Doanh nghiệp bán lẻ lấy xăng dầu từ nhiều nguồn sẽ vi phạm Luật Thương mại: Bộ Công Thương có lo thừa?
Huyền Trang -
07/02/2023 11:09 (GMT+7)
(VNF) - Cho rằng việc Bộ Công Thương lo ngại doanh nghiệp bán lẻ lấy xăng dầu từ nhiều nguồn sẽ vi phạm Luật Thương mại là không thoả đáng, VCCI đề xuất cho thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn
Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án, không cho phép (phương án 1) và cho phép (phương án 2) các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Về vấn đề này, VCCI đề nghị lựa chọn phương án 2, cho phép cửa hàng bán lẻ được lấy xăng từ nhiều nguồn.
Mặc dù cũng thống nhất lựa chọn phương án 2, nhưng trong tờ trình, Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự lo ngại nếu quy định như vậy sẽ trái Luật Thương mại, khó kiểm soát chất lượng xăng dầu và không có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp xăng cho cửa hàng bán lẻ khi nguồn cung khan hiếm. VCCI cho rằng các lo ngại này không thực sự thoả đáng.
Theo VCCI, quy định này trái Luật Thương mại là do Nghị định 95 và 83 đã ấn định rằng cửa hàng bán lẻ chỉ có thể bán theo hình thức giao nhận đại lý. Trong khi đó, việc bán lẻ các mặt hàng có thể được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau theo thoả thuận của các bên, trong đó có hình thức đại lý, hình thức nhượng quyền và hình thức mua đứt bán đoạn. Việc Nghị định 95 và 83 không cho phép các cửa hàng bán lẻ kinh doanh theo hình thức mua đứt bán đoạn là trái với quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại.
Bên cạnh đó, VCCI cho rằng chất lượng xăng dầu vẫn có thể kiểm soát tốt mà không cần giới hạn quan hệ phân phối 1:1 (1 doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng từ 1 thương nhân phân phối).
“Hiện nay, mỗi khi giao xăng dầu từ xe bồn cho các cửa hàng bán lẻ, các bên luôn tiến hành lấy và lưu mẫu hàng hoá. Nếu chất lượng xăng dầu bán cho người tiêu dùng có vấn đề thì luôn có thể kiểm tra lại các mẫu xăng trên, truy nguồn để xác định trách nhiệm của các bên. Hơn nữa nhiều nhà phân phối xăng dầu đang nhập hàng từ nhiều đầu mối nên việc yêu cầu cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập từ một nguồn không có nhiều ý nghĩa”, VCCI nhấn mạnh.
Thứ ba, theo VCCI, việc lo ngại cho phép cơ sở bán lẻ nhập hàng của nhiều nguồn sẽ dẫn đến không có đơn vị phân phối chịu trách nhiệm cung cấp xăng dầu là không có căn cứ. Hiện nay, các đơn vị bán buôn khi thiếu nguồn hoặc muốn găm hàng vẫn dừng cung cấp hàng cho đơn vị bán lẻ (bằng cách nâng giá bán buôn lên hay cắt chiết khấu xuống) mà pháp luật không có cách nào hạn chế tình trạng này. Thêm vào đó, khi cho phép nhập hàng của nhiều nhà cung cấp thì bên bán lẻ chủ động hơn và rủi ro đứt gãy nguồn cung giảm đi.
Về vấn đề này, VCCI cho rằng cần cân nhắc điều chỉnh như sau:
Một là cho phép cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc làm có thể lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn.
Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền thì cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập hàng của một thương nhân phân phối. Thương nhân phân phối sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả hàng hoá theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn thì cho phép nhập hàng của nhiều đơn vị bán buôn. Lúc này, cửa hàng bán lẻ sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả của hàng hoá theo quy định của pháp luật.
Hai là sửa đổi quy định mẫu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo hướng bỏ nội dung ghi tên đơn vị bán buôn cho cửa hàng bán lẻ.
Doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ trong thời gian dài dẫn đến thiếu hụt xăng dầu
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính -VietnamFinance, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh cho biết quy định về quản lý xăng dầu hiện có nhiều nội dung chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.
Theo doanh nghiệp này, điểm bất cập nữa là việc mua hàng từ thương nhân nhập khẩu, phân phối cũng có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Hiện thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ nhưng được lấy hàng từ nhiều nơi, còn thương nhân bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nơi. Trong khi doanh nghiệp bán lẻ muốn lấy hàng nơi khác thì phải thanh lý hợp đồng, xử lý, bồi thường các bảng biểu và logo liên quan, phải đăng ký giấy đủ điều kiện kinh doanh với Sở Công Thương… Nhưng do quy định doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi nên nếu có chuyển qua nhà cung cấp khác một thời gian thì cũng bị chèn ép như vậy.
“Doanh nghiệp bán lẻ bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, về quan hệ giao dịch và luôn ở vào thế bất lợi. Chưa kể các chi phí phát sinh, doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm rủi ro pháp lý, không thể bảo toàn nguồn vốn, lợi nhuận để bán hàng. Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng chỉ được mua hàng của một đầu mối, được thể hiện rõ trong giấy đủ điều kiện kinh doanh. Việc này tạo điều kiện cho thương nhân đầu mối có quyền đưa ra các quy định về chiết khấu không phù hợp với doanh nghiệp bán lẻ, dẫn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ thấp, thậm chí là không có”, đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh chia sẻ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone