Ông Trần Bá Dương: Đam mê chinh phục những thách thức
(VNF) - Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, đối diện muôn vàn thử thách, khó khăn, ông Trần Bá Dương đã vươn lên trở thành một tỷ phú USD với cơ nghiệp đồ sộ trên nhiều lĩnh vực.
Quyết định táo bạo của chàng trai nghèo mồ côi cha từ sớm
Sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 7 người con tại vùng đất cố đô Huế, Trần Bá Dương trải qua tuổi thơ đầy vất vả. Bất hạnh hơn, ông sớm mồ côi cha, gánh nặng gia đình đặt lên vai người mẹ tảo tần. Sự cơ cực của mẹ và những năm tháng vất vả khi mồ côi cha là động lực thôi thúc ông phải làm giàu, phải thành công để gia đình được sung túc hơn. Ông vừa đi học, vừa bươn chải tự nuôi sống bản thân cũng như không ngừng nuôi dưỡng trong mình hoài bão, nhiệt huyết, sẵn sàng dấn thân vào những thách thức. Những nhọc nhằn sớm khuya đã được tôi luyện nên một nhân tài, một doanh nhân với ý chí kiên định và quyết tâm sắt đá.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư trên tay, Trần Bá Dương trở thành kỹ thuật viên xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai. Công việc đầu tiên của vị doanh nhân tương lai được giao là vét mỡ bò. Thế nhưng, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng niềm say mê với công việc, ông đã cho ra đời dự án “Chuyển đổi tay lái nghịch” và may mắn được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận. Con đường sự nghiệp của ông nhờ vậy mà có những thay đổi và phát triển vượt bậc.
Năm 1997, ông Dương quyết định nghỉ việc tại công ty và tự thành lập xưởng sửa chữa ô tô của riêng mình. Cũng trong năm đó, ông thành lập công ty riêng, lấy tên con trai để đặt tên là Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải. Khi mới bắt đầu thành lập, công ty chủ yếu kinh doanh xe đã qua sử dụng. Những chiếc xe đã qua sử dụng, sau khi được nhập khẩu về sẽ được tân trang lại rồi tung ra thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng cung cấp các loại phụ tùng xe cần thiết cho người sử dụng.
Ông Trần Bá Dương chính là người đầu tiên tại Việt Nam sản xuất xe du lịch với nhiều thành tựu và dấu ấn đặc biệt. Ông đã từng bước đưa Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên với 100% vốn trong nước sản xuất và lắp ráp xe du lịch. Chính điều này là nền tảng quan trọng, mở ra những cơ hội phát triển cực lớn cho hãng xe mà ông đứng đầu, cùng là kết quả ngọt ngào của những quyết định táo bạo của chàng kỹ sư nghèo năm nào.
Tuy nhiên, thách thức lớn của doanh nhân Trần Bá Dương trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp phương tiện vận tải đó là quyết định đến Chu Lai - một vùng đất rất nghèo của tỉnh Quảng Nam. Chu Lai được ông chọn là cơ sở sản xuất chính của công ty với các nhà máy lắp rắp xe du lịch, xe tải, xe khách, các nhà máy gia công cơ khí, các nhà máy hóa chất.
Ông đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo, mời các doanh nghiệp vào Chu Lai, mở ra nhiều cơ hội để đầu tư phát triển về công nghiệp phụ trợ, sẵn sàng đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những nhân tài muốn khởi nghiệp hợp tác với doanh nghiệp sản xuất có công nghệ ở nước ngoài, để cùng làm nhà cung ứng phụ kiện cho THACO. Nhờ đó, doanh nghiệp mà ông chèo lái không chỉ chiếm vị trí đứng đầu trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô về sản lượng xe bán ra tại thị trường trong nước mà còn chủ động xuất khẩu nhiều sản phẩm xe buýt, xe tải, xe du lịch… sang các nước ASEAN và thế giới.
Quyết định táo bạo đầu tư vào Chu Lai được xem là một “sự bùng nổ” của ông Trần Bá Dương khi biến điều không thể thành có thể, cũng là minh chứng thép cho tài năng, trí tuệ của một nhân tài. Như ông đã từng chia sẻ: “Với quyết định đầu tư tại Chu Lai, THACO đã trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam và tôi cũng đã trở thành một doanh nhân lớn của đất nước. Có thể nói 15 năm Chu Lai là giai đoạn vươn mình trưởng thành của THACO và cuộc đời doanh nhân của tôi”.
Tham vọng chinh phục thách thức mà “nhiều người không ủng hộ”
Có thể nói, doanh nhân Trần Bá Dương không chỉ là một điển hình về sự vượt khó đi lên, tài năng, sáng tạo và đầy nhiệt huyết, mà còn là một gương sáng về khát vọng vươn lên không ngừng nghỉ, luôn luôn tìm tòi cái mới, mạnh dạn thử thách bản thân để chinh phục những đỉnh cao mới.
Sau khi đã lên đến đỉnh cao của ngành sản xuất ô tô trong nước, doanh nhân Trần Bá Dương bất ngờ rẽ hướng sang kinh doanh bất động sản - lĩnh vực vốn mới mẻ đối với ông và dường như không có sự liên hệ với sản xuất ô tô. Cũng chính vì lẽ đó, có nhiều người không ủng hộ ông khi đưa ra quyết định này. Thế nhưng, doanh nhân Trần Bá Dương không ngần ngại một lần nữa biến điều không thể thành có thể, tiếp tục chinh phục thách thức lớn thứ hai của mình với tầm nhìn và cách làm táo bạo, liều lĩnh.
Ông Trần Bá Dương trở thành tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Quang Minh khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, thị trường bất động sản dường như đóng băng, các doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp vô vàn khó khăn. Đại Quang Minh được thành lập năm 2011 với sự bắt tay của 4 cổ đông là THACO nắm 45% vốn, Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh nắm 37,5%, ông Trần Đăng Khoa và Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế và Tư vấn đầu tư Invecon nắm 17,5%.
Dưới sự điều hành của Trần Bá Dương, Đại Quang Minh trở thành chủ đầu tư dự án khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm, quận 2 (nay là TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM) theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ. Điều khiến ông Trần Bá Dương và Đại Quang Minh “nổi như cồn” về độ “điên” là bởi thời điểm đó dự án đã rơi vào bế tắc suốt hàng thập kỷ, nhiều đại gia bất động sản đã lắc đầu từ chối còn ông Dương lại là “tân binh” trên thị trường bất động sản.
Ông Trần Bá Dương còn đề xuất kế hoạch tham vọng: xây quảng trường lớn nhất Việt Nam tại Thủ Thiêm. Dự án sẽ được Đại Quang Minh thực hiện theo hình thức hợp đồng BT và được cấn trừ vào số tiền chênh lệch mà nhà đầu tư còn phải nộp (khoảng 1.800 tỷ đồng) theo hợp đồng BT dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bốn tuyến đường chính Đại Quang Minh xây dựng đã tạo ra sự thay đổi lớn cho Thủ Thiêm, hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối tốt hơn với khu trung tâm cả bờ Đông và bờ Tây, tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ Thiêm và TP. HCM.
Không dừng lại ở đó, vào tháng 10/2019, ông Trần Bá Dương thông qua Đại Quang Minh sở hữu 100% vốn tại dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar. Đây là dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai, đánh dấu sự chia tay của ông Đoàn Nguyên Đức (“bầu” Đức) đối với lĩnh vực bất động sản. Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính đầu tư phát triển giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 7.400 tỷ đồng.
“Thách thức lớn cuối cùng” - tham vọng nâng tầm nông nghiệp Việt Nam
Sau những thành công, khẳng định vị thế trong lĩnh vực ô tô và bất động sản, doanh nhân Trần Bá Dương không kịp để mình “nghỉ ngơi” quá lâu mà bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp. Và cũng lại một lần nữa, ông Dương khiến nhiều người nghi ngại. Thế nhưng, thay vì “bứt tốc” và táo bạo trong lĩnh vực ô tô, bất động sản, doanh nhân Trần Bá Dương lần này tỏ ra thận trọng và chắc chắn hơn với những quyết định của mình. “Thách thức này đòi hỏi tôi phải rất nỗ lực, nhưng tôi tự tin có thể làm được” - ông Trần Bá Dương chia sẻ.
Ông Trần Bá Dương cùng THACO Group dành hẳn thời gian 2 năm để hỗ trợ “bầu” Đức và Hoàng Anh Gia Lai Agrico tự vực dậy, nhưng khi Hoàng Anh Gia Lai Agrico không thể tự mình gồng gánh, THACO Group mới quyết định mua lại. Khoảng thời gian đó đủ để ông Trần Bá Dương và THACO tìm hiểu và tiếp xúc, hiểu tận chân tơ kẽ tóc của Hoàng Anh Gia Lai Agrico. THACO Group có đủ tài chính lẫn nhân lực để mài giũa viên ngọc thô Hoàng Anh Gia Lai Agrico trở thành một “đế chế” nông nghiệp “vô tiền khoáng hậu” cho Việt Nam.
Tận dụng quỹ đất vàng của Hoàng Anh Gia Lai, THACO phát triển theo chiến lược chuỗi khép kín. Đến nay, không chỉ bắt tay với Tập đoàn Lộc Trời phát triển vùng nguyên liệu, rót hơn 22.000 tỷ đồng vào Hoàng Anh Gia Lai, THACO còn thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp (THADI) để kinh doanh nông sản, xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, xây dựng nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp, sắp sửa đầu tư vào lĩnh vực vật tư nông nghiệp, giống...
Không chỉ đầu tư số tiền rất lớn vào thách thức lớn cuối cùng này, vị lãnh đạo của THACO còn dành nhiều công sức, thời gian, trực tiếp chỉ đạo với tần suất thị sát công trường ít nhất là 2 tuần/lần. Thêm vào đó, ông huy động mọi sự hậu thuẫn của THACO Group về các lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; sự chung tay giúp sức của trí tuệ con người, đội ngũ người lao động đã cùng ông phát triển suốt những năm qua.
Kết quả, doanh nhân Trần Bá Dương đã tạo dựng được những vùng chăn nuôi, trồng trọt lớn khiến người có cơ hội được ngắm nhìn phải ngỡ ngàng, gạt bỏ mọi ánh mắt nghi ngại trước đó về quyết định của ông. Đó là sự thay đổi tích cực về cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng; sự tính toán bài bản về hạ tầng tiện ích, cây giống trong trồng trọt; chủ động nuôi trồng và phát triển tại khu liên hợp nông nghiệp quy mô lớn ở tỉnh Attapeu và Sekong (Lào), không còn nương theo hiện trạng tự nhiên của địa hình để canh tác như trước. Hệ thống hồ đập chứa nước, hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông, các xưởng đóng gói trái cây tươi đã được xây dựng mới với quy hoạch chi tiết, rõ ràng. Vùng trồng chuyên canh cây ăn trái được quy gồm 8.000ha chuối, 2.000ha dứa; vùng trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò rộng 14.000ha (trong đó có 5.000ha cây ăn trái, gồm xoài, bưởi, sầu riêng) cùng đàn bò lên tới 210.000 con.
Không chỉ làm nông nghiệp lớn tại hai nước láng giềng khi “giải cứu” bầu Đức, nhiều dự án nông nghiệp trong nước về nuôi bò, trồng cây ăn trái hay làm vùng sản xuất lúa cũng đang được THACO triển khai nhịp nhàng tại một số địa phương và cho thành quả bước đầu, chuẩn bị được nhân rộng. Được biết, THACO Agri sẽ tiếp tục nghiên cứu để đầu tư trung tâm giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới chuyên dụng thế hệ mới trong nông nghiệp.
Mục tiêu năm 2024 của THACO là xuất khẩu khoảng 380.000 tấn trái cây, thu về khoảng 300 triệu USD; xuất bán ra thị trường 5.500 con bò và 254.000 con lợn, doanh thu ước đạt 9.000 tỷ đồng… Trong năm 2024, THACO Agri tiếp tục đầu tư xây dựng để hoàn thiện mô hình khu liên hợp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích hợp/tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ với sản lượng và chất lượng ổn định (bao gồm 1 khu liên hợp tại Tây Nguyên, 2 khu liên hợp tại Campuchia và 1 khu liên hợp tại Lào).
Năm 2024, doanh thu hợp nhất của Thaco Agri ước đạt 6.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu là 190 triệu USD; tổng vốn đầu tư là 5.800 tỷ đồng. Công ty dự kiến tuyển dụng bổ sung 12.600 nhân sự, đến cuối năm 2024, tổng số nhân sự biên chế của THACO Agri là 34.300 người.
Khi nhìn vào sự phát triển, thay đổi trên lĩnh vực nông nghiệp tại Gia Lai và Tây Nguyên, cũng như những thành tựu thu được của THACO Agri tại 2 đất nước láng giềng có thể thấy sự thành công khi chinh phục thử thách mới của doanh nhân, tỷ phú USD Trần Bá Dương. Chàng kỹ sư nghèo, mồ côi cha từ bé ngày nào đã từng bước vững chắc chinh phục những thử thách của bản thân, khẳng định tầm vóc, giá trị và bản lĩnh của một nhân tài.
Ông nói rằng, Thaco Agri là “thử thách cuối cùng” của ông, thế nhưng cuối cùng chưa hẳn là kết thúc. Việc vị thuyền trưởng THACO sẽ tiếp tục ra khơi, tung lưới và chinh phục những lĩnh vực mới cũng là điều không thể không xảy ra. Như triết lý ông đã từng khẳng định: “Thành công với tôi là phát triển doanh nghiệp không giới hạn, điều chỉnh, tìm kiếm những gì mình chưa có, loại bỏ những gì chưa và không cần thiết dù đó đã từng là thế mạnh của mình”.
THACO kiến tạo ‘giá trị thật’, hướng tới phát triển bền vững
- Thaco: Từ 'vua' ô tô đến đại gia địa ốc 12/02/2024 11:11
- Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương huy động thành công 8.700 tỷ trái phiếu 15/11/2023 11:49
- Thaco Group hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghiệp nặng Sơn Đông 05/11/2023 04:48
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.