Làn sóng ô tô điện: Thay đổi cuộc chơi trên thị trường taxi

Lê Ngà - 19/08/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Sự xuất hiện của Xanh SM đã tác động mạnh mẽ tới thị trường taxi tại Việt Nam khi đã hình thành 3 loại hình gồm: taxi truyền thống, taxi công nghệ và taxi điện. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống đang có xu hướng chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang sử dụng xe điện.

Uber, Grab thay đổi “cuộc chơi” taxi tại Việt Nam

Cách đây 10 năm, sự xuất hiện của hai ứng dụng gọi xe công nghệ là Uber, Grab chính thức “đặt chân” vào Việt Nam và nhanh chóng làm thay đổi thói quen của người dùng trong nước. Đặc biệt, sự có mặt của hai hãng taxi công nghệ này đã đẩy cuộc đua cạnh tranh giành thị phần vận tải taxi trở nên khốc liệt hơn.

Lấy công nghệ làm nòng cốt bằng việc áp dụng công nghệ 4.0, Uber và Grab nhanh chóng làm thay đổi cuộc chơi trên thị trường taxi. Khi mới tham gia sân chơi, taxi công nghệ có nhiều lợi thế như: gọi xe nhanh hơn, giá cước rẻ hơn, được sử dụng xe cá nhân kết nối với các công ty công nghệ, không phải lắp đồng hồ tính tiền, không phải niêm yết giá, không phải xin phù hiệu taxi, không phải có bộ phận điều hành, theo dõi về ATGT như các đơn vị taxi truyền thống… nên đã thu hút một lượng lớn khách hàng và các chủ xe cá nhân tham gia chở khách.

Đáng chú ý, sau khi Grab hoàn tất việc thâu tóm Uber vào năm 2018, Grab nhanh chóng chiếm lĩnh đến 70% thị phần vận tải trong nước. Các hãng taxi truyền thống như: Vinasun, Mai Linh, Thành Công, Thanh Nga, Vạn Xuân, Thăng Long, Sao Mai, … trầy trật hoạt động cầm cự, nhiều năm báo lỗ, kinh doanh đều tụt dốc.

Đỉnh điểm nhất là vào năm 2020, thị trường taxi chịu thiệt hại đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát với các đợt đóng cửa và hạn chế nhu cầu về taxi. Tại thị trường phía Bắc, hãng taxi lớn là Tập đoàn Mai Linh ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên từ nhiều năm trước với số lỗ luỹ kế tính đến 31/12/2021 lên đến 1.419 tỷ đồng.

Thống trị thị trường taxi phía Nam là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị vận hành hãng taxi Vinasun) cũng ghi nhận các khoản lỗ trong hai năm 2020, 2021 liên tiếp, với số lỗ tổng cộng hơn 480 tỷ đồng. Cùng với đó, số lượng xe của hãng này cũng liên tục đi xuống. Cuối năm 2019 Vinasun có 4.921 xe kinh doanh taxi, sang tới cuối năm 2022 con số này chỉ còn khoảng 2.621 chiếc.

Khi các hãng taxi truyền thống gặp khó, các hãng gọi xe công nghệ lại nhận được sự ủng hộ từ người dùng. Ví dụ như Grab, dù không sở hữu bất kỳ một chiếc xe hay tài xế nào, đã lần đầu tiên lọt top các hãng taxi phổ biến nhất tại Việt Nam bên cạnh các tên tuổi như Mai Linh, Vinasun. Từ đây, các hãng taxi truyền thống mới thực sự nhận ra tác động khủng khiếp của “cơn bão” Uber, Grab. Lúc này, bắt đầu nảy sinh cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Trước sức ép ngày càng lớn, các hãng taxi truyền thống đã phải bắt tay nhau, cùng áp dụng công nghệ để lấy lại khách hàng bằng việc ra mắt ứng dụng gọi xe tương tự Uber, Grab. Điển hình vào ngày 10/12/2018, Liên minh taxi Việt chính thức ra mắt tại Hà Nội và kết hợp vận hành qua ứng dụng EMMDI trên toàn quốc.

“Cuộc chơi” giành thị phần taxi trở nên gay cấn hơn khi vào tháng 4/2023, Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM (thuộc Tập đoàn Vingroup) chính thức đưa Xanh SM, hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động. Với sự xuất hiện của Xanh SM, thị trường taxi tại Việt Nam đã có 3 loại hình gồm: taxi truyền thống, taxi công nghệ và taxi điện.

Về phương thức hoạt động, taxi điện có nhiều điểm tương đồng với taxi truyền thống đó là doanh nghiệp kinh doanh vận tải thuê hoặc mua xe, có tài xế phục vụ khách hàng thông qua hình thức vẫy xe trực tiếp hoặc liên hệ qua tổng đài. Đồng thời, taxi điện cũng kế thừa cách thức đặt xe, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhiều voucher giảm giá, tương tự taxi công nghệ.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của taxi điện so với taxi truyền thống và taxi công nghệ đó là sử dụng các mẫu xe thuần điện của VinFast, bao gồm VF e34, VF 5 Plus, VF 6 (đối với dịch vụ taxi tiêu chuẩn) và VF 8 (đối với dịch vụ taxi cao cấp). Tính đến thời điểm hiện tại, Xanh SM đang trực tiếp triển khai dịch vụ tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 65.000 xe điện (bao gồm ô tô điện và xe máy điện) và 12 đối tác độc quyền mua và thuê xe điện từ GSM.

Theo báo cáo của GSM, Xanh SM đã phục vụ hơn 50 triệu lượt khách hàng chỉ sau một năm ra mắt, với hơn 300 triệu km di chuyển, góp phần giảm thiểu đến 52.000 tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương 2,6 triệu cây xanh quang hợp trong suốt một năm. Hiện Xanh SM đã vươn lên đứng thứ 2 thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam, với 18,17% thị phần vào quý IV/2023, vượt qua nhiều thương hiệu lâu năm.

Không chỉ tạo chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam, Xanh SM cũng đã nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài với thị trường quốc tế đầu tiên là Lào. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Xanh SM sẽ chính thức hiện diện tại 9 quốc gia trên toàn cầu và từng bước chuyển mình thành công ty công nghệ cung cấp nền tảng dịch vụ gọi xe thuần điện hàng đầu thế giới.

Bước chuyển mình mới: Điện hóa

Xu hướng sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhu cầu sử dụng xe ô tô điện trở thành xu thế tất yếu. Trước tình hình đó, nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia trong ngành, các lãnh đạo doanh nghiệp taxi đã được diễn ra suốt thời gian qua.

Các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp taxi nhận định ô tô điện sẽ là tương lai của nền công nghiệp ô tô thế giới. Phương tiện này không những giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tiện dụng hơn rất nhiều so với các dòng xe chạy bằng xăng dầu, như: nạp năng lượng dễ dàng; không cần thay nhớt, nước làm mát; giảm tần suất bảo dưỡng định kỳ; độ an toàn cao; không có tiếng ồn động cơ... Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng nhanh và nguồn cung khó khăn, trong khi giá điện lại tương đối ổn định. Nếu so sánh việc sử dụng xe ô tô điện, các doanh nghiệp vận tải taxi sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí lớn khi vận hành, không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp mà cả khách hàng.

Để thích ứng với xu hướng của ngành kinh doanh vận tải thế giới và nắm bắt thời cơ, nhiều doanh nghiệp vận tải taxi không chỉ riêng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, mà trên cả nước đã chuyển dịch trong việc sử dụng xe điện trong vận tải taxi. Tiên phong sử dụng xe ô tô điện để khai thác dịch vụ từ năm 2022 là Công ty TNHH Đồng Thúy, đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi. Đến thời điểm hiện tại, Lado Taxi đang có tổng cộng khoảng 1.200 xe điện và xe xăng. Trong đó, có 300 xe điện và riêng tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tới 200 xe điện.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Lado Taxi, sau hơn hai năm sử dụng ô tô điện VinFast cho dịch vụ taxi, hiệu quả kinh doanh của công ty tăng lên đáng kể nhờ cắt giảm 32-37% chi phí vận hành. So với xe xăng, xe điện giảm 50% chi phí nhiên liệu dẫn đến lợi nhuận từ xe điện tăng cao. Mỗi xe điện chỉ cần có doanh thu 1 triệu đồng/ngày là công ty đạt điểm hòa vốn. Xe chạy 1,3 – 1,4 triệu đồng/ngày là có lợi nhuận tốt. Được biết, trong năm 2024, GSM sẽ cung cấp cho Lado Taxi khoảng 500 xe điện và đến năm 2025, 2026 là 2.000 xe. Dự kiến, Lado Taxi sẽ thay thế 90% xe xăng cũ và có đội xe 3.000 chiếc vào năm 2026.

Ngoài Lado Taxi, các doanh nghiệp taxi truyền thống có quy mô vừa và nhỏ như Én Vàng (Hải Phòng), Taxi Xanh Tây Bắc (Sơn La), Sơn Nam (Nghệ An) cũng lựa chọn mua hoặc thuê xe điện VinFast từ GSM. Cụ thể, GSM sẽ cung cấp 300 ô tô điện VinFast trong vòng 2 năm tới (kể từ 2024) cho Taxi Xanh Tây Bắc theo hình thức bán và cho thuê; cung cấp thêm 250 ô tô điện VinFast cho Én Vàng Taxi và hơn 300 xe điện (bao gồm VinFast VF 5 và VF e34) cho Công ty Sơn Nam.

Ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Giám đốc Taxi Xanh Tây Bắc chia sẻ rằng: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ các dòng xe điện VinFast, đồng thời đứng từ góc nhìn của người tiêu dùng khi quyết định chọn ô tô điện để kinh doanh taxi. Những chiếc xe không mùi xăng dầu, vận hành êm ái của VinFast đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của thương hiệu và được khách hàng đón nhận. Nhờ đó, kết quả kinh doanh của chúng tôi suốt một năm qua cũng rất khả quan”.

Không chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng xe thuần điện như các hãng taxi khác, hai “ông lớn” của thị trường taxi trong nước là Mai Linh và Vinasun lại lựa chọn phương án dùng các mẫu xe xăng lai điện (hybrid). Cụ thể, đối với Mai Linh, hãng cho biết đã hợp tác thành công với Toyota Việt Nam và Công ty Tài chính Toyota trong dự án đầu tư 9.999 xe, kỳ vọng hoàn thành trong vòng 3 năm. Riêng năm 2024, Mai Linh đặt mục tiêu đầu tư 2.224 xe, bao gồm 1.000 xe hybrid cho các thị trường lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Tương tự, Vinasun dự định chi 630 - 650 tỷ đồng để đầu tư 700 xe hybrid của Toyota trong năm 2024. Trong đó, 50% nguồn vốn đến từ các khoản tài trợ của ngân hàng. Nếu thuận lợi, công ty có thể nâng tổng số lượng xe đầu tư lên 1.000 chiếc.

Chia sẻ về lý do lựa chọn xe hybrid thay vì trào lưu xe điện, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho rằng xe điện tràn ngập như Xanh SM nhưng chỉ có một nguồn vận hành và nguồn cung cấp. Còn xe hybrid, hãng đã nghiên cứu và vận hành thí điểm phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty. Qua tính toán, xe hybrid có thể giảm tới 50% nhiên liệu so với xe xăng. Trong khi xe điện tiêu thụ khoảng 800 đồng tiền nhiên liệu/km, xe hybrid mất khoảng 1.100-1.200 đồng/km mà không mất chi phí cơ hội khi sạc điện. Chưa kể, mỗi ngày Vinasun cần tập trung các xe để kiểm tra trước khi vận hành nhưng hiện nay không có một trạm sạc nào có thể đáp ứng quy mô 40-50 xe của Vinasun để kiểm tra nếu là xe điện.

Trong khi đó, lãnh đạo của hãng taxi Mai Linh cho biết sau khi nghiên cứu và phân tích chuyên sâu, công ty nhận thấy xe điện chưa thật sự phù hợp và tối ưu tại thị trường Việt Nam, bởi những bất cập về cơ sở hạ tầng cũng như rủi ro liên quan đến rác thải pin. Khi sử dụng dòng xe hybrid, công ty có thể đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm khí thải CO2, thay thế dần các xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, xe hybrid cũng không cần sạc pin và có thể đổ xăng/diesel tại các trạm nhiên liệu bình thường.

Tương lai của ngành taxi xanh

Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường taxi Việt Nam được định giá 441 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 790 triệu USD vào năm 2027, đạt tốc độ CAGR (Compound Annual Growth Rate - tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) khoảng 10,25% trong giai đoạn dự báo 2022-2027.

Cũng theo nghiên cứu do Mordor Intelligence công bố cuối năm 2022, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là thị trường lớn nhất cho taxi chạy bằng xe điện. Do những mối lo ngại ngày càng tăng về ô nhiễm do xe cộ gây ra, chi tiêu của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng dành cho xe điện và các sáng kiến thúc đẩy nhu cầu về xe điện đang khuyến khích các chủ sở hữu đội xe chuyển sang sử dụng các loại xe chạy bằng điện hơn là lựa chọn các loại xe thông thường.

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngay từ đầu thế kỷ XIX, tại London và NewYork, phương tiện taxi tại đây sử dụng 100% là xe điện. Tại thời điểm ô tô còn sơ khai, taxi điện cũng đã phát huy được những lợi ích nổi trội hơn hẳn so với ô tô động cơ đốt trong.

Ông Phúc cho rằng lợi thế của xe điện khi sử dụng để kinh doanh vận tải đó là chi phí chăm sóc bảo dưỡng được tối ưu, không cần phải thay dầu mỡ, thay lọc gió, thay lọc dầu. Bên cạnh đó, vì xe điện ít chi tiết cấu thành nên rủi ro của xe cũng ít hơn. Từ đó, tổng chi phí để nuôi một xe taxi chạy điện cũng giảm hơn so với xe xăng truyền thống.

Ngoài ra, cũng theo ông Phúc, tại Việt Nam VinFast cam kết bảo hành pin 7 năm, đây là thời gian dài khiến đa số người kinh doanh hài lòng và cân đối được bài toán tài chính để phát huy lợi thế của taxi điện thời kỳ này. Ngoài ra, VinFast còn có chính sách cho thuê pin, như vậy, toàn bộ rủi ro về pin nhà sản xuất đã chịu trách nhiệm, lái xe taxi hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty GSM, cho rằng đối với ô tô điện, càng chạy nhiều sẽ càng tiết kiệm, do đó, không thể nói giá xe điện cao thì khả năng hoàn vốn lâu hơn. Nói thêm về ưu điểm của xe điện, ông Thanh nhấn mạnh việc xe điện giúp tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và chi phí nhiên liệu rất tốt. Nếu ô tô động cơ đốt trong càng chạy xe lâu, xe càng tốn nhiên liệu khi vận hành, nhưng với ô tô điện động cơ và pin tách biệt nên không bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, nhận định thị trường taxi xanh tại Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ phát triển. Trước hết, theo ông Đức, hiện nay đang có sự cạnh tranh rất lớn trong thị trường vận tải hành khách, đặc biệt là giữa taxi truyền thống và xe hợp đồng từ 9 chỗ trở xuống. Sự cạnh tranh này sẽ làm cho việc đầu tư của các doanh nghiệp tham gia vào ngành vận tải taxi ngày càng tốt hơn, nếu làm không tốt họ có thể sẽ bị mất khách, khách hàng quay lưng.

Thứ hai, việc Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) cũng đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp thực hiện từ các tổ chức quốc tế. Cho nên, đây là việc bắt buộc phải thực hiện và đã thực hiện là phải tốn kém. Vì vậy, con đường chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi xanh là tất yếu, nếu doanh nghiệp nào không chuyển đổi thì sẽ tự đào thải mình ra khỏi cuộc chơi.

Trong khi đó, chuyên gia ô tô Lê Trường Giang, cho biết: “Việc quy định trạm dừng nghỉ phải có khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện, trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng; và Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025, quy định chỗ để xe của nhà chung cư bao gồm khu vực sạc điện cho xe động cơ điện được bố trí theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; được xem là một nội dung mới tạo tiền đề cho phân khúc xe điện phát triển trong thời gian tới”.

“Hiện nay hệ thống trạm sạc của VinFast đã đạt mật độ khoảng 3,5km/trạm ở 80 thành phố trên cả nước. Cùng với đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc toàn cầu V-GREEN để tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn vào hệ thống trạm sạc trong và ngoài nước. Chưa kể, một số doanh nghiệp như: Công ty CP EverEV, Công ty cổ phần Trạm sạc xe điện SOLAREV, Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam,… cũng đã bắt đầu phát triển các giải pháp, nền tảng, trụ sạc của riêng mình. Điều này cho thấy bài toán về giải quyết trạm sạc cho xe điện đã có lời giải và thị trường taxi xanh tại Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển”, vị chuyên gia này nói.

Xanh SM hiện tượng TikTok Shop trên thị trường 1 tỷ USD

Xanh SM hiện tượng TikTok Shop trên thị trường 1 tỷ USD

Công nghệ
(VNF) - Mordor Intelligence cho biết thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 có quy mô 727,73 triệu USD và đến năm 2024 ước tính đạt 0,88 tỷ USD.
Cùng chuyên mục
Tin khác