiêm trọng nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009. Ngay cả trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, con số này có thể gần với mức đạt được sau khi bong bóng dotcom vỡ vào đầu những năm 2000.

Xem xét ở khía cạnh ngành nghề, các ngành nghề bị ảnh hưởng tương đối nặng từ dịch bệnh cũng phải đối mặt với tình trạng nợ nần nghiêm trọng.

Số liệu của Goldman Sachs cho thấy từ đầu tháng 3/2020 đến ngày 9/4/2020, các công ty Mỹ đã vay khoảng 230 tỷ USD, trong đó lớn nhất (khoảng 17%) là từ các công ty thuộc ngành công nghiệp ô tô, tiếp tới là các hãng bán lẻ (15%), các hãng du lịch và cung cấp dịch vụ giải trí (10%).

Bên cạnh tác động trong lĩnh vực kinh tế, đại dịch COVID-19 còn làm thay đổi logic giao dịch trên thị trường. Cổ phiếu của năm “ông lớn” công nghệ hàng đầu gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google hiện chiếm 20% giá trị thị trường chứng khoán Mỹ, thậm chí còn cao hơn mức kỷ lục (18%) của đạt được vào tháng 3/2000.

Mức độ tập trung của thị trường (vào một nhóm cổ phiếu) tăng lên bắt đầu gây ra những lo ngại của nhà đầu tư về tương lai. Bởi đối ngược với nhóm cổ phiếu công nghệ đang lập những kỷ lục mới, những cổ phiếu ở một số nhóm ngành khác lại hạ giá không phanh.

Trong một thị trường như vậy, nhà đầu tư rất khó lựa chọn. Vì cổ phiếu công nghệ liên tục tăng có thể đã vào vùng nguy hiểm, nhưng cũng không dám mua các cổ phiếu lao dốc bởi rất dễ “bắt dao rơi”.

Vào lúc này, theo nhà phân tích tài chính kinh tế chính trị độc lập Lâm Trác Phong ở Malaysia, đại đa số nhà giao dịch trong nghề tuân thủ bốn quy tắc giao dịch mới hình thành nhằm thích ứng với thị trường.

Một là mua các tài sản tài chính mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mua. Hai là thu hẹp phạm vi lựa chọn cổ phiếu. Ba là mua vào các cổ phiếu chất lượng cao và các cổ phiếu có sức cạnh tranh bền vững. Bốn là tránh đầu tư vào các cổ phiếu liên quan tới Liên minh châu Âu (EU), thị trường mới nổi, năng lượng và tài chính.

Thông báo về nội dung cuộc họp ngày 28-29/4 vừa qua của Fed cơ bản phù hợp với kỳ vọng của thị trường. So với thông báo ngày 15/3/2020, dự đoán của Fed về tình hình kinh tế Mỹ hiện nay bi quan hơn, nhưng lại không kèm theo hướng dẫn nào.

Chính sách của Fed hiện nay thiên về việc ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp vi phạm khế ước vay nợ, chứ không phải nặng về mục tiêu lạm phát. Trọng điểm vài tháng tới của Fed sẽ từ quản lý nguy cơ chuyển sang duy trì nới lỏng môi trường tài chính.

Thị trường như vậy sẽ kéo dài bao lâu, đa số không thể dự đoán chính xác. Việc kết thúc thời kỳ phong tỏa để phòng chống dịch bệnh rất có thể trở thành chất xúc tác kết thúc sự hồi phục của thị trường.

Xem xét tình hình hiện nay, thị trường chứng khoán Mỹ tuy tăng lên, nhưng phân hóa lưỡng cực nghiêm trọng, kết cấu thị trường không lành mạnh.

Cục diện như vậy có thể kéo dài hay không, các nhà đầu tư cần có chính kiến riêng của mình, nhưng phải nghiêm túc thay đổi tư duy giao dịch, nắm bắt chính xác các quy tắc mới của thị trường.

Xem thêm:  Hàn Quốc lo ngại mất kiểm soát tình trạng tái bùng phát Covid-19

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác