DN Việt ghi danh vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi hàng tỷ USD

Xuân Thạch - 03/12/2024 18:00 (GMT+7)

(VNF) - Không chỉ hút nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng mang lại cơ hội cho các DN trong nước chuỗi cung ứng hàng tỷ USD. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam có thể lên đến 40% và tiềm năng tăng lên trong vài năm tới

Nội địa hoá điện gió ngoài khơi

Mới đây, ngày 1/12 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự sự kiện dầu khí và điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC, thành phố Vũng Tàu, với quy mô lên tới hàng tỷ USD của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - PVS).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự sự kiện dầu khí và điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC. Ảnh: PVN

Cụ thể, PTSC đã hạ thủy và bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi thuộc dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi, ghi danh Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới.

Tiếp theo thành công tại dự án điện gió ngoài khơi CHW2204, PTSC đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ điện gió cho dự án điện gió ngoài khơi (quy mô lớn hơn dự án CHW2204) của khách hàng quốc tế tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, PTSC cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới. Cùng với đó là lễ ký hợp đồng FSO (tàu chứa dầu) Lạc Đà Vàng.

“Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp ĐGNK sang Châu Âu, thị trường hàng đầu thế giới về ĐGNK, bên cạnh 5 trạm biến áp khác đã và đang xuất khẩu sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, đại diện PVN khẳng định.

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách Phát triển Chuỗi Cung ứng của Tập đoàn CIP tại Việt Nam, cho biết, mặc dù Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi được xây dựng, nhưng một số doanh nghiệp Việt đã chủ động tham gia, từng bước làm chủ công nghệ trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng của ngành điện gió ngoài khơi.

Cũng theo ông Bách, các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh năng lực của mình qua việc PTSC thành công chế tạo móng chân đế tuabin và trạm biến áp ngoài khơi, hay CS Wind Việt Nam sản xuất tháp tuabin xuất khẩu ra các thị trường quốc tế (như Châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan…) với yêu cầu, chất lượng khắt khe.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có năng lực thực hiện thì các hạng mục của khác của dự án như trạm biến áp trên bờ, dịch vụ cảng biển - vận chuyển - logistics, công tác vận hành và bảo trì…

Ông Bách khẳng định, trường hợp các dự án ĐGNK của Việt Nam trong tương lai có đủ sức hấp dẫn về tổng công suất lắp đặt, cùng với một kế hoạch thực hiện rõ ràng thì các nhà cung cấp lớn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc đầu tư các nhà máy sản xuất lắp ráp tuabin, sản xuất cánh, cáp biển cao thế tại Việt Nam… Và điều này sẽ giúp cho các dự án ĐGNK giảm chi phí và tiết kiệm thời gian vận chuyển, đồng thời cũng góp phần chuyển giao công nghệ và tạo ra nhiều việc làm mới, ổn định cho nguồn nhân lực trong nước.

“Đây cũng là nền tảng cơ bản để các doanh nghiệp Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng cho các dự án ĐGNK”, ông Bách nhấn mạnh.

Dự án điện gió ngoài khơi Changfang & Xidao được cho là có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Đài Loan

Trước đó, theo một đại diện khác của CIP, dự án Changfang & Xidao nằm cách bờ biển phía tây Đài Loan 11 km, với tổng công suất gần 600 MW đã được khánh thành.

Khi được hỏi về tỷ lệ nội địa hoá của dự án này, đại diện CIP cho biết, thời điểm năm 2021 khi mới triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, chính phủ Đài Loan yêu cầu để dự án được cấp phép thì các nhà đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hoá trên 50%. Tuy nhiên con số này là không khả thi, vì khi đó các nhà sản xuất trong nước của Đài Loan họ chưa sản xuất được các thiết bị phục vụ cho dự án và cũng chưa có kinh nghiệm trong việc này.

Tuy nhiên, đến thời điểm 2024 tỷ lệ này đã thay đổi đáng kinh ngạc, đây là dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Đài Loan. Cùng với đó, trong quá trình xây dựng, nhóm phát triển dự án đã chuyển giao thành công kinh nghiệm và công nghệ quốc tế cho Đài Loan và thúc đẩy sự trưởng thành của chuỗi cung ứng trong nước

Cơ hội chuỗi cung ứng tỷ USD cho các doanh nghiệp Việt

Theo ông Trần Xuân Bách, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nó góp phần tích cực vào mục tiêu của chính phủ sẽ hướng tới Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Đầu tiên, lợi thế có nhiều hệ thống cảng biển, các khu căn cứ cảng lớn có sẵn hạ tầng thi công công trình biển như: Trung tâm cảng Hạ lưu PTSC, Cảng Ba Son, Cảng Vĩnh Tân, Cảng Nghi Sơn, Cảng Hải Phòng… đều là các cảng biển nước sâu, phù hợp cho các tàu lớn cập cảng hạ thủy và xếp dỡ hàng hóa. Những cảng trên có thể mở rộng, nâng cấp để phục vụ các dự án ĐGNK, tuy nhiên, cần có kế hoạch và chiến lược đầu tư phù hợp để kịp thời đáp ứng tiến độ của các Dự án ĐGNK trong thời gian tới.

Thứ hai, như đã chia sẻ ở trên, một số doanh nghiệp Việt đã thành công tham gia vào chuỗi cung ứng cho các dự án ĐGNK và nhiều doanh nghiệp đang sản xuất trong các lĩnh vực tương tự có thể chuyển đổi để tham gia vào chuỗi cung ứng như sản xuất kết cấu thép, thiết bị điện, cáp điện…

Thứ ba, lực lượng lao động của Việt Nam có tay nghề chuyên môn và tính cạnh tranh cao, linh hoạt trong chuyển đổi, cùng với sự bổ sung nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường đại học lớn như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa - ĐHQG TPHCM, Đại học Điện Lực, Đại học Hàng Hải, Đại học Xây dựng Hà Nội… và các trường cao đẳng, trường dạy nghề trong cả nước cũng là một lợi thế lớn để Việt Nam từng bước xây dựng nhân tố con người để từng bước chuyển giao làm chủ công nghệ hoàn thiện chuỗi cung ứng cho các Dự án ĐGNK.

Thứ tư, sau khi hoàn thành xây dựng, công tác vận hành và bảo trì đóng vai trò rất quan trọng, chiếm phần lớn thời gian hoạt động của dự án (20 -35 năm). Đây là hạng mục Việt Nam đã có kinh nghiệm cho phần trạm biến áp trên bờ và hoàn toàn có thể làm tốt cho phần ngoài biển từ kinh nghiệm từ ngành dầu khí, công trình điện gió gần bờ.

Nhiều cơ hội tỷ USD cho các doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi. Ảnh: PTSC

Trong một báo cáo mới nhất của World Bank về lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam, hầu hết các khoản đầu tư chiến lược sẽ xảy ra trước năm 2030.

Cơ hội cho Việt Nam rất có thể sẽ đến trong chuỗi cung ứng, ví dụ cáp hạ thế dùng bên trong cho tất cả các đơn vị cung cấp tuabin, hoặc cung cấp vật liệu composite, các doanh nghiệp Việt có thể kể đến như Triac Composites và An Việt Long cung cấp các sản phẩm sợi carbon, hay như CS Wind có một nhà máy sản xuất cột và tháp điện gió lớn nhất Đông Nam Á.

Cung cấp móng trong nước cũng mang lại các lợi ích về hậu cần, đặc biệt việc vận chuyển giàn chân đế rất tốn kém. Việt Nam có kỹ năng tốt trong chế tạo thép, nhất là từ công nghiệp đóng tàu và dầu khí. Các công ty Việt Nam có cơ hội lớn trong chế tạo móng và có thể tham gia là Alpha ECC, Công ty xây lắp dầu khí PetroVietnam, PV Shipyard, và Vietsovpetro.

Mới đây, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho thấy các hạng mục có thể đảm nhận như giàn công nghệ trung tâm (CPP), giàn khai thác, chế tạo chân đế ĐGNK.

Trao đổi tại 1 diễn đàn về năng lượng bền vững gần đây, ông Stuart Livesey - Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam cho rằng, các chính sách về điện gió ngoài khơi được chính phủ khuyến khích, khơi thông, cho phép thăm dò triển khai, cơ hội ít nhất hàng tỷ USD sẽ được đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam cho đến năm 2030.

Hiện nay các nhà đầu tư từ EU, Mỹ…sẵn sàng đến khu vực này làm năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và cũng có những công ty sản xuất toàn cầu phải có năng lượng xanh thì họ mới đến.

“Nếu nhà nước vẫn chưa đưa ra được chính sách chúng tôi cần để tiến hành triển khai, thì rất có thể nhiều dự án sẽ bị hoãn lại 4-5 năm, mất đi dòng vốn lớn đổ vào nền kinh tế, nguy hiểm hơn cơ hội này hoàn toàn có thể sẽ dành cho các quốc gia khác”, ông Stuart Livesey nhấn mạnh thêm

Trước cơ hội lớn, Việt Nam nguy cơ 'mất' hàng chục tỷ USD đầu tư

Trước cơ hội lớn, Việt Nam nguy cơ 'mất' hàng chục tỷ USD đầu tư

Đầu tư
(VNF) - Có tiềm năng, hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng bền vững, ước tính thị trường cần nhu cầu vốn khoảng 400 – 500 tỷ USD cho đến năm 2050... phát triển điện gió ngoài khơi là một cơ hội lớn của Việt Nam. Tuy vậy, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có nguy cơ hụt “mất” hàng chục tỷ USD, bởi chưa có hành lang pháp lý cho loại hình năng lượng sạch này.
Cùng chuyên mục
Tin khác