Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu từ tháng 10

Minh Đăng - 09/09/2021 11:56 (GMT+7)

(VNF) - Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết "gã khổng lồ" khí đốt của Nga Gazprom sẽ bắt đầu vận chuyển khí đốt tới Đức thông qua nhánh đầu tiên của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ ngày 1/10.

VNF
Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ vận chuyển khi đốt từ Nga tới châu Âu từ tháng 10.

Tuy nhiên, cũng theo nguồn thạo tin của Bloomeberg, thời gian thực tế để khí đốt của Nga tiếp cận được với lưới khí đốt của châu Âu sẽ phải phụ thuộc vào quyết định của cơ quan quản lý Đức.

Mới đây, Nord Stream 2 AG, công ty điều hành dự án lắp đặt đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, ngày 6/9 cho biết các chuyên gia trên tàu Fortuna đã hàn đường ống cuối cùng của nhánh thứ hai tuyến đường ống dẫn khí đốt này.

Cũng theo thông báo của Nord Stream 2 AG, bước tiếp theo sẽ là thực hiện việc kết nối đoạn đường ống dẫn khí đốt chạy từ bờ biển nước Đức với đoạn từ vùng biển Đan Mạch theo phương pháp nối trên mặt nước. Sau đó việc vận hành thử sẽ được thực hiện trên nhánh thứ hai.

Gazprom đang nhắm mục tiêu sẽ khơi thông cả 2 nhánh của tuyến đường ống từ tháng 12 năm nay.   

Theo Bloomberg, tuyền đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giải tỏa "cơn khát" khí đốt khi thị trường châu Âu đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh mùa đông đang tới gần và giá khí đốt đang ở mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, Dòng chảy phương Bắc 2 cần phải nhận được chứng nhận kỹ thuật và bảo hiểm, điều này có thể gặp thách thức do các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt vào năm ngoái

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.

Dòng chảy phương Bắc 2 cũng làm dấy lên một số quan ngại rằng dự án có thể ảnh hưởng đến kinh tế, năng lượng của các nước Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Ukraine.

Tính tới thời điểm hiện tại, đa số các công ty tham gia vào dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đã bị trừng phạt hoặc bị cảnh báo sẽ chịu lệnh cấm vận từ Mỹ, dù vậy vẫn không ngăn cản được dự án này hoàn thiện.

Xem thêm >> Intel ‘chơi lớn’, đầu tư 95 tỷ USD xây nhà máy chip tại châu Âu

Theo Bloomberg, TASS
Cùng chuyên mục
Tin khác