Doanh nhân Đoàn Văn Bình: Doanh nhân cần một câu chuyện kể mới
(VNF) - “Để doanh nhân được cộng đồng, xã hội đánh giá đúng vai trò, đúng nhân hiệu, rất cần thêm nhiều câu chuyện kể thực, thiện chí, chia sẻ, động viên, ủng hộ về họ để cộng đồng, xã hội đều nghe cùng một câu chuyện kể về doanh nhân theo hướng tích cực, doanh nhân dân tộc, tự lực, tự cường, cống hiến”, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO chia sẻ.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, doanh nhân Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO đã có bài viết trải lòng bày tỏ những quan điểm của mình về vị thế, vai trò của doanh nhân đối với xã hội. VietnamFinance xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
Gs. Yuval Noah Harari trong cuốn sách 21 bài học cho thế kỷ 21 đã tổng kết thế này: “Xã hội loài người được phát triển dựa trên những câu chuyện được truyền tụng suốt hàng nghìn năm ….”.
Trong cuốn Nexus (lõi của mạng lưới thông tin) “nóng hổi” mới ra mắt, Gs Harrari tiếp tục thức tỉnh chúng ta: “Sapiens chúng ta thống trị thế giới không phải vì chúng ta quá tinh khôn, mà vì chúng ta là loài động vật duy nhất có thể hợp tác linh hoạt với số lượng lớn” thông qua các câu chuyện.
“Trên thực tế, không có giới hạn trần về số lượng Sapiens có thể cùng hợp tác với nhau. Giáo hội Công giáo có khoảng 1,4 tỷ thành viên. Trung Quốc có dân số khoảng 1,4 tỷ người. Mạng lưới mậu dịch toàn cầu thì lại đang kết nối khoảng 8 tỷ Sapiens”.
Để hợp tác với nhau, Sapiens không còn phải quen biết nhau; họ chỉ cần biết cùng một câu chuyện. Và một câu chuyện có thể quen thuộc với hàng tỷ cá nhân”.
Thượng Đế, Đấng Tối Cao, Chúa Trời, Ông Trời (God), tôn giáo, hệ tư tưởng, luật pháp, tiền tệ, công ty, chứng khoán, thương hiệu… đều là do Sapiens “phát minh” ra thông qua các câu chuyện (truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện dân gian…). “Ví dụ, 1,4 tỷ thành viên của Giáo hội Công giáo được liên kết nhờ Kinh Thánh và những câu chuyện Ki-tô giáo chủ chốt khác; … và 8 tỷ thành viên của mạng lưới giao thương toàn cầu được kết nối nhờ những câu chuyện về tiền tệ, các công ty và thương hiệu”.
Rõ ràng việc kể “câu chuyện” rất quan trọng với xã hội nói chung, với cộng đồng doanh nhân nói riêng. Một thời, doanh nhân được kể là con buôn, thậm chí là gian thương, là giai cấp bóc lột và cả xã hội tin vào câu chuyện đó. Hệ quả là doanh nhân bị ghét, bị phân biệt đối xử. Hình ảnh doanh nhân đồng nghĩa với xấu xí.
Năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân ra đời đã mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 1990 đến năm 2000, chỉ có khoảng 40.000 doanh nghiệp tư nhân được thành lập và cái gì cũng phải xin Thủ tướng. Luật Doanh nghiệp 1999 mới thực sự đột phá về kiến tạo.
Doanh nghiệp tư nhân từ “Không” đến “Có”. Theo Sách trắng Doanh nghiệp 2024, đến hết năm 2023, có khoảng 900.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động. Kinh tế tư nhân đóng góp gần 45% GDP, khoảng 30% thu ngân sách, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước. Mỗi doanh nghiệp bình quân tạo ra hơn 2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giải quyết hơn 20 việc làm.
Như vậy, chúng ta đang tiệm cận 1 triệu doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 68,2%, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 30,5%, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 1,3%, thể hiện xu hướng dịch chuyển rõ nét từ nông nghiệp sang dịch vụ. Như thế, mỗi triệu doanh nghiệp sẽ giải quyết 20 triệu việc làm và tạo ra 2.000.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Doanh nhân vì thế ngày càng có vai trò.
Năm 2004, Ngày Doanh nhân ra đời, vị thế của doanh nhân được chính thức công nhận. 20 năm qua, doanh nhân với bao thăng trầm, vinh, nhục, thành công, thất bại. Rất nhiều doanh nghiệp ra đời với bao kỳ vọng, nhưng không thể trụ nổi, phải phá sản hoặc tạm đóng cửa. Vì rất nhiều lý do khác nhau, doanh nghiệp tư nhân đông mà chưa mạnh, có đến 67,1% siêu nhỏ, 26,4% nhỏ.
Trước khi trả lời được câu hỏi tại sao doanh nghiệp tư nhân không thể lớn, không muốn lớn mà nhiều chuyên gia hay đặt ra, phải nhìn nhận thực tế rằng đại đa số doanh nghiệp của ta có năng lực hạn chế, khó có thể hợp tác với các doanh nghiệp FDI hay tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn, gần như không thể được hưởng lợi từ chuỗi giá trị toàn cầu.
Vòng đời doanh nghiệp Việt cũng rất ngắn. Không ít doanh nhân vi phạm pháp luật bị xử lý, tạo lên một bức tranh sáng, tối đan xen. Nhưng trên hết, doanh nhân vẫn nỗ lực vươn lên trở thành lực lượng hàng triệu người, làm việc không biết mệt mỏi, không kể ngày đêm để phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước, mang hình ảnh đại diện đất nước ra thế giới.
Trước đây, người nước ngoài biết đến Việt Nam qua các bộ phim về chiến tranh. Ngày nay, họ biết qua các sản phẩm công nghệ (xe điện Vinfast, phần mềm, điện thoại thông minh), công nghiệp (quần áo, giày dép, đồ điện tử), sản phẩm nông nghiệp (gạo, cafe, hạt điều, hạt tiêu, sữa Vinamilk, TH true milk, gạo ST25) hay các món ăn hồn cốt như phở, bánh mỳ.
Nhiều người nước ngoài tôi gặp đều khen quần áo, giày dép “made in Vietnam” đẹp và bền hơn hẳn các nước sản xuất khác. Ngày càng nhiều người biết đến áo dài, nón lá, biết đến các khu nghỉ dưỡng biển đảo của chúng ta. Nhiều bà con Việt kiều có dịp trở về quê hương đều ngỡ ngàng trước những thay đổi thần kỳ của đất nước. Tất cả những thứ đó đều có đóng góp nhiều ít từ doanh nhân. Thế thì, doanh nhân cần một thông điệp mới, một câu chuyện kể mới đúng với công sức của họ.
Trên thế giới, rất nhiều bộ phim, sách, tiểu thuyết, thi ca, nhạc họa, các câu truyện huyền thoại về doanh nhân như Morita Akio, Kiichiro Toyoda, Lee Kun Hee, Lý Gia Thành, Jamsetji Tata, Bernard Arnault, Rockerfeller, Bill Gates, Steve Job, Larry Page, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Jeff Bezos….
Các câu chuyện về doanh nhân Donald Trump nhiều, ly kỳ hơn viết về Tổng thống thứ 45 và có thể là Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Cuốn Nghĩ lớn để thành công của TRUMP, Made in Japan của Morita Akio, Không bao giờ là thất bại - Tất cả chỉ là thử thách của nhà sáng lập Hyundai Chung Ju-yung, Gã nghiện giày của Phil Knight, Warrren Bufett - Quá trình hình thành một nhà tư bản Mỹ, Bezonomics - Kinh tế học Bezos, tiểu thuyết lãng mạn Sao chiếu mệnh… và muôn vàn tác phẩm khác đang kể những câu chuyện tích cực về doanh nghiệp, doanh nhân toàn cầu.
Môi trường tự do kinh doanh đã tạo lên các cường quốc kinh tế và những siêu doanh nhân như Elon Musk - Tỷ phú giàu nhất thế giới, ông chủ của Space-X, Tesla, Neuralink, mạng xã hội X (twitter), SolarCity, The Boring Company, xAI với giá trị hàng nghìn tỷ đô la, với giấc mơ đưa con người lên Sao Hỏa.
Phải nói thêm rằng, trên thế giới chỉ có rất ít cường quốc làm chủ công nghệ tên lửa, Space-X là tập đoàn tư nhân duy nhất làm được điều này, thậm chí còn là nhà tiên phong tái sử dụng tên lửa đẩy, nhờ thế Space- X có thể phóng nhanh hơn với giá thành rẻ hơn.
Chuyện kể về doanh nhân Bạch Thái Bưởi cuối thế kỷ 19 hay về Trương Gia Bình, Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Trần Đình Long, Thái Hương, Trần Bá Dương, Nguyễn Thị Phương Thảo… ngày nay luôn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp làm doanh nhân.
Tuy thế, chuyện về các doanh nhân Việt còn tản mạn, rời rạc, phần lớn mới chỉ dừng lại ở các bài viết trên báo, trên mạng xã hội. Sách về doanh nhân còn ít, tiểu thuyết về doanh nhân còn ít, thi ca, nhạc họa về doanh nhân còn ít, tự chuyện của doanh nhân còn ít nữa.
Một số bộ phim trên truyền hình thường “vẽ” chân dung doanh nhân “phản diện”, gây hiểu lầm về cộng đồng doanh nhân nói chung. Tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành, bài hát “Đời doanh nhân” của Trần Tiến, “Ngẫu hứng doanh nhân” của Thanh Cường là những tác phẩm rất hiếm chạm đến trái tim. Phải chăng nghĩ, nói, viết, sáng tác, làm phim … về doanh nhân Việt là nhạy cảm?
Để doanh nhân, gồm cả các doanh nhân của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được cộng đồng, xã hội đánh giá đúng vai trò, đúng nhân hiệu, rất cần thêm nhiều câu chuyện kể thực, thiện chí, chia sẻ, động viên, ủng hộ về họ để cộng đồng, xã hội đều nghe cùng một câu chuyện kể về doanh nhân theo hướng tích cực, doanh nhân dân tộc, tự lực, tự cường, cống hiến.
Chỉ như thế, bức tranh về doanh nhân Việt mới nổi bật với những gam màu tươi sáng. Điều này sẽ giúp cộng đồng doanh nhân được khích lệ, có niềm tin, ngày càng dấn thân, phát triển, thành công, đóng góp ngày càng nhiều cho sự hưng thịnh của đất nước ở kỷ nguyên mới của dân tộc - nơi doanh nhân kỳ vọng có môi trường kinh doanh kiến tạo, một môi trường an toàn.
Giữa tiền tài và sinh mệnh, ai cũng sẽ chọn vế thứ hai. Môi trường thực sự thân thiện với kinh doanh, an toàn mới thuyết phục hàng triệu doanh nhân toàn tâm, toàn ý phát huy hết năng lực, tiên phong đổi mới sáng tạo trên quê hương mình, tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước.
Thông điệp Kỷ nguyên Vươn mình đã có. Giờ là lúc cho câu chuyện kể hoàn toàn mới về Doanh nhân.
Luật sư, Tiến sỹ Đoàn Văn Bình sinh năm 1971 ở Hà Nam là nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn CEO. Ông đồng thời cũng giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA); thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB); thành viên Hội đồng Trường Đại học Hà Nội (HANU); giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU); Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ông Đoàn Văn Bình đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3.
Bùng nổ thế hệ doanh nhân mới
- Khát vọng của vua thép Trần Đình Long 13/10/2024 10:00
- Ông Trần Bá Dương: Đam mê chinh phục những thách thức 13/10/2024 09:30
- Bản sắc Phạm Nhật Vượng 13/10/2024 08:30
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.