Quy định Google, Facebook đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam: Không vi phạm cam kết quốc tế

Vĩnh Chi - 29/05/2018 17:01 (GMT+7)

(VNF) – Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc quy định các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện trong nước là cần thiết, phù hợp với thông lệ và không vi phạm các cam kết quốc tế.

VNF
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Lo ngại quy định không khả thi

Phát biểu tại phiên thảo luận hôm nay (29/5) về dự thảo Luật An ninh mạng, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (đoàn Thanh Hóa) cho rằng việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam là khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp. Trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài từ chối đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, hoạt động tiếp cận thông tin của người dân sẽ bị gặp khó khăn.

“Hiện nay các máy chủ của các dịch vụ mà nhiều người Việt Nam sử dụng thường xuyên như Google, Facebook đều đặt tại nước ngoài. Với công nghệ phát triển hiện nay, máy chủ không phải là máy cụ thể mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó và xu hướng này là xu hướng của thế giới, trong đó có nước ta.

“Từ thực tiễn này, việc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm quản lý máy chủ, quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam là khó khả thi. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân”, bà Thủy nói.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy (đoàn Thanh Hóa)

Theo bà Thủy, trong cam kết của tổ chức thương mại thế giới, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là dịch vụ không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, ngay cả trong các trường hợp loại trừ đó cũng không có quy định phải có cơ quan đại diện, văn phòng đại diện trên lãnh thổ của Việt Nam. Cam kết trong hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự.

“Do đó, việc quy định về việc doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, văn phòng đại diện ở điểm d, khoản 2, Điều 26 của dự thảo luật sẽ không đúng với các cam kết của tổ chức quốc tế, thương mại thế giới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mà Việt Nam đã ký kết”, bà Thủy phân tích.

Đặt trụ sở, văn phòng đại diện là cần thiết, phù hợp thông lệ

Trái với quan điểm của bà Thủy, bà Nguyễn Hồng Vân (đại biểu Quốc hội đoàn Phú Yên) cho rằng việc quy định đặt văn phòng và cơ sở dữ liệu của người sử dụng tại Việt Nam là hết sức cần thiết.

“Thực tế như Facebook cũng đã đặt văn phòng đại diện trên 80 nước, Google cũng đặt 70 địa chỉ trên thế giới. Hơn nữa, đây là việc ảnh hưởng đến chủ quyền của quốc gia nên quy định các nhà cung cấp thiết bị cần phải có đặt trụ sở hay văn phòng đại diện ở Việt Nam là hết sức cần thiết”, bà Vân tái khẳng định quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP. HCM) bổ sung thêm thông tin hiện có 18 quốc gia trên thế giới đã quy định phải lưu trữ dữ liệu trong nước như: Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Úc, Indonesia, Hy Lạp, Bungaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil.

“Như vậy, thông lệ quốc tế đã có và chúng ta không phải là quốc gia đầu tiên áp dụng quy định này”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng cho rằng các hiệp định quốc tế đều có những quy định ngoại lệ về an ninh, do đó việc quy định đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam là “không có điều gì vi phạm các cam kết quốc tế”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) lập luận rằng Luật Thương mại 2005, Luật Ngoại thương năm 2017 vừa được thông qua và đặc biệt Nghị định 28 năm 2018 của Chính phủ đều quy định phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

“Doanh nghiệp viễn thông cũng như các doanh nghiệp khác, đặt văn phòng đại diện đó là nguyên tắc. Tại sao doanh nghiệp khác phải đặt văn phòng đại diện còn doanh nghiệp thông tin lại không đặt”, ông Cầu nói.

Nhắc lại thông lệ quốc tế (18 nước quy định lưu trữ dữ liệu trong nước) và chuyện Google, Facebook phải đặt văn phòng tại hàng chục quốc gia trên thế giới, ông Cầu khẳng định: “Từ góc độ pháp luật của Việt Nam, thực tiễn của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, chúng tôi thấy quy định này là có lý và chúng ta có thể thực hiện được”.

Phát biểu giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nhấn mạnh: “Mình không vi phạm vào hiệp định thế giới, tôi nói rõ hơn đó là Điều 21 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), Điều 14 Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và Điều 29 Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có một quy định là ngoại trừ an ninh. Đất nước nào cũng vậy”.

Ông Việt cũng cho rằng vấn đề an ninh mạng thời gian qua và sắp tới rất phức tạp và ngày càng phức tạp. “Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng ở Bộ Quốc phòng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Kẻ địch đang lợi dụng và triệt để lợi dụng việc này để chống phá ta thì không có lý do gì mà chúng ta lại buông lỏng việc này”, ông nói.

Vị Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phản bác quan điểm quy định của dự luật không khả thi bằng lời khẳng định “chúng tôi đi khảo sát, giám sát thì khả năng là lưu giữ được”.

Ông nói thêm: “Tôi đi tiếp xúc với các đại sứ nước ngoài, cả châu Âu và Hoa Kỳ, thực chất nước Mỹ cũng quy định địa phương hóa giữ liệu. Tôi đề nghị Quốc hội, qua những ý kiến giải trình của chúng tôi, chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý cho hợp lý hơn, cho rõ hơn, sâu hơn và điều thứ ba cũng báo cáo Quốc hội là xin giữ như dự thảo”.

Cùng chuyên mục
Tin khác