'Định hình' những mảnh ghép trong bức tranh tăng trưởng tương lai của Techcombank
Minh Tâm -
07/11/2019 11:17 (GMT+7)
(VNF) - Bên cạnh động lực tăng trưởng đến từ "mỏ neo" là các doanh nghiệp lớn, nguồn thu ngoài lãi từ các mảng bảo hiểm, thẻ, thanh toán... cũng là những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tăng trưởng tương lai của Techcombank.
"Sự phân hóa trong hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng rõ nét hơn khi một số ngân hàng bứt phá với kết quả kinh doanh khởi sắc (nhờ giảm chi phí dự phòng và/hoặc ghi nhận lợi nhuận lớn từ việc thu hồi nợ đã xử lý và từ các thỏa thuận độc quyền bán chéo bảo hiểm - bancassurance), mở rộng quy mô và cải thiện chất lượng tài sản.
Trong khi đó một số ngân hàng vẫn đang chững lại để tiếp tục xử lý nợ xấu tồn đọng, tái cấu trúc hoạt động cũng như quản trị điều hành", báo cáo mới đây của công ty chứng khoán ACBS đưa ra nhận định tổng quan đáng chú ý.
Trong số này, Techcombank là một trong những ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu cũ và sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng kế tiếp.
Động lực nào giúp Techcombank tăng trưởng trong những năm tới?
ACBS bày tỏ lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong 4 năm tới của Techcombank cũng như triển vọng tăng giá của cổ phiếu TCB trong năm 2020, dựa trên một số đánh giá.
Thứ nhất, Techcombank đã chuẩn bị tốt để tuân thủ Basel II trước thời hạn (áp dụng từ 7/2019) về tiềm lực tài chính với hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 15,6% (hết tháng 6/2019), cũng như chuẩn bị tốt về quản trị và điều hành.
Thứ hai, Techcombank có một chiến lược kinh doanh rõ ràng với mục tiêu tham vọng.
Cụ thể, ngân hàng này xây dựng chiến lược dựa trên chuỗi giá trị của các khách hàng Bán buôn vốn có vị thế cao trong ngành như Vingroup, Masan, Vietnam Airlines,... nhờ đó có thể mở rộng cơ sở khách hàng với chi phí thấp hơn đối thủ cũng như dịch chuyển cơ cấu doanh thu sang thu nhập ngoài lãi nhờ đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu khách hàng.
Thứ ba, Techcombank có dấu ấn trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản với thị phần lớn nhất cả trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp (28% trong 2018 – tính cả trái phiếu ngân hàng) và thứ cấp (82% thị phần trên sàn HoSE).
Trong khi đó, TechcomCapital quản lý 4 quỹ đầu tư, trong đó TCBF là quỹ trái phiếu nội có quy mô lớn nhất và hiệu quả nhất.
Thứ tư, Techcombank là ngân hàng kiểm soát khá tốt chi phí hoạt động với tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR) thuộc nhóm thất nhất trong hệ thống (CIR 32% trong 2018 và 35% trong 9T2019). Trong khi đó ngân hàng lại dẫn đầu về con số lợi nhuận trên mỗi nhân viên (Lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng/nhân viên đạt 1,38 tỷ đồng năm 2018).
Riêng về thu nhập ngoài lãi, ACBS kỳ vọng thu nhập ngoài lãi của Techcombank sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20% từ năm 2020.
Chi tiết hơn, ở mảng trái phiếu doanh nghiệp, với vị thế dẫn đầu trên thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp cùng quan hệ hợp tác bền vững với các doanh nghiệp hàng đầu như Vingroup, Masan vốn có nhu cầu huy động lớn từ thị trường trái phiếu, ACBS kỳ vọng Techcombank sẽ tận dụng tốt cơ hội trong một thị trường trái phiếu đang tăng trưởng mạnh.
Ở mảng bảo hiểm, hợp đồng độc quyền 15 năm bancassurance từ năm 2017 đã giúp Techcombank hiện thực hóa một phần tiềm năng từ thị trường bảo hiểm Việt Nam. ACBS dự báo ngân hàng này sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 20-30%/năm trong giai đoạn 2020 - 2023.
Với mảng thẻ, dịch vụ thẻ đã đóng góp khoảng 11% tổng thu nhập phí của Techcombank năm 2018 và tăng lên 16% trong 6 tháng đầu năm 2019.
"Techcombank nằm trong nhóm 10 ngân hàng có số lượng thẻ tài chính phát hành nhiều nhất tại Việt Nam. Lợi thế cơ sở khách hàng thuộc phân khúc thu nhập cao và trung cao sẽ giúp Techcombank thúc đẩy thu nhập từ hoạt động này trong giai đoạn 2020 - 2023", ACBS nêu nhận định.
Ngoài ra, việc chú trọng đầu tư vào nền tảng giao dịch cùng các chiến dịch marketing đã khuyến khích khách hàng chọn Techcombank làm ngân hàng giao dịch chính, từ đó tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tăng thu nhập phí khác.
Giai đoạn 2016 - 2018, thu nhập phí dịch vụ thanh toán và tiền mặt của Techcombank tăng trưởng bình quân 16%/năm. ACBS kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ đạt khoảng 30%/năm trong 4 năm tới. Trong khi đó, CASA được kỳ vọng tăng lên mức 36% năm 2021.
Những lưu ý ẩn sau cơ cấu tín dụng
Bên cạnh động lực tăng trưởng, trong báo cáo nhận định lần đầu về Techcombank và cổ phiếu TCB, ACBS cũng bóc tách nhiều điểm đáng lưu ý trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng này.
Đầu tiên, ACBS lưu ý rằng mặc dù phân khúc khách hàng đang dịch chuyển theo hướng bán lẻ nhưng khách hàng Bán buôn vẫn rất quan trong đối với Techcombank.
Theo đó, nhóm này chiếm khoảng 53% dư nợ tín dụng của Techcombank, trong đó dư nợ tín dụng tính cả dư nợ cho vay và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Thêm vào đó, tính toán của ACBS cho thấy, nhóm khách hàng Bán buôn đóng góp tới 64% vào tổng tăng trưởng tín dụng chung của Techcombank giai đoạn 2015 - 2018; trong khi dư nợ bán lẻ đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân lần lượt đóng góp 25% và 11%, thấp hơn nhiều mức đóng góp của nhóm khách hàng bán buôn.
Về cơ cấu tín dụng theo nhóm ngành, ACBS lưu ý rằng cho vay mua nhà là trụ cột phân khúc khách hàng cá nhân của Techcombank.
Theo đó, cho vay mua nhà đóng góp 73% dư nợ cho vay cá nhân và 33% tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank trong năm 2018, tăng mạnh so với con số 55% và 25% tương ứng vào năm 2015.
ACBS nhấn mạnh: "Do khách hàng mục tiêu của Techcombank là nhóm thu nhập trung bình cao và cao nên các dự án bất động sản mà Techcombank hướng đến thuộc phân khúc A và B, đặc biệt là các dự án được phát triển bởi khách hàng "mỏ neo" như Vingroup".
Tuy nhiên, phân khúc khách hàng mục tiêu của Techcombank có thể chuyển dịch xuống nhóm thu nhập trung bình, theo chiến lược phát triển thêm các dự án thuộc phân khúc vừa túi tiền của Vinhomes (thuộc Vingroup).
Vingroup đang là "mỏ neo" giúp Techcombank khai thác khách hàng mua nhà có thu nhập trung bình cao và cao
Công ty chứng khoán này lưu ý rằng, trong thời gian tới, hoạt động cho vay mua nhà của Techcombank có thể gặp phải một số chướng ngại.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước định hướng siết chặt tín dụng đến các ngành rủi ro, trong đó có bất động sản.
Thứ hai, Vingroup bán sỉ hoặc tìm các nhà đầu tư thứ cấp phát triển các dự án của mình khiến Techcombank có thể mất đi lợi thế tài trợ trong các dự án của Vingroup.
Thứ ba, việc mở rộng xuống phân khúc nhà ở vừa túi tiền kéo theo phân khúc khách hàng vay mua nhà của Techcombank có khả năng di chuyển xuống nhóm thu nhập trung bình, sẽ ảnh hưởng đến chi phí tín dụng của Techcombank so với cơ sở khách hàng hiện tại.
Tuy nhiên, ACBS cho rằng nhờ nền tảng vốn mạnh, Techcombank có thể đáp ứng yêu cầu vốn đối với danh mục cho vay có hệ số rủi ro cao, do vậy, cho vay mua nhà vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng của Techcombank trong giai đoạn tới.
Liên quan đến rủi ro tập trung tín dụng, ACBS đánh giá chiến lược phát triển hiện tại khá thành công, đem lại kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng cho Techcombank trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại về rủi ro tập trung tại Techcombank do hoạt động kinh doanh của ngân hàng này được mở rộng và phát triển dựa trên một số ít doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là lĩnh vực rủi ro.
Đơn cử như hệ sinh thái bất động sản đóng góp khoảng 51% dư nợ cho vay khách hàng (6 tháng đầu năm 2019). Phân khúc bán buôn đóng góp 53% dư nợ tín dụng điều chỉnh năm 2018.
Riêng Vingroup chiếm khoảng 30% trong tổng lượng trái phiếu tư vấn phát hành bởi Techcombank năm 2018. Các lĩnh vực mục tiêu của Techcombank khá tương đồng với lĩnh vực kinh doanh của nhóm Vingroup như bất động sản (Vinhomes), bán lẻ (VinCommerce), ô tô (VinFast), điện tử (VinSmart), du lịch và nghỉ dưỡng (Vinpearl)...
Techcombank cho biết vấn đề rủi ro tập trung của ngân hàng nằm trong tầm kiểm soát và các hệ số phản ánh vấn đề này đều tốt hơn yêu cầu của cơ quan chức năng. Cùng với đó, khách hàng phân khúc bán buôn có hoạt động kinh doanh khá đa dạng với xếp hạng tín dụng tốt, các khách hàng khác trong chuỗi giá trị có sự đa dạng về lĩnh vực kinh doanh cũng như đa dạng phân khúc khách hàng.
Tuy nhiên, ACBS cho rằng mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và khả năng thu hồi tài sản thế chấp của khách hàng có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ tín nhiệm/uy tín của doanh nghiệp "mỏ neo", do đó, đây cũng là vấn đề cần chú ý khi đầu tư vào Techcombank.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.