Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm %: Chu kỳ nới lỏng tiền tệ bắt đầu

Quỳnh Anh - 19/09/2024 06:15 (GMT+7)

(VNF) - Sau cuộc họp chính sách mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid, cắt giảm 0,5 điểm % so với lãi suất chuẩn trong nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái trên thị trường lao động.

Quyết định cắt giảm không được đồng thuận

Ngày 18/9 (giờ địa phương), sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định hạ lãi suất đi vay 0,5 điểm %.

Ngoài các đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong thời kỳ Covid, lần gần nhất FOMC cắt giảm 0,5 điểm % là vào năm 2008 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Quyết định này hạ lãi suất quỹ liên bang xuống mức từ 4,75%-5%. Lãi suất này thiết lập chi phí vay ngắn hạn cho các ngân hàng, đồng thời cũng ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm tiêu dùng như thế chấp, cho vay mua ô tô và thẻ tín dụng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Trong tuyên bố tại cuộc họp báo sau phiên họp của Fed, Chủ tịch Jerome Powell cho biết động thái cắt giảm này là một “sự điều chỉnh” đối với ngân hàng trung ương và không cam kết thực hiện các động thái tương tự tại mỗi cuộc họp sắp tới.

“Việc hiệu chỉnh lại lập trường chính sách của chúng tôi sẽ giúp duy trì sức mạnh của nền kinh tế và thị trường lao động, và sẽ tiếp tục cho phép tiến triển hơn nữa về lạm phát khi chúng tôi bắt đầu quá trình chuyển sang lập trường trung lập hơn. Chúng tôi không theo bất kỳ lộ trình nào được định sẵn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra quyết định của mình qua từng cuộc họp”, ông Powell cho biết.

Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cuộc chiến chống lạm phát lịch sử của ngân hàng trung ương Mỹ, giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm trong hơn một năm.

Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu của FOMC đã diễn ra với tỷ lệ 11-1, khi Thống đốc Fed Michelle Bowman - người thường xuyên bày tỏ lo ngại về áp lực giá kéo dài, là người ủng hộ việc cắt giảm 0,25 điểm %. Đây là lần phản đối đầu tiên của một thống đốc Fed kể từ năm 2005.

Quyết định cắt giảm nửa điểm, vốn không nhận được sự nhất trí hoàn toán, đã truyền đi thông điệp tới thế giới rằng các ngân hàng trung ương Mỹ đang cảm thấy cấp bách trong việc hỗ trợ nền kinh tế sau hàng loạt số liệu đáng lo ngại.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong một cuộc họp báo rằng ngân hàng trung ương "không tụt hậu" và quyết định cắt giảm nửa điểm của Fed là "dấu hiệu cho thấy cam kết" của chúng tôi nhằm không tụt hậu trong việc ứng phó với thực tế của nền kinh tế.

“Chúng tôi đang cố gắng đạt được một tình huống mà chúng tôi khôi phục sự ổn định giá cả mà không có sự gia tăng đau đớn về tỷ lệ thất nghiệp đôi khi đi kèm với tình trạng lạm phát này. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện, và tôi nghĩ rằng bạn có thể coi hành động ngày hôm nay là dấu hiệu cho thấy cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc đạt được mục tiêu đó”, Chủ tịch Jerome Powell cho biết tại cuộc họp báo sau quyết định.

Không quay lại thời kỳ lãi suất cực thấp

Thông qua "biểu đồ chấm" cuả FOMC, các chuyên gia kinh tế của Fed cho thấy từ giờ tới cuối năm, ngân hàng trung ương Mỹ có thể cắt giảm lãi suất thêm 0,5%, đưa lãi suất chuẩn của quỹ liên bang xuống mức 4,4% vào cuối năm nay, tương đương với phạm vi mục tiêu từ 4,25%-4,50%.

Hai cuộc họp còn lại của Fed trong năm được lên lịch vào ngày 6-7/11 và ngày 17-18/12.

Bên cạnh đó, các quan chức kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm 1% trong các đợt cắt giảm năm 2025, đưa lãi suất về khoảng 3,4% và giảm thêm 0,5% trong năm 2026 xuống 2,9%.

Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell không mong đợi thời kỳ tiền rẻ sẽ quay trở lại.

Ông cho biết: “Theo trực giác, hầu hết — nói đúng hơn là rất nhiều người — sẽ nói rằng chúng ta có lẽ sẽ không quay lại thời kỳ mà trái phiếu chính phủ trị giá hàng nghìn tỷ USD được giao dịch ở mức lãi suất âm, trái phiếu dài hạn được giao dịch ở mức lãi suất âm. Tôi cảm thấy rằng chúng ta sẽ không quay lại thời kỳ đó nữa”.

Biểu đồ cho thấy lộ trình lãi suất của Fed từ năm 2002 đến sau cuộc họp mới nhất.

"Nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tốt"

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết thị trường lao động đang trong tình trạng vững chắc và Fed có ý định duy trì tình hình như vậy thông qua đợt cắt giảm lãi suất mới nhất.

“Nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tốt. Nó đang tăng trưởng với tốc độ vững chắc. Lạm phát đang giảm xuống”, ông Powell nói.

Các quan chức Fed lưu ý rằng “việc làm tăng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp”.

Theo đó, Fed đã nâng tỷ lệ thất nghiệp dự kiến ​​trong năm nay lên 4,4%, từ mức dự báo 4% trong lần cập nhật gần nhất vào tháng 6 và hạ triển vọng lạm phát xuống 2,3% từ mức 2,6% trước đó. Về lạm phát cốt lõi, Fed đã hạ dự báo xuống 2,6%, giảm 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 6.

Quyết định này được đưa ra mặc dù hầu hết các chỉ số kinh tế đều có vẻ khá vững chắc.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng đều đặn và Cục Dự trữ Liên bang Atlanta đang theo dõi mức tăng trưởng 3% trong quý III dựa trên sức mạnh liên tục trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang đã chọn cắt giảm mặc dù hầu hết các thước đo đều cho thấy lạm phát vượt xa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy lạm phát đang ở mức khoảng 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm nhưng vẫn cao hơn mức các nhà hoạch định chính sách mong muốn.

Tuy nhiên, ông Powell và các nhà hoạch định chính sách khác trong những ngày gần đây đã bày tỏ mối quan ngại về thị trường lao động. Trong khi tình trạng sa thải không có nhiều dấu hiệu phục hồi, thì việc tuyển dụng đã chậm lại đáng kể.

Trên thực tế, lần cuối cùng tỷ lệ tuyển dụng hàng tháng ở mức thấp như vậy - 3,5% so với lực lượng lao động - thì tỷ lệ thất nghiệp lại ở mức trên 6%.

Theo CNBC, CNN, Reuters
‘Phát súng’ hạ lãi suất của Fed có châm ngòi cho làn sóng nới lỏng tiền tệ ở châu Á?

‘Phát súng’ hạ lãi suất của Fed có châm ngòi cho làn sóng nới lỏng tiền tệ ở châu Á?

Tài chính quốc tế
(VNF) - Trước viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, câu hỏi hiện nay đối với các ngân hàng trung ương châu Á là họ cần cắt giảm bao nhiêu trong những tháng tới, hoặc liệu họ có cần cắt giảm lãi suất hay không. Những nơi như Ấn Độ và Philippines hiện phải đối mặt với rủi ro lạm phát, trong khi Hàn Quốc có thể ưu tiên ổn định tài chính.
Cùng chuyên mục
Tin khác