Tìm những người xứng đáng để xây dựng thể chế cho Kỷ nguyên mới
(VNF) - Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: "Cải cách thể chế, quan trọng vẫn là tư duy, nhận thức của tổ chức, bộ máy và cách làm của con người. Vì thể chế do con người tạo ra, vấn đề là cần tìm ra những con người xứng đáng để xây dựng thể chế cho một Kỷ nguyên mới.
Nhiều vướng mắc đều xuất phát từ thể chế
Vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2025. Theo đó, Quốc hội quyết định tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%, cao hơn kế hoạch và tương đương mức phấn đấu thực hiện năm nay của Chính phủ, là trên 7%.
Nhận định về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức trên 7%, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, đây là mức rất cao, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phục hồi chậm.
Cùng với đó, năm 2024, Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ và Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều chính sách để miễn, giảm hoặc giãn nợ, gia hạn nợ. Do đó, không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế sẽ còn những khó khăn để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng như dự kiến kế hoạch đặt ra.
Đáng chú ý, vị ĐBQH này nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, việc đầu tiên phải tháo gỡ về thể chế, vì tất cả các vướng mắc đều xuất phát từ thể chế, qua đó, tháo gỡ được được những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho rằng, việc tháo gỡ về thể chế là giải pháp căn cơ, quan trọng. Nếu được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mục tiêu tăng trưởng trên 7% là có thể đạt được.
Cụ thể, ông Sơn phân tích, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng năm 2025, trước tiên là tháo gỡ những nút thắt về thể chế. Chính phủ đang đề nghị với Quốc hội phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố. Việc phân cấp, phân quyền này phải được cụ thể hóa bằng những chính sách rất rõ ràng. Ví dụ thẩm quyền về đề xuất, về phê duyệt hay về triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, một số Luật mới như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và một số luật khác đã có hiệu lực cũng như các chính sách phục vụ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Dự báo sắp tới sẽ tác động mạnh đến các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu,… Việc triển khai các chính sách mới này cần phải thực sự mạnh mẽ.
Ở góc độ địa phương, vai trò phải đi kèm với với năng lực thực thi. Nghĩa là chính sách đã phân cấp, phân quyền thì địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm và thực hiện đúng như phương châm của Trung ương. Điều này phải được thực thi một cách hết sức bài bản và có trọng tâm, trọng điểm.
Cải cách thể chế bắt đầu từ con người
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ những nút thắt về thể chế giúp khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển, tạo tiền đề vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nêu vấn đề: Vậy thể chế vướng mắc như thế do ai? Do chúng ta. Vậy chúng ta là ai, chúng ta là những người làm nên thể chế đấy, đã đặt ra thể chế đấy. Vì vậy, nói cải cách thể chế bắt đầu từ tư duy tức là từ con người.
“Cuối cùng, vẫn là tư duy, nhận thức của tổ chức, bộ máy và cách làm của con người. Thể chế sai không thể tự nó sửa nó được, phải là con người. Vì thể chế do con người tạo ra, vấn đề là cần tìm ra những con người xứng đáng để xây dựng thể chế cho một Kỷ nguyên mới”, ông Phúc nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), trước khi bàn về thay đổi thể chế từ đâu, cần làm rõ về thể chế và pháp luật.
“Tôi chỉ muốn bàn về một yếu tố mà nhiều người hay nhầm lẫn rằng hệ thống pháp luật rối rắm, chồng chéo và cho rằng “sửa thể chế” thì phải sửa pháp luật. Không sai! Nhưng đó là bước sau”, ông Đồng nói.
Ông Đồng cũng nhấn mạnh: “Gỡ điểm nghẽn trước hết phải biết nghẽn cái gì? Cái ta đang bàn ở đây là nghẽn về cách phân chia lợi ích thiếu công bằng, không tạo được động lực cho phát triển. Còn pháp luật chỉ là “cái áo”. Vì thế trước khi nói đến làm luật, cải cách pháp luật, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, phải bàn đến “thiết kế chính sách”, bởi quan điểm nội dung là cái cần đồng thuận trước, còn hình thức pháp luật là cái đi sau”.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, đánh thuế tài sản bất động sản là phân chia lại lợi ích, điều tiết một phần lợi ích về tay nhà nước để “tái” chia lại lần nữa. Chống đầu cơ bằng thuế, nhưng như thế là đánh vào lợi ích những người đang nắm nhiều “bất động sản” nhất. Còn muốn làm được phải có “ý chí” chính trị để chia lại bánh và điều chỉnh pháp luật - thuế tài sản (nhiều nhà, nhiều đất thì thuế cao) là công cụ để thực hiện.
“Không phải ngẫu nhiên mà phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quốc hội đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó có tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, kiên quyết chống “lợi ích nhóm”. Do đó cải cách thể chế, dù nhỏ nhất, đều là phân chia lợi ích và phân chia lợi ích là quyết tâm chính trị”, ông Đồng nói.
Gỡ điểm nghẽn thể chế: 'Bắt đầu từ việc cụ thể, vướng mắc hiện hữu'
- Cải cách thể chế: Nhận diện bốn điểm nghẽn lớn 23/11/2024 03:30
- Kinh tế tư nhân khó chưa từng có: 'Đẩy mạnh cải cách thể chế' 10/10/2024 11:30
- Cải cách thể chế bắt đầu chậm lại? 20/06/2024 10:00
Cầu Quảng Đà kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam nhìn từ trên cao
(VNF) - Đây là Cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt đầu tư vào ngày 23/5/2023 với tổng mức đầu tư hơn 274 tỷ đồng.