Điểm lại những lần giá thực phẩm tăng cao trong năm 2019

Văn Tứ - 24/12/2019 07:28 (GMT+7)

Năm 2019 chứng kiến nhiều mặt hàng tăng giá đột biến như thịt lợn, thịt gà, rau củ… Giá thực phẩm tăng cao đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân và người kinh doanh. Thời điểm cận Tết Nguyên đán Canh Tý (2020), người tiêu dùng lại chứng kiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm chế biến.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 trong 9 năm gần đây. Bình quân 11 tháng năm 2019, CPI tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018 và thấp nhất trong 3 năm gần đây.

CPI tăng là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn giảm. Theo đó, giá thịt lợn và thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao là nguyên nhân chính. Sau đây là những đợt tăng giá thực phẩm chế biếng ảnh hưởng lớn nhất năm 2019.

Cuối năm các loại thịt “thi đua” tăng giá

Mấy ngày gần đây, lần đầu tiên trong lịch sử ngành chăn nuôi, giá thịt heo cao hơn giá thịt bò.

Hiện giá lợn hơi ở miền Bắc đã vượt mức kỉ lục lên 90.000 đồng/kg, móc hàm 130.000/kg, mông sấn là 180.000 đồng/kg, giá sườn non loại 1 được tiểu thương bán với mức 280.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Giá lợn hơi tại các trang trại ở khu vực phía Nam lên mức 93.000-95.000 đồng/kg. Mức giá thịt lợn đã tăng 15.000-25.000 đồng/kg tùy loại so với đầu tháng 12, và hơn 55.000-65.000 đồng/kg so với thời điểm giữa năm. Việc tăng giá thịt lợn đã ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Nguyên nhân giá lợn tăng cao kỷ lục là do dịch tả lợn Châu phi thời gian gần đây đã làm tổng lượng đàn lợn cả nước giảm, nguồn cung thiếu hụt.

Giá thịt lợn tăng cao mức kỷ lục

Không chỉ thịt lợn tăng giá, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng giá theo như thịt bò tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cá nước ngọt đều tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Việc nhiều mặt hàng tăng giá cũng khiến các sản phẩm có nguyên liệu từ thịt lợn cũng đều tăng giá.

Nhiều người dân lo ngại, với đà tăng giá này, có lẽ Tết năm nay, giá thịt có nguy cơ tăng cao nữa, các hàng quán cũng theo đó nâng giá, ảnh hưởng rất nhiều tới sinh viên, người lao động có đời sống cũng rất khó khăn.

Thịt gà “chạy đua” tăng giá

Giá gà công nghiệp trong 10 ngày qua cũng tăng mạnh, từ 24.000 đồng/kg lên 40.000-45.000 đồng/kg. Gà lông màu tăng từ 36.000-38.000 đồng/kg lên 55.000-60.000 đồng/kg. Hiện giá gà đang tăng thêm 6.000 đồng so với tuần trước đó, đẩy giá gà hơi lông trắng lên đỉnh 42.000 đồng một kg, cao nhất trong 11 tháng qua. Do giá xuất chuồng tăng cao nên giá thịt gà bán lẻ trên thị trường cũng tăng cao.

Sau khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi gà. Hiện nay, tổng đàn gà của Hà Nội có khoảng 23,5 triệu con, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thịt gà tăng giá cao dịp gần Tết 

Năm 2019, Việt Nam dự kiến nhập khẩu khoảng 150.000 tấn thịt gà. Đặc biệt, trong cơ cấu thịt gà nhập khẩu, thịt gà đùi được nhập nhiều với sản lượng khoảng 90 nghìn tấn. Đây là loại thịt gà nhập khẩu tiêu thụ tốt nhất trong số thịt gà nhập khẩu, nêm có khả năng cạnh tranh với thịt gia cầm trong nước.

Như vậy, với các yếu tố như: Vòng sản xuất ngắn, tổng đàn lớn, số lượng thịt gà nhập khẩu cao... sẽ không lo nguồn cung thịt gà thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Rau, củ tăng giá mạnh

Thời điểm giữa năm 2019, giá rau xanh, củ, quả tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội tăng giá mạnh, có loại tăng gấp đôi.

Rau muống được bán phổ biến là 10.000 đồng/mớ so với mức 6.000 đồng/mớ trước đây; mướp và đỗ đũa cùng có giá 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng; giá bắp cải tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; khoai tây 13.000 đồng, tăng 5.000 đồng; cà tím 18.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng; cà rốt 15.000 đồng/kg; giá cà chua tăng gần gấp đôi lên 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá rau sống tăng từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng/kg...

Rau củ tăng giá mạnh do bão

Nguyên nhân là do vào thời điểm này, Hà Nội đang trong tâm mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3. Mưa lớn đã khiến nhiều diện tích rau xanh bị dập, nát; không ít loại cây đang thời kỳ ra hoa cũng bị ảnh hưởng nặng. Vì vậy, nguồn cung thực phẩm rau củ khan hiếm, khiến giá các mặt hàng này tăng cao.

Xem thêm >> Giá thịt lợn tăng phi mã: Một tuần tăng 10.000 đồng/kg

Theo An ninh Thủ đô
Cùng chuyên mục
Tin khác