Đồng sáng lập Uber 'bỏ túi' 1,4 tỷ USD sau thỏa thuận với SoftBank

Minh Khuê - 20/01/2018 08:30 (GMT+7)

(VNF) - SoftBank đã hoàn thành thỏa thuận mua lại 15% cổ phần Uber hôm 18/1, đưa tập đoàn này trở thành cổ đông lớn nhất của Uber. Thỏa thuận trị giá 7 tỷ USD đã mang lại một khoản tiền lớn cho người đồng sáng lập Travis Kalanick cùng các nhà đầu tư ban đầu.

VNF
Travis Kalanick, cựu CEO và đồng sáng lập ứng dụng đặt xe Uber

"Chúng tôi tự hào có SoftBank, Dragoneer và những tập đoàn lớn trong ‘đại gia đình Uber’. Đây là một kết quả tuyệt vời cho các cổ đông, nhân viên và khách hàng của chúng tôi", một phát ngôn viên Uber cho biết trong một tuyên bố.

Kalanick – cựu CEO của Uber, người năm ngoái đã phải xin từ chức sau nhiều bê bối liên quan đến công ty, sẽ nhận được 1,4 tỷ USD từ thỏa thuận bán cổ phần. Ông Kalanick trước đó đã đề nghị bán một nửa số cổ phần của mình, nhưng vì SoftBank đặt ra giới hạn mua, nên ông này sẽ bán chỉ 29% (tức 1/3) tổng số cổ phần của mình tại Uber. Theo Bloomberg, tài sản ước tính của ông hiện là 4,74 tỷ USD.

Uber trước đây cho biết thỏa thuận với SoftBank định giá công ty này ở mức khoảng 48 tỷ USD, một khoản cắt giảm lớn so với lần định giá trước lên đến 70 tỷ USD sau những scandal về bảo mật và gian lận. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn đủ cung cấp tính thanh khoản cho Uber, làm dịu những căng thẳng trước thềm IPO dự kiến vào năm 2019 của công ty.

Gần đây, SoftBank thể hiện tham vọng thống trị ngành công nghệ của mình khi trở thành một nhà đầu tư tích cực tại Thung lũng Silicon. Tập đoàn Nhật Bản nắm bắt cơ hội tham gia vào hội đồng quản trị của Uber ngay sau khi công ty này phục hồi từ vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ của 57 triệu người dùng, cùng với những khó khăn chất chồng trong quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Những thay đổi về quản trị gắn liền với thỏa thuận này cũng đánh dấu một mốc quan trọng cho CEO Uber Dara Khosrowshahi, người đã thành công trong việc củng cố quyền lực tại một công ty vốn nổi tiếng với những bất hòa nội bộ trước khi ông bước vào vị trí điều hành.

Một số người cho rằng, việc mua lại phần lớn Uber của SoftBank là tất yếu khi Uber hiện nay đã quá già cỗi và quá thiếu sự linh hoạt cần thiết để tiếp tục phát triển, trong khi các đối thủ của ứng dụng này lại đang nổi lên với những thành tựu đáng chú ý. 

SoftBank sở hữu cổ phần tại hầu hết tất cả các ứng dụng đối thủ của Uber: Didi Chuxing tại Trung Quốc, Grab tại Đông Nam Á, Ola tại Ấn Độ… Khi hầu như tất cả các ứng dụng gọi xe trên thế giới đã "về chung 1 nhà", SoftBank sẽ ngăn cản những cuộc đấu tranh quyết liệt hiện nay để tập trung tài chính và thời gian vào đối thủ chung mới, rất có thể là cho hai "chiến mã" Uber và Didi Chuxing hợp tác với nhau.

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác