'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Bến Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. HCM), những ngày cuối năm, khách ra vào tấp nập. Bên những con tàu cao tốc trắng muốt là những ly bia sóng sánh ánh vàng. Bia Hoàng Sa, bia Trường Sa – những sản phẩm mới nhất của doanh nhân Trần Song Hải, vừa ra mắt hôm 19/1, đã tạo nên một sự chú ý đặc biệt, lôi cuốn nhiều người tới thưởng thức.
Ông Hải là một gương mặt quen thuộc: CEO DPConsulting – nhà phân phối hàng đầu về máy phát điện và thủy động cơ, CEO GreenlinesDP – nhà cung cấp dịch vụ tàu cao tốc trên sông Sài Gòn. Ông Hải cũng nổi danh là một cổ động viên cuồng nhiệt của bóng đá Việt Nam, người từng gửi “rượu tự trọng” cho các thành viên Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, gây tiếng vang một thuở. Bây giờ, ông mở thêm một nhánh kinh doanh hoàn toàn mới – nhà sản xuất bia thủ công và là CEO của Công ty TNHH Seefahrer Premium Beer.
Hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, trải qua biết bao thăng trầm vinh nhục, ông Hải nếm đủ hỉ nộ ái ố của đời người. Thế nên khi nghe ai đó nói rằng ông đang kinh doanh lòng yêu nước khi gắn tên Hoàng Sa – Trường Sa lên vỏ chai bia, ông chỉ bình thản: “Chín người mười ý, ai nói gì thì nói thôi, còn tâm mình sáng, không có gì phải e ngại”.
Là con trai của một người lính hải quân, từng chiến đấu tại Hoàng Sa, tuổi thơ ông Hải đã được người cha kể nhiều về biển đảo. Đến khi lập nghiệp, tâm thức biển đảo dẫn lối khiến những lĩnh vực kinh doanh của ông cũng gắn liền với biển đảo: DPConsulting cung cấp động cơ cho những tàu chấp pháp của Hải quân Việt Nam, GreenlinesDP kết nối giữa đất liền và hải đảo bằng những con tàu cao tốc, Z189 là đối tác đóng tàu nhiều năm…
“Tôi mang một cảm giác đặc biệt về biển đảo, muốn chia sẻ cảm giác ấy cho mọi người để nhiều người cùng về với biển”, ông Hải nói.
Việc sản xuất bia Hoàng Sa – Trường Sa của ông Hải vừa tình cờ mà cũng vừa tất yếu. Trong một chuyến công tác tại Đức, ông nhận thấy bia Đức có chất lượng rất tốt nên đã mua công nghệ sản xuất bia thủ công và mời hẳn một chuyên gia nấu bia của Đức về Việt Nam làm việc.
Trong lần gặp gỡ với một lãnh đạo của Quân chủng Hải quân – nay là lãnh đạo cao cấp của Bộ Quốc phòng, nhân dịp đón tiếp tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ vào thăm Đà Nẵng, vị lãnh đạo này đã gợi ý ông Hải đặt tên cho loại bia mới.
“Anh ấy nói Trung Quốc có bia Thanh Đảo, Nhật Bản có bia Sapporo và Kirin là những hòn đảo nổi tiếng, vậy mình phải có bia Hoàng Sa và Trường Sa. Anh ấy còn đề nghị mình phải ghi tên bia bằng tiếng Anh để quốc tế biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Mình nghe rất xúc động nên đã lập tức triển khai”, ông Hải kể.
Hành trình cho ra đời bia Hoàng Sa – Trường Sa cũng hề không đơn giản. Nghiên cứu thói quen tiêu dùng, ông Hải nhận thấy người Việt Nam thường cho nước đá vào bia, khiến bia bị pha loãng. Vì vậy, phải tạo ra một vị bia chuẩn, dẫu cho nước đá vào cũng không bị nhạt, hương vị phải nhẹ nhàng, lại phù hợp với sự đa dạng của đồ ăn Việt Nam.
“Mình lấy hương liệu ở một số tiểu bang của Đức, nấu thử ròng rã trong 7 tháng mới ra được vị bia ưng ý, uống nhẹ, vị rất dịu và thơm, phù hợp với các món ăn Việt. Mình mời bạn bè thử bia nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, ai cũng khen, vậy là mình cho sản xuất nhiều và chính thức ra mắt hôm 19/1”, ông Hải cho hay.
Kể từ ngày ra mắt, bia Hoàng Sa – Trường Sa đã gây được tiếng vang, được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi. Dù giá bán không rẻ nhưng công ty bia của ông Hải vẫn sản xuất không kịp đơn đặt hàng.
Trong những ngày cuối năm, vừa thúc đẩy sản xuất, ông Hải vừa cùng chuyên gia Đức đi khắp nơi tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế để sản phẩm có giá phù hợp hơn với túi tiền của mọi người.
“Tôi kinh doanh bia, điều đó không có gì phải phủ nhận, nhưng qua những chai bia mang tên 2 quần đảo thân thương của Tổ quốc, tôi muốn tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, không chỉ với người dân trong nước mà còn với bạn bè quốc tế. Bia Hoàng Sa – Trường Sa vừa qua đã xuất ngoại rồi”, ông Hải trải lòng.
Là người nặng lòng với biển đảo, ông Hải từng đóng góp cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 2 tổ máy phát điện, cho Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa 1 tổ máy phát điện thông qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Ông cũng hợp tác với Công ty TNHH MTV 189 (tức Z189 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) về sản xuất tàu cao tốc, tạo ra doanh thu đáng kể cho đơn vị này.
Tính tổng thể, ông Hải đang có trong tay đội tàu 12 chiếc (chưa tính 2 chiếc chuẩn bị xong), trong đó: 5 chiếc 300 khách, 2 chiếc 230 khách, 1 chiếc 350 khách, 3 chiếc 600 khách và 1 chiếc 1.017 khách.
“Tháng 4 tới, mình sẽ hạ thủy tàu 1.017 khách, đây là loại tàu hiện đại, gần như lớn nhất khu vực Đông Nam Á và có thứ hạng ở châu Á – Thái Bình Dương. Tàu này hoạt động đường dài và có khả năng vươn đến tất cả đảo của Việt Nam”, ông Hải hồ hởi.
Nhận định về ngành đóng tàu, ông Hải tự tin Việt Nam có đủ thực lực để làm, kể cả đóng tàu quân sự. Mặt khác, với việc triển khai đóng trong nước và nhập động cơ của Roll Royce, tàu của Việt Nam hơn hẳn về chất lượng so với tàu một số nước mà giá thành lại rẻ hơn nhiều lần.
“Chúng ta chắc chắn sẽ xuất khẩu tàu ra nước ngoài, vì giá rất cạnh tranh, cùng một chất lượng nhưng chi phí của ta rẻ hơn nước ngoài tới 30 – 40%”, ông Hải nói.
Nói về tương lai, ông Hải kỳ vọng năm 2021, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ trở lại bình thường. Nhưng trong một thời cuộc có quá nhiều biến động, không ai nói trước được điều gì.
“Đây là giai đoạn đặc biệt, kinh tế - chính trị thế giới sẽ còn đổi thay rất nhiều sau Covid-19, tôi chỉ mong góp một phần sức lực nhỏ bé để nâng cao ý thức về chủ quyền biển đảo”, ông nói khi nhìn về những con tàu trắng muốt đang đậu tại bến Bạch Đằng.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.