'Fed tiếp tục nới lỏng tiền tệ, Việt Nam thêm dư địa giảm lãi suất'
(VNF) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành nhận định, việc Fed tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ bằng hạ lãi suất đã rất rõ ràng và sang năm 2025 mức giảm lãi suất của Fed được dự báo từ 1 – 1,25 điểm %. Điều này tạo dư địa cho Việt Nam hạ lãi suất.
2025: Tiếp đà nới lỏng tiền tệ
Trao đổi tại Tọa đàm Phục hồi kinh tế & Xu hướng dòng vốn đảo nghịch, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, một thuận lợi nữa đối với nền kinh tế trong giai đoạn tới là về chính sách tiền tệ, hiện đang khá thuận lợi, có dư địa để nới lỏng thêm. Năm nay, việc Fed sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất đã rất rõ ràng, dù mức độ sẽ không lớn.
Theo dự báo Fed sẽ cắt giảm 25 điểm phần trăm trong hai kỳ họp vào tháng 11 và tháng 12. Như vậy, cả năm nay Fed sẽ giảm khoảng 1 điểm %. Sang năm, mức giảm lãi suất của Fed được dự báo từ 1 – 1,25 điểm %. Sau khi Fed giảm lãi suất, các ngân hàng Trung ương châu Á cũng giảm theo giúp áp lực tỷ giá không còn và tạo dư địa cho Việt Nam hạ lãi suất.
Trong ngắn hạn, Việt Nam khó có thể giảm mạnh lãi suất trong quý IV trong bối cảnh tín dụng đang tăng mạnh mà tăng cung tiền hiện nay đang thấp hơn.
Ngân hàng Nhà nước đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15% trong năm nay nhưng hiện cung tiền chỉ tăng 12%. Như vậy, nếu như không đẩy mạnh được cung tiền, lãi suất lại có xu hướng nhích lên chứ không phải giảm đi.
“Hiện không còn áp lực tỷ giá, trong năm nay, mức mất giá đồng tiền chỉ khoảng trên dưới 2%, rất tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, lạm phát cũng không đáng lo ngại.
"Vì vậy, mặc dù quý IV lãi suất có thể sẽ đi ngang nhưng bối cảnh hiện nay rất tích cực để hạ lãi suất trong năm sau”, ông Thành dự báo.
Tự tin tăng trưởng GDP 7%
Nhận định về tăng trưởng kinh tế 2025, ông Thành cho rằng, Chính phủ có thể sẽ tự tin đạt được con số tăng trưởng 7% và đưa ra một mục tiêu tham vọng tăng trưởng kinh tế 7,5% cho năm sau. Song để đạt được mục tiêu này cần chú trọng mấy vấn đề.
Về xuất khẩu, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến Việt Nam. Xuất nhập khẩu đang giảm tốc từ tháng 9. Mặc dù, trong tháng này, có tác động của bão Yagi nhưng chủ yếu thiệt hại về tài sản chứ ảnh hưởng đến sản xuất không nhiều.
“Sản xuất tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh vẫn tiếp diễn chứ không bị ngưng trệ nhiều nhưng tín hiệu giảm tốc là có và theo tôi nó đến từ việc xuất khẩu đang chậm lại. Khả năng rất cao là các nền kinh tế lớn trên thế giới chống lạm phát thành công và sẽ không rơi vào suy thoái trong năm 2025 nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ sụt giảm. Đây là độ trễ của việc giữ ở lãi suất cao trong các năm trước đó”, ông Thành phân tích.
Trong khi đó, sản xuất công nghiệp năm nay có thể tăng trưởng được khoảng 14% nhưng sang năm có lẽ chỉ tăng trưởng được khoảng 12%. Nhìn vào tăng trưởng tiêu thụ điện, trong 9 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp tăng khoảng 11% thì tăng trưởng tiêu thụ điện tăng 10,7% thế nhưng riêng tháng 9 chỉ tăng 7% cho thấy sự giảm tốc.
“Về chính sách tài khoá, ông Thành dự đoán: "năm sau sẽ có mức đầu tư công lớn hơn hẳn so với năm nay, lớn hơn một chút so với năm 2023. Con số giải ngân vốn đầu tư công năm nay tuy chưa được như kỳ vọng. Tính đến ngày 30/9, ước giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên với năm sau, vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn để mang lại các kết quả tích cực cho nền kinh tế.
Về tiêu dùng, ông Thành khẳng định tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng đang thấp hơn so với các năm trước.
Nguyên nhân đến từ hai vấn đề. Một là, cú sốc giảm xuất khẩu năm ngoái dẫn tới thu nhập của một bộ phận người lao động làm việc trong các doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm hoặc chững lại ảnh hưởng đến tiêu dùng của năm nay.
Hai là tầng lớp trung lưu và người giàu cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn khi thị trường bất động sản khó khăn, thị trường chứng khoán chưa khởi sắc và các vấn đề của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp.
Để thay đổi được tâm lý bi quan hiện nay của cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp đòi hỏi những thông điệp của chính sách theo hướng đó quyết liệt xử lý. Đó là Nhà nước sẽ có những quyết sách để xử lý khó khăn gây ra những trục trặc trong hệ thống tài chính thời gian qua.
Theo ông Thành, những chính sách vừa rồi từ việc giảm thuế giá trị gia tăng và một số thuế phí để thúc đẩy tiêu dùng nếu như tiếp tục duy trì cũng sẽ có động lực tốt nhưng để thúc đẩy tiêu dùng thì vừa phải duy trì những chính sách miễn giảm thuế phí vừa đưa ra những thông điệp về việc xử lý vấn đề của hệ thống tài chính để cởi “nút thắt” tâm lý của người dân.
Về đầu tư, ông Thành cho rằng doanh nghiệp vẫn ngại rủi ro pháp lý. “Khi doanh nghiệp vẫn lo ngại rủi ro pháp lý thì các kế hoạch đầu tư mở rộng của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Điều này này không chỉ ảnh hưởng đến câu chuyện tăng trưởng ngắn hạn 2024, 2025 mà còn là câu chuyện trong trung hạn. Bây giờ mà doanh nghiệp không đầu tư thì làm sao có tăng trưởng trung hạn 2026 – 2027”, ông Thành nói.
Vì vậy, ông Thành cho rằng, vẫn có kịch bản tăng trưởng năm sau thấp hơn năm nay nếu không thể cải thiện tâm lý của doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư và không cải thiện tâm lý của người dân, hộ gia đình để tiêu dùng trong khi động lực xuất khẩu và sản xuất công nghiệp giảm tốc.
Nới lỏng tiền tệ: Mong muốn đi kèm áp lực
- Dư địa không còn, 'chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng thêm' 08/10/2024 03:00
- Fed kích hoạt nới lỏng tiền tệ: Tỷ giá USD/VND và lãi suất sẽ ra sao? 20/09/2024 11:30
- Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm %: Chu kỳ nới lỏng tiền tệ bắt đầu 19/09/2024 06:15
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.