‘Điều hành giá xăng theo ngày là tham vọng khó thực hiện’

Kỳ Thư - 11/11/2022 08:48 (GMT+7)

(VNF) - Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng,cơ chế điều hành xăng dầu theo ngày khó thực hiện bởi điều hành giá xăng dầu còn phụ thuộc vào quỹ bình ổn, sự điều tiết giá của Nhà nước để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

VNF
Tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu vẫn tiếp tục diễn ra tại các thành phố lớn lẫn vùng xa, vùng sâu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu về kỳ điều hành giá xăng dầu có thể rút xuống còn 5 ngày hoặc theo hàng ngày để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.

Vấn đề điều hành giá xăng dầu cũng như hiện tượng đứt gãy nguồn cung, nhiều cửa hàng xăng dầu tại các thành phố lớn mở bán nhỏ giọt, thậm chí đóng cửa hết hàng nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. 

Về đề xuất điều hành giá xăng dầu xuống còn 5 ngày hoặc theo ngày, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng cần có sự tính toán cụ thể với các chuyên gia kinh tế.

“Niên độ điều hành giá càng ngắn thì bắt nhịp với thế giới càng nhanh, giá xăng dầu sẽ sát với thị trường quốc tế hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều khâu phân phối từ các đầu mối đến phân phối đến đại lý...”, đại biểu nhìn nhận.

Chưa kể ông cho biết với chính sách điều hành hiện nay, nếu vẫn giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước sẽ không thể bằng với giá xăng quốc tế.

“Còn mức giá điều chỉnh theo quỹ bình ổn thì phải có cơ chế vận hành của các bộ, ban ngành. Thời gian điều hành giá cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng của các đơn vị này", ông Huân nói.

Bên cạnh đó, ông Huân cho rằng việc điều hành giá xăng theo ngày là "tham vọng" khó thực hiện bởi điều hành giá xăng dầu còn phụ thuộc vào quỹ bình ổn, sự điều tiết giá của Nhà nước để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

"Nếu điều hành giá xăng theo ngày, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ chi phối giá các mặt hàng khác trong nước", ông Huân cho biết thêm.

Liên quan đến câu chuyện bán nhỏ giọt xăng dầu thời gian qua, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hiện nay, không chỉ câu chuyện của riêng Bộ Công Thương mà do công thức tính giá cơ sở xăng dầu không đáp ứng kịp giá thị trường và cơ chế sử dụng quỹ bình ổn giá mất thời gian, liên quan đến 7 bộ, ngành.

Hơn nữa, hiện nay giá xăng dầu thế giới và chi phí vận chuyển đang biến động làm giá thay đổi và chúng ta siết chặt khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu không còn từ đó giảm nguồn cung trong nước.

Do đó, đại biểu cho rằng các bộ, ngành cần bàn bạc tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu xăng dầu sẽ có được giải pháp xử lý căn cơ.

Liên quan đến câu chuyện giá xăng dầu, trong diễn biến mới nhất, vào tối qua (10/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra sau khi Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, các Phó thủ tướng tình hình thông tin, báo chí, dư luận xã hội liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về điều chỉnh giá xăng dầu và việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương.

Theo báo cáo, sau 3 lần điều chỉnh, giá xăng và các mặt hàng dầu trong nước đồng loạt đi lên trong kỳ điều hành ngày 1/11; giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 22.750 đồng. Tuy nhiên, đến tối 1/11, nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội vẫn "hết hàng" hoặc bán nhỏ giọt.

Về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu, báo cáo cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để phân giao sản lượng nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu thị trường cuối năm.

Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dù kêu lỗ nặng trong 9 tháng đầu năm nay nhưng vẫn được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất với 2.145.000 triệu m3/tấn.

Cùng chuyên mục
Tin khác