Đổi 'thuyền trưởng', Boeing và Nike vẫn 'lao đao' trước sóng lớn

Quỳnh Anh - 29/10/2024 16:36 (GMT+7)

(VNF) - Nike và Boeing, những công ty tiêu biểu của nền kinh tế Mỹ, hiện đang phải đối mặt với tình trạng hết sức khó khăn dù đã đổi CEO để tìm hướng đi mới.

Cả hai công ty này đều đang ở trong những thời kỳ đầy thách thức với những vị "thuyền trưởng" hoàn toàn mới mẻ trong khi việc "lèo lái" những con tàu khổng lồ đã tồn tại nhiều thập kỷ chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Nike "quay cuồng" với một chiến lược phù hợp

Mặc dù không được nhắc tới nhiều, nhưng tình trạng của Nike hiện tại không thể nói là "khả quan".

Cổ phiếu của công ty đã giảm khoảng 25% trong năm nay và doanh thu giảm 10% trong quý II so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9, công ty có một ông chủ mới mà mọi người đều hy vọng sẽ đưa những ý tưởng lớn vào để đưa thương hiệu trở lại thời kỳ hoàng kim trước đây.

Ông Elliott Hill, một cựu giám đốc điều hành kỳ cựu của Nike, đã trở thành "thuyền trưởng" mới của con tàu này.

Vấn đề của Nike bắt nguồn từ những sai lầm về chiến lược, như không tập trung đủ vào việc tạo ra những đôi giày đẹp đi kèm chất lượng, cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các thương hiệu mới nổi trẻ hơn như Hoka và On.

Ông Brian Nagel, một nhà phân tích tại Oppenheimer, cho biết Nike "trở nên lỏng lẻo hơn trong việc đổi mới sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chạy bộ, khi các thương hiệu mới nổi bắt đầu được ưa chuộng".

Bên cạnh đó, khách hàng đang thay đổi hành vi của mình, từ bỏ việc mua giày thể thao đắt tiền và quần áo thể thao tùy ý để mua những thứ cơ bản và trải nghiệm như hòa nhạc và du lịch, cũng khiến công ty thêm khó khăn.

Không chỉ vậy, những nỗ lực thay đổi chiến lược phân phối của Nike đã phản tác dụng.

Trong những năm gần đây, công ty đã cắt giảm số lượng các nhà bán lẻ truyền thống bán hàng hóa của mình, đồng thời cố gắng chuyển khách hàng sang các kênh riêng của mình, đặc biệt là trực tuyến. Nhưng sự thay đổi này được thực hiện quá đột ngột và gây tổn hại đến doanh số của Nike. Nike đã đưa một số nhà bán lẻ mà họ đã cắt giảm ban đầu trở lại.

Tiếp quản vị trí CEO của Nike trong sự ủng hộ của thị trường, ông Elliott Hill bước đầu đã "trấn an" được hội đồng quản trị thông qua việc gia hạn hợp tác giữa Nike với NBA và WNBA thêm 12 mùa giải, đảm bảo biểu tượng swoosh sẽ tiếp tục xuất hiện trên đồng phục và trang phục chính thức của giải bóng rổ chuyên nghiệp.

Giờ đây, mọi người đều đang chờ đợi vị CEO mới của công ty sẽ đưa ra chiến lược gì để khiến những đôi giày của hãng chiếm lĩnh lại thị trường.

Mớ "hỗn độn" chưa có hồi kết tại Boeing

Là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, "gã khổng lồ" Boeing đang trong tình trạng khó khăn chưa từng có.

Năm 2019, khi vụ tai nạn chết người thứ hai của máy bay chở khách chủ chốt 737 Max khiến máy bay này phải ngừng hoạt động trong 20 tháng, Boeing đã báo cáo lỗ trong hầu hết mọi quý kể từ đó.

Đến đầu năm nay, một chốt cửa đã bị thổi bay khỏi máy bay phản lực 737 Max của Alaska Airlines ngay sau khi cất cánh. Mặc dù không có ai bị thương nghiêm trọng, sự cố này đã làm dấy lên nhiều cuộc điều tra liên bang và các câu hỏi về chất lượng và sự an toàn của máy bay phản lực Boeing, đẩy công ty này "chìm sâu" trong tình trạng thua lỗ và quay cuồng với những cuộc điều tra.

Trong báo cáo tài chính mới nhất (QIII/2024), Boeing báo cáo khoản lỗ ròng của công ty tăng vọt lên 6,2 tỷ USD từ 1,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước, trong đó khoản lỗ hoạt động 4 tỷ USD đến từ đơn vị máy bay thương mại.

Không thể không kể tới những thiệt hại khi hoạt động đình công của hơn 33.000 thợ máy đã kéo dài tới hơn 6 tuần. Ngày 23/10, những công nhân công đoàn tiếp tục từ chối lời đề nghị quay lại làm việc của Boeing, nghĩa là việc ngừng làm việc khiến công ty mất khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng sẽ tiếp tục.

Vòng xoáy hỗn độn và tồi tệ này chưa có dấu hiệu cải thiện từ khi ông Kelly Ortberg tiếp quản vị trí CEO Boeing từ tháng 8, hoặc thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Vị CEO mới này chia sẻ về tình trạng công ty: “Rõ ràng là chúng tôi đang ở ngã ba đường. Niềm tin vào công ty của chúng tôi đã bị xói mòn. Chúng tôi đang gánh quá nhiều nợ. Chúng tôi đã có những sai sót nghiêm trọng trong hiệu suất của mình trên toàn công ty, điều này đã làm thất vọng nhiều khách hàng của chúng tôi”.

“Điều này sẽ không được giải quyết chỉ trong một lần. Có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi đang phải giải quyết ở đây. Chúng tôi thực sự cần bắt tay vào một sự thay đổi văn hóa, không chỉ là một tấm áp phích trên tường, mà là một hướng dẫn về cách công ty ứng xử hàng ngày”, ông Kelly cho biết.

Theo CNN
Volkswagen trượt dốc:  'Báo động đỏ' cho kinh tế Đức

Volkswagen trượt dốc: 'Báo động đỏ' cho kinh tế Đức

Tài chính quốc tế
(VNF) - Đối với nền kinh tế Đức, không có ngành công nghiệp nào quan trọng hơn hơn ô tô và cũng không có nhà sản xuất ô tô nào quan trọng hơn Volkswagen. Những khó khăn của Volkswagen cũng đang được phản ánh trong những rắc rối chung mà Đức đang phải đối mặt.
Cùng chuyên mục
Tin khác