Công nghệ

Dữ liệu số: Tâm điểm của kinh tế số

(VNF) - Đã đến lúc chúng ta cần phải coi dữ liệu số là trung tâm cho quá trình chuyển đổi số bởi Kinh tế dữ liệu đã và đang đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho các quốc gia, người dân và doanh nghiệp trên thế giới.

Dữ liệu số: Tâm điểm của kinh tế số

Kinh tế số là tâm điểm của cuộc cách mạng 4.0

Cách đây mấy năm khi Việt Nam nói nhiều về Cách mạng 4.0, tôi đã đưa ra quan điểm kinh tế số, các vấn đề về công nghệ số phải là tâm điểm của 4.0. Khi nói về công nghệ số, phần dữ liệu lại là trọng tâm nhất dù ở khối doanh nghiệp hay Nhà nước. Trong nền kinh tế số, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, là động lực phát triển. Họ rất năng động trong việc ứng dụng công nghệ dữ liệu trong quản trị doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh cũng như ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI). Điều còn thiếu là góc độ bảo vệ dữ liệu cá nhân như thế nào để hạn chế mặt trái của lạm dụng dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân.

Đối với xây dựng Chính phủ số, cốt lõi là sử dụng dữ liệu số để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền và đội ngũ công chức. Hệ thống dữ liệu của Việt Nam được “đẻ” ra từ các nhóm lớn như hệ thống dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống tương tác giữa chính quyền và người dân, hay nhóm cơ sở dữ liệu bộ ngành địa phương… Bài toán lớn nhất bây giờ là khai thác giá trị dữ liệu để cho ra các quyết định quản trị - điều hành; dữ liệu được ứng dụng vào quy hoạch; và dữ liệu để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng công chức, từng cơ quan hành chính.

Ví dụ, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM lắp hàng triệu camera giao thông, hàng triệu cảm biến thì dữ liệu thu được phải dùng vào việc quy hoạch, đơn cử như đoán định tuyến đường nào mật độ cao, đang tắc nghẽn, gắn với mật độ dân cư để quy hoạch trường học, y tế… Hay hàng triệu cảm biến sẽ cho biết nơi nào mưa nhiều, nơi nào triều cường lên, tình trạng ngập lụt, tình hình thoát nước… Tất cả đều là dữ liệu số. Vấn đề là tầm nhìn để sử dụng các dữ liệu số đó như thế nào, từ chuyện cải cách hành chính đến nâng cấp dịch vụ công, quy hoạch… để phục vụ người dân.

Tất nhiên muốn như vậy thì quan trọng nhất phải “ép” các bộ ngành chia sẻ dữ liệu với nhau để khai thác các phần dữ liệu, đây là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là phải bảo vệ an toàn được dữ liệu. Bởi phần dữ liệu đó có nhiều thông tin mang tính cá nhân như các thông tin y tế, nhà cửa, chi phí điện nước… Một dữ liệu nhỏ như tiêu dùng điện nước nhưng cũng là một dạng dữ liệu phản ánh một bí mật của gia đình, và cho dù góc độ pháp lý chưa đưa dữ liệu này vào diện cần bảo vệ nhưng muốn xây dựng niềm tin cho người dân thì phải bảo vệ được những dữ liệu như vậy.

Hai thách thức về dữ liệu khi bộ ngành “mơ hồ”, địa phương lúng túng

Thách thức nổi cộm hiện nay là việc các cấp chính quyền, bộ ngành chưa ý thức được và có kế hoạch cụ thể cho vấn đề khai thác dữ liệu đi kèm với bảo vệ an toàn dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của công dân.

Điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số là kết nối dữ liệu, cần sớm có nhận thức đúng đắn và có chiến lược quốc gia về khai thác dữ liệu. Trong ngắn hạn và trung hạn, việc khai thác được tiềm năng dữ liệu sẽ giúp đổi mới hệ thống hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khối cơ quan công quyền, đồng thời giúp bộ máy nhà nước cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Về dài hạn, nếu có chiến lược và lộ trình “mở” kho tài nguyên dữ liệu một cách hợp lý, khối dữ liệu từ khu vực công có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn lao, tạo thêm động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao hiệu suất của nền kinh tế.

Tuy tiềm năng đầy hứa hẹn, nhưng hiện thực hóa những cơ hội mà công nghệ và dữ liệu mang lại không phải là công việc dễ dàng. Các thách thức lớn nhất mà Việt Nam, ở cấp quốc gia, cấp độ ngành, lẫn địa phương đối mặt bao gồm hai vấn đề chính. Thứ nhất là thiếu một tầm nhìn rõ ràng, đi kèm với một kế hoạch hành động cụ thể và có xác lập thứ tự ưu tiên hợp lý về khai thác dữ liệu. Thứ hai là chưa ý thức được và có kế hoạch cụ thể cho vấn đề bảo vệ an toàn dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của công dân.

Mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hình thành được tư duy cần xây dựng chính phủ số ở cấp độ quốc gia và chính quyền số ở cấp độ địa phương, nhưng các bộ ngành, địa phương vẫn mơ hồ và lúng túng khi xác định các công việc cụ thể và thứ tự ưu tiên khi làm. Lãng phí nguồn lực đầu tư và bỏ lỡ những cơ hội của công nghệ số vẫn là rủi ro hiện hữu.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS)

Xây dựng và khai thác dữ liệu hiệu quả như thế nào?

Để vượt qua những thách thức kể trên, khu vực công ở Việt Nam cần gấp rút xác định được cách tiếp cận, xác lập được thứ tự ưu tiên phù hợp trong triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu và cách thức khai thác dữ liệu. Các công việc cụ thể cần làm gồm:

Thứ nhất, về mặt tiếp cận, cần xác lập được tầm nhìn và mục tiêu lấy dữ liệu làm trung tâm cho tiến trình “chuyển đổi số” ở các cơ quan nhà nước, hình thành văn hóa làm việc dựa trên dữ liệu. Đồng thời, coi an toàn và quyền riêng tư dữ liệu cá nhân của công dân là yếu tố đặc biệt quan trọng trong mọi công việc liên quan đến thu thập, xử lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu của cơ quan công quyền.

Thứ hai, mỗi ngành, mỗi địa phương cần có khung kiến trúc về dữ liệu, tiêu chuẩn của từng loại dữ liệu để làm nền tảng cho xây dựng một “kho” dữ liệu quốc gia, địa phương. Trong đó, vai trò của các bộ, cụ thể là Cục Công nghệ thông tin của mỗi bộ là đơn vị định chuẩn kiến trúc và cơ chế khai thác cho ngành.

Thứ ba, lộ trình mở dữ liệu để khai thác đi qua các bước, với thứ tự ưu tiên gồm: Khai thác nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong cùng ngành (chiều dọc), cùng địa phương (chiều ngang), mở có thu phí đối với một số giao dịch dữ liệu (ví dụ dịch vụ xác thực eKYC) và sau cùng là thí điểm Dữ liệu mở (Open Data).

Thứ tư, sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ, là chìa khóa của tiến trình này. Muốn như vậy, tư duy đầu tư công nghệ thông tin theo từng dự án cần phải được hủy bỏ để chuyển sang tư duy mua dịch vụ công nghệ của doanh nghiệp tư nhân. Điều này cho phép tăng hiệu quả đầu tư, từ sử dụng dịch vụ điện toán đám mây cho lưu trữ dữ liệu đến triển khai công nghệ khai thác dữ liệu, bao gồm công nghệ Big Data và AI.

Cuối cùng, đặc biệt quan trọng, đó là dữ liệu không thể mở ra để sử dụng bên ngoài khu vực nhà nước nếu không có hành lang pháp luật về dữ liệu cá nhân. Do đó, xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là nền tảng cho các bước đi dài hạn để khai thác được dữ liệu do khu vực công tạo ra, mà không tổn hại đến quyền riêng tư và sự an toàn của mỗi công dân. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông chọn 2023 là “Năm dữ liệu số Việt Nam” là hướng đi đúng. Để phục vụ cho năm dữ liệu số thì mỗi ngành, mỗi địa phương phải có một chiến lược riêng của ngành, của địa phương mình. Mỗi địa phương, mỗi ngành phải tư duy chuyển đổi số/dữ liệu số có ưu tiên, có trọng tâm, dữ liệu phải phục vụ cho đặc thù riêng của địa phương, của ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động, chọn ra những bài toán quan trọng nhất và dùng dữ liệu để giải bài toán ấy.

Tin mới lên