Gỡ điểm nghẽn thể chế: 'Bắt đầu từ việc cụ thể, vướng mắc hiện hữu'
(VNF) - Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Gỡ "điểm nghẽn" thể chế chính là bắt đầu từ những việc cụ thể, từ vướng mắc hiện hữu, cần được giải quyết ngay. Đó cũng là con đường nhanh nhất để lấy lại niềm tin nơi người dân, doanh nghiệp đối với quyết tâm cải cách của các cơ quan quản lý.
- Cải cách thể chế: Nhận diện bốn điểm nghẽn lớn 23/11/2024 03:30
“Điểm nghẽn” thể chế kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp
Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã "mắc kẹt" trong rừng thủ tục khi có tới 61% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 61,36% doanh nghiệp còn phải trả chi phí không chính thức cao trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện…
Thêm vào đó, những phiền hà về cấp phép kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Đầu năm 2024, , Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 4/2023.
Theo đó, có 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu, nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, có 34% doanh nghiệp nhấn mạnh “các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.
Ngoài ra, việc đảm bảo giấy phép và các phê duyệt cần thiết là mối quan tâm của 22% số người được hỏi, chỉ ra những rào cản về thủ tục trong hoạt động kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) phản ánh rằng, việc giải quyết các thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành.
Dẫn chứng bằng việc triển khai 2 dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, vị đại biểu này cho biết, từ khi khởi động, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo giải trình gửi các bộ, ngành về thủ tục đất đai, thủ tục đấu nối giao thông, thủ tục về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và nhiều thủ tục khác liên quan đến dự án. Thế nhưng, việc trao đổi giữa các bộ, ngành rất chậm.
"Trong khi theo quy định của luật Đầu tư, tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước liên quan đến nội dung thẩm định không quá 15 ngày. Nhưng đến nay hồ sơ dự án trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ đợi dẫn đến mất cơ hội đầu tư", ông Nam cho hay.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội chia sẻ rằng, doanh nghiệp không cần việc gì cũng hỗ trợ bằng tiền. Họ mong muốn thông thoáng về thủ tục hành chính.
Bà Ngân cho biết, hiện nay doanh nghiệp còn vướng rất nhiều thủ tục, nhất khi thành lập: “Ban đầu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở địa điểm A, người ta không cho thuê, phải chuyển đến địa điểm B, lại phải đi thay đổi. Đăng ký kinh doanh mặt hàng A, mặt hàng B thì khi thay đổi, bổ sung thì cũng lại phải đi thay đổi, bổ sung. Hoặc vấn đề về tên người đại diện cũng tương tự”.
Thực trạng trên cùng nhiều vướng mắc pháp lý khác liên quan đến thể chế đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ trong nhiều bài phát biểu gần đây. Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn cho rằng, hệ thống pháp luật hiện nay còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, chậm được bổ sung, sửa đổi, thay thế.
Người đứng đầu Đảng cũng khẳng định, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong nhân dân.
"Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn", đặt ra yêu cầu cấp thiết phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
“Người làm chính sách phải mang tâm thế của người thúc đẩy phát triển”
Có thể khẳng định, khắc phục triệt để những điểm nghẽn về thể chế chắc chắn sẽ khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển, tạo tiền đề vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, gỡ các điểm nghẽn phải bắt đầu từ thực tiễn, phải xuất phát từ yêu cầu hợp lý của người dân, doanh nghiệp. Người làm chính sách phải quan tâm người dân, doanh nghiệp cần gì, cần gỡ gì, đang làm tốt việc gì để tư duy chính sách thuận lợi hơn, nhanh hơn.
"Người làm chính sách đừng mang tâm thế của người quản lý nhà nước mà phải mang tâm thế của người thúc đẩy phát triển", ông Cung nhấn mạnh.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng khẳng định, phải đổi mới tư duy mới đổi mới được những thứ khác. Khi nhu cầu sửa đổi xuất phát từ thực tiễn thì sẽ không có công thức chung nào cả, mà phụ thuộc vào tư duy của người làm chính sách.
“Tư duy bắt đầu từ thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt, qua đó là con đường ngắn nhất để chính sách đi vào cuộc sống. Gỡ "điểm nghẽn" thể chế chính là bắt đầu từ những việc cụ thể, từ vướng mắc hiện hữu, cần được giải quyết ngay. Đó cũng là con đường nhanh nhất để lấy lại niềm tin nơi người dân, doanh nghiệp đối với quyết tâm cải cách của các cơ quan quản lý”, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu rõ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng nêu vấn đề: Vậy thể chế vướng mắc như thế do ai? Do chúng ta. Vậy chúng ta là ai, chúng ta là những người làm nên thể chế đấy, đã đặt ra thể chế đấy. Do đó, nói cải cách thể chế bắt đầu từ tư duy tức là từ con người.
“Cuối cùng, vẫn là tư duy, nhận thức của tổ chức, bộ máy và cách làm của con người. Thể chế sai không thể tự nó sửa nó được, phải là con người. Vì thể chế do con người tạo ra, vấn đề là cần tìm ra những con người xứng đáng để xây dựng thể chế cho một Kỷ nguyên mới”, ông Phúc nói.
Nhận diện những “điểm nghẽn” trong thể chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ. Nếu những điểm nghẽn đó thuộc chức năng của Quốc hội sẽ xử lý kịp thời.
Cùng với đó, bà Mai cũng đề nghị rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn để có căn cứ pháp lý thực hiện đúng yêu cầu “đúng vai”.
“Khi đã đúng vai thì nhất định phải thuộc bài. Nếu như đúng vai mà không thuộc bài thì nhất định sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng”, bà Mai nói.
Doanh nghiệp mong đợi cơ chế mới: Áp lực cải cách ngày càng lớn
- Kinh tế tư nhân khó chưa từng có: 'Đẩy mạnh cải cách thể chế' 10/10/2024 11:30
- Cải cách thể chế bắt đầu chậm lại? 20/06/2024 10:00
- Làm mới động lực cải cách thể chế 02/05/2024 07:30
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.