Động lực cho phát triển trong kỷ nguyên mới
(VNF) - Bối cảnh phát triển mới với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó khó khăn có phần nổi trội hơn; khát vọng phát triển đất nước lại rất lớn, do vậy để đạt được các mục tiêu đặt ra cần phải có những nỗ lực “phi thường”, cần phải “vượt qua chính mình”.
Sau gần 40 năm đổi mới (từ năm 1986), Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2008 và đang bước vào kỷ nguyên mới, trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; nước có thu nhập cao vào năm 2045 theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đây là giai đoạn phát triển khác về chất và việc đạt được các mục tiêu này sẽ khó hơn rất nhiều so với việc đạt được các mục tiêu của giai đoạn trước. Bởi vì:
Thứ nhất, thực tiễn phát triển của các nước trên thế giới cho thấy, chỉ có một số ít quốc gia trên thế giới (chiếm khoảng ¼ dân số thế giới) vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao.
Thứ hai, Việt Nam đang phải chịu tác động nhiều chiều từ bối cảnh thế giới, vốn đang thay đổi rất nhanh, mạnh, khó lường, khó dự báo, không có tiền lệ dưới tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề an ninh truyền thống như xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền…; các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cách mạnh công nghiệp 4.0… trong điều kiện nền kinh tế có độ mở rất cao.
Thứ ba, mặc dù đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế đã tồn tại từ trước nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Điều này đã được chỉ ra rất rõ trong bài viết về chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thứ tư, tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI/người) của Việt Nam đang ở mức khá thấp so với mục tiêu đặt ra trong khi thời gian cần có để đạt được mục tiêu này không còn nhiều. Năm 2023, GNI/người của Việt Nam đạt mức 4.180 USD, trong khi theo phân loại của Ngân hàng Thế giới năm 2024, để trở thành nước thu nhập trung bình cao mức GNI/người phải đạt là 4.466-13.845 USD và để trở thành nước thu nhập cao, mức GNI/người phải đạt là trên 14.000 USD, chưa nói đến việc mức chuẩn GNI/người này liên tục được nâng cao thêm hằng năm. Thêm vào đó, so với GDP, GNI của Việt Nam lại đang ngày càng nhỏ hơn: Giai đoạn 2010 - 2022, bình quân GNI chiếm khoảng 95,37% GDP, trong khi giai đoạn 2001 - 2009 là 97,24%.
Thứ năm, với GDP/người ở mức 4.284 USD, theo phân loại của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2014, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cần tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời tạo dựng các nền tảng cho giai đoạn phát triển chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, mặc dù đã được nâng lên một bước nhưng hiệu quả quả lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.
Đối với nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng trong bối cảnh Việt Nam đang nằm trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp và tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ; tỷ lệ thất nghiệp thấp; năng suất lao động liên tục tăng (NSLĐ) ; chỉ số phát triển con người (HDI) luôn được duy trì ở mức trên 0,7 là mức cao trong số các nước có mức thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, chất lượng lao động của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là cho những ngành kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…). Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đến năm 2023, mới đạt 27,2%; tỷ lệ lao động đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động.
Cơ cấu lao động bất hợp lý không chỉ theo trình độ mà cả theo các vùng, miền. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” khá phổ biến: Năm 2023 tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên - cao đẳng - trung cấp - sơ cấp tương ứng là 1 - 0,32 - 0,33 - 0,49. Tỷ lệ lao động phi chính thức cao (khoảng 65% tổng lực lượng lao động).
Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, năng suất lao động thấp và tốc độ tăng năng suất lao động đang có xu hướng giảm dần, không đạt được các mục tiêu đặt ra.
Năng suất lao động năm 2023, tăng 3,65% so với năm trước, bình quân mỗi năm giai đoạn 2011 - 2015, tăng 4,53%/năm; giai đoạn 2016 - 2020, tăng 6,05%/năm; giai đoạn 2021 - 2023, tăng 4,35%/năm.
Đối với nguồn vật lực
Tài nguyên thiên nhiên (đất đai, rừng, khoáng sản, tài nguyên biển, đảo, đa dạng sinh học, nước) được khai thác, quản lý và sử dụng hợp lý hơn. Nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thuỷ lợi, cung cấp điện, cung cấp nước, thông tin và truyền thông, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế…) ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và xã hội. Các doanh nghiệp (cả nhà nước và tư nhân), hộ kinh doanh cá thể hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; xuất hiện một số doanh nghiệp lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững và tiết kiệm; vẫn còn xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng và tiêu cực. Nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới; thiếu kết nối nội vùng, giữa các vùng, giữa các cực phát triển và cơ sở hạ tầng chiến lược; khả năng chống chịu với thiên tai, thời tiết khắc nghiệt và thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp.
Các doanh nghiệp chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực thấp cả về vốn, công nghệ, lao động và kỹ năng quản lý. Chưa có doanh nghiệp lớn có thương hiệu và năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.
Khoa học - công nghệ (KH&CN) chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhân lực khoa học - công nghệ thiếu cả về số lượng và chất lượng. Tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN hiện đang thấp hơn so với mục tiêu chiến lược 1% GDP vào năm 2025, mà Chính phủ đã đề ra.
Nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu và triển khai của các doanh nghiệp cũng ở mức hạn chế, chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi cho KH&CN cả nước.
Đối với nguồn tài lực
Nguồn lực tài chính công đã được phân bổ, quản lý, đầu tư hợp lý và tập trung hơn. Các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều ở trong ngưỡng an toàn, dưới mức trần theo quy định của Quốc hội. Nguồn lực trong lĩnh vực tiền tệ (tín dụng, ngoại hối), hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, được huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng hợp lý hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công chưa cao. Chỉ số hiệu quả đầu tư công (ICOR) cao và có xu hướng tăng, từ 5,39 những năm 2011 - 2015 lên 6,58 những năm 2016 - 2020 và 9,29 trong những năm 2021 - 2023. Hiệu quả đầu tư còn được thể hiện qua chỉ số lan tỏa kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2023, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% - 6% tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế, nhưng khu vực này tạo ra 12% - 16% GDP của cả nước; trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tuy tạo ra 33% - 38% GDP, nhưng vốn đầu tư của khu vực này chiếm tới 38% - 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước; khu vực dịch vụ tạo ra 39% - 43% GDP, nhưng vốn đầu tư chiếm tới 47% - 58%.
Chi phí đầu vào cho sản xuất biểu hiện qua tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua các năm, tăng từ mức 62,20%, năm 2010 lên mức 63,82% năm 2015 và mức 65,54% năm 2023.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của Việt Nam luôn ở mức trên 75% kể từ năm 2010, tăng lên mức 78,21% năm 2023.
Cường độ năng lượng có xu hướng tăng lên. Giai đoạn 2016 - 2020, cường độ năng lượng tăng từ 3,65 MJ/USD năm 2016 lên 4,03 MJ/USD năm 2020, bình quân mỗi năm trong giai đoạn này cường độ năng lượng tăng 0,098 MJ/USD.
Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua đã cải thiện đáng kể, giai đoạn 2011-2015 đạt 27%, giai đoạn 2015 - 2021 đạt mức 36%, nhưng tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa trên đóng góp của vốn và lao động.
Nguồn lực trong lĩnh vực tiền tệ,hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm còn chứa đựng nhiều rủi ro, chưa bền vững, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế và yêu cầu phát triển mới.
Những phân tích ở trên cho thấy, để tạo ra 1 đồng GDP chúng ta đang phải tiêu tốn nhiều vốn, năng lượng và lao động hơn, trong khi tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh, cạnh tranh về vốn ngày càng khốc liệt hơn; những tác động tiêu cực của các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng mạnh hơn…
Nếu tình trạng này tiếp tục, nguy cơ phụ thuộc vào bên ngoài, tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất lớn.
Để đất nước vươn mình, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được các mục tiêu đã đặt ra và vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tiên tiến, văn minh, hiện đại, cần có những giải pháp mang tính đột phá, giải phóng sức sản xuất và khơi thông nguồn lực, nhất là tạo sự đột phá trong quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế theo các định hướng sau:
Thứ nhất, cần xác định rõ và thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó giúp thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; giúp tránh được nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình; tạo động lực đưa nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quản lý và sử dụng các nguồn lực. Tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; lấy người dân làm trung tâm, người dân tham gia, thụ hưởng kết quả quản lý và sử dụng các nguồn lực; tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với kiểm tra, giám sát và trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.
Thứ ba, kiên trì và phát huy ở mức cao nhất các động lực phát triển, nhất là các động lực mới, nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là các nguồn lực mới.
Một số mục tiêu động lực
Một là, mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là động lực xuyên suốt và bao trùm; thể hiện sự kết hợp hài hoà động lực về vật chất và động lực về tinh thần; giữa lợi ích quốc gia - dân tộc, với lợi ích của từng người dân, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết, trước hết.
Hai là, giá trị văn hóa, con người Việt Nam với khát vọng phát triển, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, sự đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc. Đây là động lực quan trọng nhất; là sự kết nối giữa mục tiêu, nguồn lực và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, văn hóa là nền tảng của sự phát triển; con người có trí tuệ, năng lực, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức, nhân cách, trung thực nhân ái là trung tâm; đồng thời, là mục tiêu, vừa là nguồn lực nội sinh vừa là động lực của sự phát triển. Sự phát triển là vì con người và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Khát vọng phát triển, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, sự đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc là những động lực tinh thần không có giới hạn cho phát triển, nếu được động viên và phát huy đúng cách vì sự phát triển chung. Một ví dụ để minh chứng là Tuần lễ vàng được thực hiện vào năm 1946 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập không lâu, với sự khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, cuộc vận động đã thu được 370 kg vàng và 20 triệu đồng, tương đương với tổng số thuế thân và thuế điền thổ thu được trong 1 năm. Qua đó, đã góp phần giúp Chính phủ non trẻ vượt qua được cơn nguy khốn do ngân khố trống rỗng, tài chính kiệt quệ, có được nguồn lực để chống “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”.
Ba là, đổi mới nền kinh tế, cụ thể là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, gắn với hội nhập quốc tế sâu, rộng. Đâylà động lực mang tính cách mạng; là cuộc cách mạng về hoàn thiện quan hệ sản xuất, giải phóng và mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Bởi vì, nó giúp phá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp; phá bỏ cơ chế phát triển kinh tế cô lập, khép kín để tạo dựng cơ chế phát triển kinh tế mới: Hiện đại, hội nhập, theo các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng XHCN. Đổi mới và hội nhập vừa giúp các nguồn lực được phân bổ vào những nơi được sử dụng hiệu quả nhất vừa giúp thu hút thêm được nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển.
Bốn là, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo “Phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế”. Đây là động lực mang tính đột phá, là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới, bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh và mạnh. Phát huy tốt động lực này sẽ giúp cho nền kinh tế bắt nhịp được với xu thế phát triển chung của thế giới, tận dụng được những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Năm là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh. Đây là động lực mới và mang tính cách mạng, là cuộc cách mạng về phát triển lực lượng sản xuất, qua đó thúc đẩy sự phát triển của quan hệ sản xuất mới, tiên tiến, phù hợp.
Bởi vì đây là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng; là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện về cách sống, cách làm việc, được tiến hành đồng bộ, toàn diện, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội; là quá trình không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, mà còn góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Nếu như chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, gắn với hội nhập quốc tế được bắt đầu vào năm 1986, cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế và sau gần 40 năm đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp và tạo nền tảng để hướng tới nước có thu nhập trung bình cao thì chuyển đổi số, gắn với chuyển đổi xanh là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa(18), góp phần giúp Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình cao, tạo nền tảng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, tiên tiến, văn minh, hiện đại, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để đạt được mục tiêu là nước thu nhập cao theo định hướng XHCN.
Thứ tư, hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng các nguồn lực phù hợp với thể chế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt là các thể chế tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai; các thể chế mở đường cho các mô hình sản xuất và kinh doanh mới; có các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội đối với quản lý và sử dụng các nguồn lực như nguồn lực số, nguồn lực khoa học - công nghệ, nguồn lực văn hóa, lịch sử, truyền thống, nguồn lực thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam.
Thứ năm, đầu tư thích đáng cho công tác kiểm kê, đánh giá, cập nhật các nguồn lực của nền kinh tế; xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm cả các nguồn lực vật chất và phi vật chất, hiện đại, liên thông, số hóa, là cơ sở để hoạch định chiến lược, chính sách quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Áp dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý, sử dụng các nguồn lực, gắn với triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hữu hiệu để phòng, chống lãng phí, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực trong toàn xã hội.
Bối cảnh phát triển mới với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó khó khăn có phần nổi trội hơn; khát vọng phát triển đất nước lại rất lớn, do vậy để đạt được các mục tiêu đặt ra cần phải có những nỗ lực “phi thường”, cần phải “vượt qua chính mình”. Chúng ta đã thực hiện được điều đó trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, cũng như trong gần 40 năm đổi mới vừa qua. Nhất định chúng ta cũng sẽ thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong kỷ nguyên mới, với việc huy động được ở mức cao nhất các động lực cho phát triển và sử dụng, quản lý có hiệu quả, tiết kiệm và bền vững các nguồn lực của nền kinh tế.
Tìm những người xứng đáng để xây dựng thể chế cho Kỷ nguyên mới
- Nguồn lực và cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng 28/10/2024 07:00
- Đổi mới, sáng tạo là 'điểm nhấn' chuyển đổi nền kinh tế 25/09/2024 10:10
- 'Cơ hội đang mở ra cho những người đi nhanh, cho đổi mới, sáng tạo' 03/06/2024 08:00
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.