Giao Tập đoàn Dầu khí thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi
(VNF) - Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo về các thủ tục cần thiết để giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về giải quyết vướng mắc phát triển điện gió ngoài khơi.
Theo đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Công Thương cùng PVN báo cáo, đề xuất với Thủ tướng việc giao tập đoàn này khảo sát, thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi.
"Từ nay đến 2030 không còn nhiều, việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi rất cần thiết để bảo đảm thực hiện quy hoạch", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Công Thương cùng các bộ ngành cũng được giao nghiên cứu các quy định cần sửa tại Luật Điện lực và luật khác liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý cho các dự án năng lượng, gồm điện gió ngoài khơi.
Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam may mắn sở hữu điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Nơi đây có vận tốc gió lớn hơn các khu vực khác và do đó tạo ra nguồn điện lớn hơn, đồng thời có thể cung cấp giá điện sạch tốt hơn cho người tiêu dùng nhờ nguồn gió ổn định.
Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến 2030 khoảng 6.000 MW. Nhưng đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều bước tiến. Chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao đầu tư.
Hồi tháng 7, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án chọn nhà đầu tư thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi, trong đó có phương án chọn PVN. Bộ này cho rằng một số hạng mục, công trình của loại nguồn điện này tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi, nên PVN có lợi thế về nguồn lực triển khai dự án thí điểm.
Song theo nhà chức trách, trường hợp giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cần đánh giá, điều chỉnh chủ trương lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh của tập đoàn này. Ngoài ra, PVN cũng phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu đặc trưng của ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Bộ Công Thương tính toán, tăng trưởng nguồn điện phải đạt 10-12% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng Việt Nam cần phải tập trung đầu tư các dự án nguồn điện từ sớm, bảo đảm nhu cầu phát triển trong tương lai. Trong đó, các nguồn ưu tiên gồm năng lượng tái tạo có khả năng làm điện nền như điện gió ngoài khơi, khí LNG. Việc này cũng nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải về 0% vào năm 2050.
Điện gió ngoài khơi được phân bổ theo vùng tại kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Trong đó, Bắc Bộ được phân bổ 2.500 MW, Trung Trung Bộ 500 MW, Nam Trung Bộ 2.000 MW và Nam Bộ 1.000 MW.
Tập đoàn năng lượng số 1 Na Uy huỷ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
- Xong dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Châu Á - Thái Bình Dương, CIP tham vọng rót 10,5 tỷ USD vào Việt Nam 25/05/2024 02:00
- Đề xuất hai dự án điện gió ngoài khơi gần 10 tỷ USD ở Bình Định 23/12/2023 04:49
- 'Đại gia' Đan Mạch muốn rót 10,5 tỷ USD làm điện gió ngoài khơi tại Việt Nam 03/12/2023 02:38
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.