Gom gió tạo điện: Nên làm gì để không phí 'lộc trời ban'?

Mai Lý - 18/08/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Quy hoạch điện VIII đã đưa ra tầm nhìn đầy tham vọng cho ngành điện gió ngoài khơi đến năm 2030 tại Việt Nam. Để hiện thực hóa tham vọng này, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai những giải pháp đột phá và quyết liệt hơn. Đây là thời điểm quyết định!

Gần đây, các “ông lớn” điện gió nước ngoài liên tục tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Australia vào tháng 3/2024, Corio Generation, một công ty con thuộc Tập đoàn Macquarie của Australia, đã và đang phát triển trên 30 GW điện gió ngoài khơi trên toàn cầu - cùng với Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) đã ký kết, công bố “Biên bản Ghi nhớ (MOU)” về hợp tác phát triển một dự án điện gió ngoài khơi thí điểm tại Bình Thuận. Đại diện của Công ty Corio Generation cũng đã tới Việt Nam ngay sau khi ký kết MOU với EVNGENCO 3 để làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy, triển kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Vào tháng 4/2024, đại diện Công ty Zarubezhneft, doanh nghiệp có hơn 40 năm hợp tác cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), đã bày tỏ mong muốn phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam. Hay như Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch, một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với trọng tâm là điện gió ngoài khơi với Petrovietnam.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư lớn, bao gồm cả những tập đoàn năng lượng nước ngoài cũng thăm dò và đề xuất đầu tư những dự án về điện gió quy mô lớn ở nhiều vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Điều này phản ánh rõ nét sự hấp dẫn của ngành công nghiệp này trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Tiềm năng song hành thách thức

Đứng trước tiềm năng to lớn của điện gió ngoài khơi, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu đưa ra chiến lược đầy tham vọng cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo này từ khá sớm. Năm 2019, Bộ Công Thương ban hành văn bản số 4148/BCT-ĐL liên quan đến việc khảo sát, nghiên cứu và đầu tư vào dự án điện gió ngoài khơi Mũi Kê Gà. Đây được xem như một trong những quyết định mang tính bước ngoặt, mở đường cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Tiếp nối động lực này, Quy hoạch điện VIII gần đây đã một lần nữa đưa điện gió ngoài khơi vào tâm điểm của chiến lược năng lượng quốc gia. Với tầm nhìn đầy tham vọng, Việt Nam đề ra kế hoạch đưa công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu trong nước lên tới 6 GW vào năm 2030, hứa hẹn đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong khu vực.

Bà Sharissa Funk, Tham tán năng lượng, Đại sứ quán Đan Mạch.

Tuy nhiên, trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, bà Sharissa Funk, Tham tán năng lượng, Đại sứ quán Đan Mạch nhận định: “Mặc dù có nguồn tài nguyên gió thuận lợi và tiềm năng mạnh mẽ để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi, song mục tiêu phát triển 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 nêu trong Quy hoạch điện VIII khó có thể đạt được bởi nó đòi hỏi sự phát triển toàn diện, không chỉ về khung pháp lý mà về cơ sở hạ tầng như lưới điện và cảng”.

Theo bà Sharissa Funk, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có kế hoạch đầu tư đáng kể vào điện gió ngoài khơi từ nay đến năm 2030. Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển 10 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 trong khi mục tiêu của Hàn Quốc và Trung Quốc lần lượt là 14,3 GW và 200 GW. Liên minh Châu Âu cũng có kế hoạch phát triển 111 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và Mỹ là 30 GW.

Với công suất điện gió ngoài khơi đang hoạt động trên toàn cầu hiện tại là 75 GW, việc hiện thực hóa những mục tiêu này rõ ràng đòi hỏi đầu tư đáng kể để mở rộng năng lực chuỗi cung ứng. Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie, toàn cầu cần đầu tư hơn 100 tỷ USD đầu tư vào chuỗi cung ứng để đạt được các mục tiêu điện gió ngoài khơi mà các chính phủ đặt ra cho năm 2030.

Sự thiếu vắng các lộ trình phát triển chi tiết cũng đang cản trở các nhà đầu tư trong việc tăng cường năng lực chuỗi cung ứng, từ đó gây khó khăn cho các chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Việc đầu tư trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn khi làn sóng lạm phát leo thang trên khắp thế giới đã đẩy giá nguyên liệu thô tăng cao, trong khi xu hướng tăng lãi suất làm tăng chi phí vốn cho các nhà đầu tư.

Hệ quả tất yếu là chi phí sản xuất các bộ phận cấu kiện và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đã tăng đáng kể, không chỉ tạo áp lực cho các nhà đầu tư và nhà phát triển dự án mà còn đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì khả năng cạnh tranh của điện gió ngoài khơi so với các nguồn năng lượng rẻ hơn như điện mặt trời và điện gió trên đất liền.

“Đối với các thị trường mới như Việt Nam, những diễn biến toàn cầu này đồng nghĩa với việc ký kết hợp đồng với nhà cung cấp sẽ trở nên khó khăn hơn, và các nhà đầu tư có thể yêu cầu sự chắc chắn cao hơn từ phía chính phủ so với vài năm trước đây trước khi đưa ra quyết định đầu tư”, bà Sharissa Funk nhận định.

Theo đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, việc phát triển điện gió ngoài khơi phức tạp hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác do quy mô và mức đầu tư lớn hơn, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và cam kết từ nhiều cơ quan chính phủ. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có khuôn khổ pháp lý và quy định cụ thể cũng như thiếu lộ trình và kế hoạch hành động rõ ràng về cách xây dựng khuôn khổ này. “Đây là yếu tố cản trở sự phát triển của điện gió ngoài khơi ở Việt Nam”, bà Sharissa Funk nhận định.

Dù vậy, cũng không thể phủ nhận rằng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng đang có những tín hiệu tích cực mới. Gần đây, Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Song song với đó, Bộ Công Thương hiện cũng đang xây dựng đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi để trình Chính phủ trong thời gian tới. “Những bước tiến quan trọng này góp phần định hình ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, mở đường cho sự phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2050 của Việt Nam”, bà Sharissa Funk nói.

Đồng quan điểm, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, cũng cho rằng “sẽ là rất thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu về phát triển 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030”.

Theo ông Andrew Goledzinowski, các yếu tố quan trọng có thể giúp thúc đẩy phát triển thị trường điện gió ngoài khơi gồm có: (i) Chính sách, chiến lược phát triển nhất quán và dài hạn; (ii) mục tiêu phát triển rõ ràng với lộ trình và khung thời gian triển khai tuần tự, thực tế cho từng khu vực tiềm năng; (iii) quy định, quy trình đầu tư rõ ràng và minh bạch; (iv) nhanh chóng tiến tới triển khai các dự án thí điểm đầu tiên để mở cửa thị trường.

“Mặc dù đã được xác định trong Nghị quyết 55 và Quy hoạch điện VIII, nhưng Việt Nam hiện vẫn đang thiếu khung pháp lý và quy định rõ ràng cho phát triển điện gió ngoài khơi. Đặc biệt, các quy định và quy trình cấp phép đầu tư rõ ràng, minh bạch là rất quan trọng để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI vào thị trường”, ông Andrew Goledzinowski nói.

Để tham vọng không “bay theo gió”

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski khẳng định: “Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và có chỗ đứng trên thị trường này trong khu vực”.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam- ông Andrew Goledzinowski.

Để hiện thực hóa tiềm năng phát triển điện gió, theo ông Andrew Goledzinowski, Việt Nam cần phải sớm khai thông các điểm nghẽn về khung chính sách và quy trình đầu tư. Ngoài việc thiết lập chính sách, chiến lược phát triển nhất quán và dài hạn cũng như xác định mục tiêu phát triển với lộ trình và khung thời gian triển khai khả thi, Việt Nam cũng cần xây dựng khung quy định, quy trình về đầu tư rõ ràng, minh bạch cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Đồng thời, Việt Nam cần sớm triển khai một số dự án đầu tiên hoặc thí điểm nhằm khởi động ngành công nghiệp này, thông qua việc cho phép một số đơn vị phát triển thực hiện các khảo sát, nghiên cứu khả thi tại một số địa điểm cụ thể thuộc khu vực có tiềm năng gió ngoài khơi, đã được xác định tại Quy hoạch điện VIII, ông Andrew Goledzinowski nhấn mạnh.

Tại Australia, Luật về Cơ sở hạ tầng Điện gió ngoài khơi đã được ban hành năm 2021 và có hiệu lực từ tháng 6/2022. Trên cơ sở đó, Chính phủ Australia đã xác định 6 khu vực có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và đã lần lượt công bố bốn khu vực cho phát triển điện gió ngoài khơi, gồm: Gippsland, the Hunter Region, Southern Ocean, và Illawarra. Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước (DCCEEW) gần đây đã cấp Giấy phép khả thi (Feasibility License) cho 6 dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại khu vực Gippsland và đang tiếp tục xem xét cấp Giấy phép khả thi cho 6 dự án khác.

Theo ông Andrew Goledzinowski, các dự án đầu tiên có thể là động lực mạnh mẽ để kích hoạt sự phát triển của chuỗi cung ứng nội địa. Ở kịch bản tích cực, khi công suất điện gió ngoài khơi được phát triển nhiều hơn, thị trường cung ứng nội địa theo đó cũng sẽ phát triển hơn. Chi phí đầu tư điện gió ngoài khơi khi đó có thể sẽ giảm xuống, và các nhà cung cấp công nghệ và thiết bị quốc tế sẽ tự tin hơn để đầu tư các cơ sở sản xuất thiết bị điện gió tại Việt Nam, mở ra cơ hội để các nhà sản xuất nội địa tiếp cận hoặc được chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam nên sử dụng phương pháp đấu giá ngược để xác định giá điện thay vì áp dụng các cơ chế giá đặc biệt.

“Đến nay, Australia vẫn không áp dụng các cơ chế giá đặc biệt (ví dụ Feed-in-Tariffs) để hỗ trợ các dự án điện quy mô lớn. Tất các đơn vị phát điện quy mô lớn (có công suất đặt từ 10MW trở lên và kết nối vào lưới điện) phải tham gia vào thị trường điện cạnh tranh. Cùng với việc tham gia vào thị trường điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện quy mô lớn này sẽ tham gia vào một hoặc một vài hợp đồng mua bán điện – PPAs (dưới dạng Hợp đồng Chênh lệch - CfD) với mức giá được xác định trước nhằm phòng ngừa rủi ro biến động giá trên thị trường điện.

Việc xác định mức giá điện của hợp đồng này được thực hiện bởi các vòng đấu giá ngược do Chính phủ các tiểu Bang thực hiện (ví dụ như Chương trình Mục tiêu Năng lượng tái tạo của Victoria - VRET), hoặc các vòng đấu giá ngược hay đàm phán với các đơn vị mua điện tư nhân. Các tiếp cận này dự kiến cũng sẽ được áp dụng cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Australia trong tương lai”, ông nói.

Từ kinh nghiệm của Australia, theo Đại sứ, đấu giá ngược được coi là cách thức định giá hiệu quả nhất (xác định mức giá tốt nhất), và việc thiết kế một quy trình đấu giá ngược hiệu quả, phù hợp với bối cảnh và khung pháp lý sẽ góp phần khuyến khích các bên tham gia thực hiện các hoạt động khác hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng. Vì vậy, Việt Nam có thể nghiên cứu cách thức để xây dựng và áp dụng cách phương pháp đấu giá ngược để xác định giá điện hiệu quả cho các dự án điện quy mô lớn, bao gồm điện gió ngoài khơi, thay vì áp dụng các cơ chế giá đặc biệt.

Ở góc nhìn khác, bà Sharissa Funk, Tham tán năng lượng, Đại sứ quán Đan Mạch, cho rằng Việt Nam cần sớm thực hiện một số cải cách để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Bà Sharissa Funk cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu 6 GW gió ngoài khơi, Việt Nam cần huy động vốn tối thiểu 18 tỷ USD, một phần trong đó có thể sẽ đến từ các tổ chức tài chính quốc tế. Ở cuộc chơi huy động vốn này, các tổ chức đầu tư luôn yêu cầu những bảo đảm chắc chắn về mặt tài chính và pháp lý. Tuy nhiên, Hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho các dự án năng lượng tái tạo lại chưa đáp ứng được kỳ vọng này.

Sự “cải tổ” PPA chính là nút thắt cần tháo gỡ để khơi thông cho dòng vốn khổng lồ cho điện gió ngoài khơi vào thị trường Việt. Gần đây, việc cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đối với năng lượng tái tạo đã chính thức được phê duyệt có thể sẽ mở ra cánh cửa mới cho các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Song song với đó, các nhà đầu tư cũng yêu cầu một lộ trình rõ ràng, minh bạch liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện dự án. Chính vì vậy, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn diện - không chỉ cho các dự án thí điểm mà còn nhằm mở rộng quy mô ngành điện gió ngoài khơi, phù hợp với Quy hoạch điện VIII - cũng cần được coi là ưu tiên hàng đầu. “Điều này sẽ là tín hiệu tích cực cho các bên tham gia, giúp hiện thực hóa các mục tiêu đề ra vào năm 2050 của Việt Nam”, bà Sharissa Funk nói.

Liên quan đến vấn đề cơ chế giá, bà Sharissa Funk nhận định: “Về cơ bản, mức giá sẽ cần phải đủ cao để bù đắp chi phí cho nhà đầu tư, không chỉ chi phí đầu tư ban đầu mà còn cả phần bù rủi ro mà các nhà đầu tư và cho vay áp dụng”.

Có thể giảm thiểu phần bù rủi ro này bằng cách tạo ra môi trường chắc chắn hơn cho các nhà đầu tư, giúp họ tự tin hơn về khả năng thu hồi vốn. Điều này có thể đạt được bằng cách đưa ra mức giá hoặc biểu giá cố định trong thời gian dài (20 năm) và đảm bảo nhà máy có thể bán được điện sản xuất ra hoặc được bồi thường, ví dụ như trong trường hợp mất điện lưới.

“Kinh nghiệm từ các thị trường điện gió ngoài khơi phát triển hơn cho thấy, các dự án đầu tiên thường có chi phí cao hơn, nhưng sau đó chi phí sẽ giảm nhanh chóng khi các nhà đầu tư tăng niềm tin vào thị trường và khuôn khổ pháp lý cũng như chuỗi cung ứng địa phương ‘trưởng thành’ hơn”, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch nói.

Cùng chuyên mục
'Không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá'

'Không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá'

(VNF) - Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ khuyến nghị thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhằm tránh những hệ lụy về sau ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các ngân hàng và sự ổn định của ngành ngân hàng khi nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm.

Sốt ruột tăng trưởng tín dụng, sếp lớn ngân hàng hiến kế khơi dòng vốn

Sốt ruột tăng trưởng tín dụng, sếp lớn ngân hàng hiến kế khơi dòng vốn

(VNF) - Trước tình hình tăng trưởng tín dụng ì ạch trong 6 tháng đầu năm 2024 dù ngành ngân hàng, nhiều sếp lớn ngân hàng đã đưa ra loạt đề xuất, kiến nghị nhằm khơi thông dòng vốn trên thị trường trong 4 tháng cuối năm.

Chủ tịch Sun Group đề xuất áp dụng mô hình thương mại tự do tại Phú Quốc

Chủ tịch Sun Group đề xuất áp dụng mô hình thương mại tự do tại Phú Quốc

(VNF) - Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư.

Gỡ vướng thủ tục đầu tư cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại

Gỡ vướng thủ tục đầu tư cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại

(VNF) - Nghị định số 115 đã tháo gỡ vướng mắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, căn hộ condotel, căn hộ văn phòng officetel.

Đình chỉ toàn bộ giao dịch cổ phiếu ITA của Tân Tạo

Đình chỉ toàn bộ giao dịch cổ phiếu ITA của Tân Tạo

(VNF) - Từ ngày 26/9, toàn bộ cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) sẽ chính thức bị chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch trên thị trường.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nguy cơ mất thanh khoản

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nguy cơ mất thanh khoản

(VNF) - Chuyên gia cho rằng việc, tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 1 lên 3 năm có thể dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản thị trường, làm mất đi thị trường thứ cấp mua đi bán lại trái phiếu.

Phi vụ thế kỷ: Qualcomm muốn mua lại Intel?

Phi vụ thế kỷ: Qualcomm muốn mua lại Intel?

(VNF) - Theo truyền thông phương Tây, Qualcomm được cho là đang tiếp cận Intel để tìm cách mua lại nhà sản xuất chip đang gặp khó khăn.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: 'Chính phủ hãy tin doanh nghiệp tư nhân'

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: 'Chính phủ hãy tin doanh nghiệp tư nhân'

(VNF) - Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định giai đoạn từ 2021-đến nay là giai đoạn nhiều thách thức nhất với nền kinh tế Việt Nam kể từ khi Đổi mới, chưa bao giờ nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn, thậm chí khủng hoảng lớn đến thế.

Sang tên sổ đỏ cho con cần nộp các khoản phí nào?

Sang tên sổ đỏ cho con cần nộp các khoản phí nào?

(VNF) - Theo Luật Đất đai mới, khi sang tên sổ đỏ cho con, người làm thủ tục sang tên cần phải nộp một số khoản lệ phí.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đề xuất nâng tiêu chuẩn nhà ở xã hội

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đề xuất nâng tiêu chuẩn nhà ở xã hội

(VNF) - Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác…