Điểm tên đại gia bất động sản sở hữu vốn lớn ở các ngân hàng
Khánh Tú -
31/08/2024 14:30 (GMT+7)
(VNF) - Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chi hàng nghìn tỷ để sở hữu cổ phần của các ngân hàng. Điều này được thể hiện rõ qua danh sách các cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên của các ngân hàng được công khai theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024.
Loạt DN bất động sản là cổ đông lớn của ngân hàng
Trước 1/7/2024, các ngân hàng chỉ phải công khai danh sách những cổ đông nắm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024, việc công khai thông tin phải áp dụng với cả những cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên.
Đáng chú ý, trong danh sách công bố thông tin cổ đông lớn của nhiều ngân hàng theo quy định mới đã xuất hiện không ít những “tên tuổi” lớn trong ngành bất động sản.
Đầu tiên phải kể đến sự hiện diện của Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền trong cơ cấu cổ đông lớn của ABBank. Theo thông tin mà ABBank công bố, trong ba cổ đông tổ chức của ngân hàng, có tới hai doanh nghiệp là của ông Vũ Văn Tiền, bao gồm Tập đoàn Geleximco và Công ty Cổ phần Glexhomes nắm giữ tổng cộng hơn 17% vốn điều lệ. Trong đó, Tập đoàn Geleximco nắm giữ 12,78% và Công ty cổ phần Glexhomes nắm giữ 4,43%.
Glexhomes là thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Geleximco. Theo giới thiệu trên website, Glexhomes tiền thân là Công ty Cổ phần Ngôi Sao An Bình được thành lập năm 2009 bởi cổ đông sáng lập là Tập đoàn Geleximco. Glexhomes hoạt động trong lĩnh vực Đầu tư, hợp tác Đầu tư và Phát triển Dự án Bất động sản, tư vấn Chiến lược, quản lý Marketing, Bán hàng và Quản lý vận hành, Khai thác các Dự án Bất động sản. Công ty này cũng chuyên quản lý và marketing cho các dự bán bất động sản do Geleximco phát triển như dự án An Bình Plaza, Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Hải An Center, …
Tại MSB, tất cả 9 cổ đông nắm giữ hơn 1% vốn của ngân hàng đều là cổ đông tổ chức. Tuy nhiên, trong đó, có 5 trên 9 cổ đông là các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bất động sản, bao gồm Công ty Cổ phần ROX Key Holdings với 2,43% vốn và người liên quan với gần 1% vốn; Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL với 1,08% vốn và người liên quan với 1,66% vốn; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons với 1,87%; Công ty TNHH Khu Nghỉ Dưỡng Bãi Dài với 4,96% vốn và Công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hà Nội – Đài Tư với 4,98% vốn. Ngoài ra, quỹ ngoại Bueravista Holdings limited nắm giữ 2,02% vốn của MSB cũng đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Trong đó, 3 công ty là Công ty Cổ phần ROX Key Holdings, Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons đều liên quan đến ROX Group, tiền thân là TNG Holdings Vietnam – ông lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Trong danh sách 20 cổ đông nắm giữ hơn 1% vốn của OCB, có 3 doanh nghiệp bất động sản là Công ty Cổ phần Đầu tư Bình An House với 4,74%, Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh với 3,24%, Công ty Cổ phần Next Green Capital với 2,89%.
Đáng nói, CTCP Next Green Capital có người đại diện là ông Nguyễn Đức Toàn, trùng tên với cổ đông cá nhân Nguyễn Đức Toản hiện đang nắm giữ 3,627% vốn điều lệ của OCB. Người liên quan đến ông Toàn cũng sở hữu tới 3,784% vốn điều lệ.
Eximbank cũng là ngân hàng có sự hiện diện của doanh nghiệp bất động sản, cụ thể là Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex. Doanh nghiệp này hiện đang là cổ đông lớn nhất của Eximbank khi nắm giữ tới 10% vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính những năm qua của Gelex, bất động sản là một trong những mảng chủ lực của tập đoàn này. Gelex còn hoạt động tích cực trong mảng thiết bị điện, vật liệu xây dựng, năng lượng, nước sạch và hạ tầng khu công nghiệp.
Ngoài ra còn có HDBank khi Công ty Cổ phần Sovico (Sovico Holdings) nằm trong danh sách nhóm cổ đông nắm giữ hơn 1% vốn điều lệ. Theo thông tin công bố, hiện Công ty Cổ phần Sovico đang nắm giữ 14,27% vốn của HDbank, nhiều hơn hẳn 2 cổ đông lớn còn lại là Baillie Gifford Pacific Fund với 2,19% và Pyn Elite Fund (Non-UCITS) với 2,2%.
Sovico Holdings là doanh nghiệp hoạt động đa ngành, từ hàng không, bất động sản và công nghiệp,… đến tài chính. Sovico Holdings còn được biết đến là doanh nghiệp “thân thiết”, nằm trong hệ sinh thái liên quan đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Minh bạch để ngăn chặn sở hữu chéo
Việc nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chi hàng nghìn tỷ để ôm cổ phần của các ngân hàng không phải là chuyện mới.
Song, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích và rủi ro hệ thống, đặc biệt nếu các dự án bất động sản gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính của ngân hàng và cả hệ thống tài chính.
Câu chuyện giữa SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có thể được xem là bài học “để đời”. Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, pháp nhân, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công ty tài chính để cung cấp cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát. Trong vòng 10 năm, từ năm 2012 – 2022, SCB đã giải ngân hơn 1.066 nghìn tỷ đồng cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, chiếm 93% tổng số tiền cho vay của ngân hàng. Chính điều này đã làm thiệt hại cho SCB tới 498.000 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có thể nói đến vụ việc của Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Toàn Cầu (GP Bank) vào năm 2015.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 yêu cầu công khai, minh bạch thông tin đối với cổ đông sở hữu từ 1% trở lên là cần thiết để phòng ngừa câu chuyện đầu tư núp bóng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, sân sau, thậm chí là thao túng ngân hàng.
“Quy định công bố thông tin cổ đông từ 1% trở lên sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu sở hữu, từ đó đánh giá chính xác hơn rủi ro và tiềm năng của ngân hàng. Đồng thời, việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông và người có liên quan sẽ hạn chế khả năng thao túng ngân hàng của một nhóm cổ đông”, các chuyên gia Chứng khoán VPBanks nói.
Song, cũng có không ít ý kiến cho rằng, công bố thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên chỉ mới làm rõ bề nổi. Để đưa sở hữu chéo ngân hàng ra ánh sáng, vẫn cần phải có hệ thống quản lý, công cụ giám sát cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và các bộ ngành liên quan.
(VNF) - Dự án Trung tâm Thương mại và du lịch quốc tế Đồng bằng sông Hồng vốn là "niềm tự hào" của Tập đoàn Năm Sao, nhưng gần hai thập kỷ trôi qua vẫn bị "đắp chiếu" bỏ mặc cỏ dại mọc dày.
(VNF) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khai thác dư địa chính sách tài khoá, nghiên cứu huy động thêm khoảng 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược.
(VNF) - Theo công ty nghiên cứu Ned Davis Research (NDR), dù ứng cử viên nào chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay thì thị trường chứng khoán cũng sẽ tăng trưởng vào năm 2025.
(VNF) - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ.
(VNF) - Trước những tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường trên thế giới về phát triển bền vững, khiến các DN Việt Nam phải quan tâm tìm hiểu và tiến tới thực thành ESG. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này còn nhiều rào cản và dường như DN đang chưa biết phải “xuất phát” ra sao
(VNF) - Ông Vũ Thế Phiệt được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thay thế cho ông Lại Xuân Thanh - người vừa nghỉ hưu từ 1/9.
(VNF) - Cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 1/2023. Hiện các nhà thầu đang khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 30/4/2025, vượt tiến độ 8 tháng.