Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã "châm ngòi" cho một cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản khi đưa ra nỗ lực hạn chế nợ quá mức giữa các công ty bất động sản cũng như nạn đầu cơ tràn lan của người tiêu dùng.
Evergrande, gã khổng lồ bất động sản với sự hiện diện tại hơn 280 thành phố của Trung Quốc, được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, tập đoàn này đã ngấp nghé nhiều tháng bên bờ vực vỡ nợ, chỉ “thoát chết trong gang tấc” khi nhiều lần thanh toán lãi trái phiếu vào phút cuối.
Nhưng mới đây vào ngày 6/12, tập đoàn này đã không thể trả 82,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu nước ngoài sau khi hết thời gian ân hạn, báo hiệu dấu hiệu sụp đổ của tập đoàn bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới.
Cơ quan xếp hạng toàn cầu S&P Global Rating cũng cho biết việc vỡ nợ hiện "có vẻ không thể tránh khỏi".
Tuy vậy, trước khi bỏ lỡ khoản thanh toán 82,5 triệu USD, Evergrande đã “cầu cứu” chính quyền tỉnh Quảng Đông – nơi tập đoàn có trụ sở chính, về việc tập đoàn không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau đó, tỉnh đã cử một nhóm lãnh đạo xuống tập đoàn để “xử lý khủng hoảng”.
Theo các nhà phân tích, đây là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu chính thức cho quá trình tái cơ cấu nợ của “ông lớn” bất động sản - một quá trình có thể sẽ mất nhiều năm.
Evergrande vẫn chưa thông báo liệu tập đoàn có chính thức vỡ nợ hay không. Theo ông Steven Leung, giám đốc UOB Kay Hian tại Hong Kong: “Nếu không có thông báo chính thức, thị trường sẽ muốn chờ xem và nhà đầu tư sẽ chưa từ bỏ; nhưng nếu ra thông báo vỡ nợ, giá cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande sẽ còn giảm nhiều hơn nữa”.
Các dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đang đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai của Evergrande đã giúp các nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về sự sượp đổ của tập đoàn này.
Shehzad Qazi, giám đốc điều hành của công ty phân tích dữ liệu China Beige Book, nói với AFP: “Rõ ràng là nhà nước đang nghiêm túc tham gia vào việc quản lý tình hình tại Evergrande”.
Ông Qazi cũng nói thêm rằng sự sụp đổ của tập đoàn này sẽ là một “sự phá huỷ có kiểm soát”, thay vì một quá trình vỡ nợ “rối tung” như các nhà đầu tư lo sợ.
Tuy vậy, các trái chủ của tập đoàn này chắc chắn sẽ phải chịu thiệt không ít với số tiền đã bỏ vào Evergrande. Và ngay cả khi việc tái cấu trúc tập đoàn thành công, thì cũng không thể xoá bỏ tác động từ cuộc “đàn áp” của phía Bắc Kinh với “bom nợ”.
Ít nhất 10 công ty bất động sản đã vỡ nợ trái phiếu kể từ khi lo ngại bắt đầu gia tăng đối với Evergrande vào tháng 6/2021.
Công ty Sunshine 100 niêm yết tại Hong Kong đã vỡ nợ sau khi bỏ lỡ thời hạn thanh toán 179 triệu USD trong tuần này, và nhà phát triển bất động sản Kaisa mới đây cũng đã thất bại trong một cuộc trao đổi kéo dài thời gian trả nợ để huy động vốn.
Theo Bloomberg, trong số 10,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài mà những “con nợ” Trung Quốc không trả được trong năm nay, các nhà phát triển bất động sản chiếm tới 36%.
Với việc chính quyền địa phương cử một nhóm xử lý khủng hoảng tới Evergrande, cuộc khủng hoảng của tập đoàn này đã kéo theo sự can thiệp của chính phủ vào các công ty mắc nợ khác.
Mặc dù có sự nhúng tay của chính quyền, nhưng việc Evergrande vỡ nợ chắc chắn có tác động lớn đến lĩnh vực bất động sản trong nước và làm gia tăng lo ngại về tình hình tài chính của các công ty chủ chốt trong lĩnh vực, khiến doanh số bán nhà và giá nhà đi xuống.
Sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, vốn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong sản lượng kinh tế của nước này, có thể tác động xấu đến tăng trưởng toàn cầu.
Những tai ương của Evergrande đã làm “rung chuyển” thị trường chứng khoán và cả lĩnh vực bất động sản – lĩnh vực tạo nên phần lớn những khoản nợ bằng đồng USD trên thế giới.
Xem thêm >> Bỏ lỡ thời gian ân hạn trả nợ trái phiếu, Evergrande chuẩn bị vỡ nợ?
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.