Dự thảo Luật An ninh mạng: ‘Nguy cơ lạm quyền, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp là rất cao’
Lê Nguyễn -
29/05/2018 17:33 (GMT+7)
(VNF) – Việc trao cho lực lượng chuyên trách an ninh mạng kiểm tra, đánh giá an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được đề cập trong Điều 24 (dự thảo Luật An ninh mạng) sẽ đưa đến nguy cơ lạm quyền, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 29/5 về dự thảo Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) cho hay Điều 24 quy định lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an được quyền kiểm tra, đánh giá an ninh mạng bao gồm cả hệ thống thông tin không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
“Dẫn chiếu đến điểm c, khoản 3, Điều 12 ta thấy đối tượng bị kiểm tra, đánh giá bao gồm cả thông tin được lưu trữ, chuyển tải trong hệ thống thông tin. Quy định như trên có thể dẫn tới khả năng xảy ra xâm phạm bí mật kinh doanh, bí mật người dùng dịch vụ, ứng dụng của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, kết quả kiểm tra và việc sử dụng kết quả kiểm tra theo quy định hiện nay của dự thảo luật được bảo vệ theo quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước lại không quy định về vấn đề này. Vì vậy, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ ứng dụng của doanh nghiệp đều đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin riêng.
“Như vậy có thể thấy rằng, việc trao cho lực lượng chuyên trách an ninh mạng kiểm tra, đánh giá an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan tổ chức không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được đề cập trong Điều 24 là chưa phù hợp. Nguy cơ bị lạm quyền, bị nhũng nhiễu của người dân, doanh nghiệp là rất cao nếu điều khoản này được áp dụng vào trong thực tế”, ông nói.
Cần thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự luật
Đánh giá thêm về dự thảo Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật vẫn bao quát một phạm vi quá rộng, đặt ra nhiều quy định có thể không thực sự cần thiết đối với yêu cầu bảo vệ an ninh, trong khi đó lại tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
“Điều này được thể hiện tại Điều 17 của dự thảo luật, quy định về các hành vi vi phạm trong mạng, bao gồm cả kinh doanh đa cấp, giao dịch tài sản, huy động vốn, trò chơi cho nhận, quy đổi đầu tư ủy thác trái phép trên không gian mạng... Như vậy, dự thảo luật đã điều chỉnh các vấn đề về trật tư an toàn hoặc các vấn đề về kinh tế, dân sự mà không ảnh hưởng rõ rệt đến an ninh quốc gia. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để thu hẹp phạm vi điều chỉnh lại”, ông nói.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Thành Công (đại biểu đoàn Ninh Bình) cũng cho rằng nên thu hẹp phạm vi an ninh mạng chịu sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng tại các điều 15, 16 và 17 theo hướng chỉ tập trung phòng ngừa, xử lý thông tin có tính chất xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Ông Công cho rằng dự luật chỉ giữ quy định tại khoản 1 và 2 Điều 15; không cần thiết điều chỉnh các hành vi làm nhục, vu khống, thông tin gian dối về sản phẩm trên mạng như quy định tại khoản 3 và 4 Điều 15.
“Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh với các hành vi làm nhục, vu khống, thông tin gian dối về sản phẩm trên mạng sẽ chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự năm 2015 và chỉnh sửa, bổ sung năm 2017 quy định về tội làm nhục và tội vu khống người khác ở Điều 155 và Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội quảng cáo gian dối và tội lừa dối khách hàng ở Điều 197 và 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo năm 2012.
“Thêm vào đó việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như vậy sẽ làm trách nhiệm của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan hữu quan bị phân tán mục tiêu bảo vệ, trong bối cảnh lực lượng hoạt động này có giới hạn”, ông Công phân tích.
Ông Công cũng cho rằng dự luật không cần giữ lại quy định tại Điều 30 vì nội dung này về cơ bản đã được quy định trong Luật Trẻ em năm 2016.
“Điều 33 của Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định về quyền được tiếp cận thông tin, Điều 54 Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và không thực sự liên quan tới nhiều chủ đề an ninh mạng mà dự thảo luật điều chỉnh. Việc giữ quy định tại Điều 30 sẽ tạo ra sự chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, gây chồng lấn về thẩm quyền quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành có liên quan đối với việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, ông nói.
Theo quan điểm của ông Công, quy định tại khoản 1 Điều 34 - giáo dục an ninh mạng được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường - là chưa hoàn toàn đồng bộ với quy định tại Điều 10, 11, 12 của Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh năm 2013.
“Không phải tất cả các trường đều có môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh mà chỉ các trường từ cấp trung học phổ thông trở lên, trường trung cấp, cao đẳng hoặc đại học mới có môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh.
“Vì vậy, để bảo đảm sự đồng bộ với quy định của Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh, khoản 1 Điều 34 lên chỉnh lại như sau: Giáo dục an ninh mạng được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong trường trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học và trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội”, ông Công đề xuất.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.