Điện gió ngoài khơi: Thời gian không còn nhiều, cần 1 lộ trình rõ ràng

Xuân Thạch - 22/12/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Công Thương đề xuất loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án điện tái tạo, mở cửa phát triển điện gió ngoài khơi. Chuyên gia cho rằng, từ nay đến 2030 không còn nhiều thời gian, Việt Nam cần có quy trình rõ ràng, chi tiết để các nhà đầu tư thực hiện.

Loạt yêu cầu với nhà đầu tư điện gió ngoài khơi

Mới đây, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, trong đó đáng chú ý có điện gió ngoài khơi.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới theo quy định của Luật Điện lực đối với các trường hợp sau.

Dự án điện gió ngoài khơi không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh theo ý kiến của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an. Đồng thời, dự án điện gió ngoài khơi cần phát triển để bảo đảm an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Từ nay đến 2030 không còn nhiều thời gian, Việt Nam cần có quy trình rõ ràng, chi tiết với các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi.

Dự án điện gió ngoài khơi do doanh nghiệp đề xuất theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 18, Luật Điện lực. Trường hợp liên doanh, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài thì phải bảo đảm tỷ lệ cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đề xuất dự án trong tổ chức kinh tế trên 50%.

Trừ các dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi bán điện lên hệ thống điện quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, điện lực.

Dự thảo của Bộ Công thương cũng đưa ra một số yêu cầu, điều kiện đối với đơn vị khảo sát, nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại.

Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, tham gia thực hiện đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, được lựa chọn hình thức đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.

Ngoài quy định nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện sau: Đã triển khai ít nhất một dự án điện gió ngoài khơi có quy mô tương đương tại Việt Nam hoặc trên thế giới; có năng lực tài chính, phương án huy động vốn hoặc cam kết cho vay, có nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm để triển khai dự án.

Bên cạnh đó, phải có giá trị tổng tài sản ròng trong 3 năm gần nhất đã được kiểm toán lớn hơn tổng mức đầu tư dự kiến của dự án. Có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước. Tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế tối đa 65% và có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Nhà đầu tư cần một lộ trình rõ ràng

Trao đổi với VietnamFinance, Ông Stuart Livesey, Trưởng Đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam cho biết, việc Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Ông Stuart Livesey, Trưởng Đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam

Sau khi Luật Điện lực được thông qua, cần tập trung triển khai bộ luật một cách bài bản, bao gồm quy trình cấp phép rõ ràng cho các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi từ giai đoạn khảo sát cho đến giai đoạn phát điện. Muốn như vậy, cần kịp thời soạn thảo và ban hành các văn bản pháp lý dưới luật bao gồm nghị định, thông tư, v.v. với các tiêu chí, trình tự cụ thể cho nhà đầu tư về thủ tục và các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến cấp phép cho dự án.

“Điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư là một lộ trình rõ ràng, chỉ ra cách thức và thời điểm họ có thể tiến hành khảo sát và quyền lợi ưu tiên trao dự án khi tham gia khảo sát dự án”, ông Stuart Livesey nhấn mạnh.

Kế đến, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi bao gồm các chính sách về giá điện, các điều khoản hợp đồng mua bán điện (PPA) phù hợp, đặc biệt cho các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam.

Cuối cùng, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngành điện gió ngoài khơi phù hợp với sự trưởng thành của thị trường, đảm bảo các dự án điện gió ngoài khơi trong các giai đoạn thị trường khác nhau có thể được triển khai liên tục.

“Việc tinh giản, hợp lý hóa quy trình cấp phép, phối hợp nhịp nhàng trong các quyết định liên Bộ, song song với việc xây dựng cơ chế bao tiêu sản lượng điện, đảm bảo lưới điện và hệ thống cảng cho các nhà phát triển trong những dự án trị giá hàng tỷ USD sẽ giúp mở khóa đầu tư và kịp thời hỗ trợ sự tăng trưởng của ngành điện gió ngoài khơi”, ông Stuart Livesey kết luận.

DN Việt ghi danh vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi hàng tỷ USD

DN Việt ghi danh vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi hàng tỷ USD

Đầu tư
(VNF) - Không chỉ hút nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng mang lại cơ hội cho các DN trong nước chuỗi cung ứng hàng tỷ USD. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam có thể lên đến 40% và tiềm năng tăng lên trong vài năm tới
Cùng chuyên mục
Tin khác